Phát triển ngành bán lẻ: Cần giảm bớt trung gian vô lý, chi phí vô lý

19:54 | 03/10/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là quan điểm được chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0 – Bước đi mới cho thị trường phân phối hàng hóa” do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức vào sáng 3/10.

Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9/2019 ước tính đạt 420 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Như vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 9 tháng năm 2019 đã đạt đến 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 9,2%. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng qua đạt 2,76 triệu tỷ đồng, chiếm 76% tổng mức và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tại hội thảo, nhìn nhận về thị trường bán lẻ hiện nay, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thông tin, ở Việt Nam hệ thống phân phối và ngành bán lẻ nội địa đã đóng góp khoảng 15% GDP, giải quyết việc làm cho khoảng 6 triệu người. Thị trường Việt Nam có gần 100 triệu dân, tổng mức tiêu dùng đạt khoảng 70%/năm, 50% dân số trẻ, thị trường nông thôn còn trống vắng, kênh bán hàng hiện đại mới chiếm khoảng 25% thị phần.

Phát triển ngành bán lẻ: Cần giảm bớt trung gian vô lý, chi phí vô lý - ảnh 1
 Doanh nghiệp bán lẻ cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Đó là một thị trường đầy tiềm năng, tạo sự hấp dẫn mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ nhiều năm gần đây đều đạt mức tăng trưởng hai con số, thị trường bán lẻ online tuy mới chiếm 5% doanh số chung nhưng rất nhiều triển vọng trong những năm tới. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, các thành phần kinh tế đều có mặt trong hệ thống phân phối nội địa.
Tuy nhiên theo ông Phú, tình hình chung hiện nay cho thấy thị trường bán lẻ cũng có nhiều sức ép cạnh tranh. Trên thị trường đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia; có sự cạnh tranh giữa kênh bán hàng hiện đại và các kênh bán hàng truyền thống; cạnh tranh giữa bán lẻ trực tiếp và bán lẻ online.
Đó là những cạnh tranh mang tính công khai giữa các doanh nghiệp bán lẻ với nhau, tuy nhiên, do công tác quản lý nhà nước còn có những khiếm khuyết trong lĩnh vực lưu thông phân phối như chế độ hoạch toán, kế toán, thống kê, hóa đơn chứng từ, kiểm soát tài chính và thuế của các doanh nghiệp… do còn một số tồn tại chưa khắc phục được, từ đó dẫn tới một cuộc cạnh tranh nữa không kém phần khắc nghiệt.
Đó là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân làm ăn nghiêm túc, sổ sách đầy đủ, hoàn thành nghĩa vụ thuế nhà nước sòng phẳng với các đơn vị, cá nhân chuyển giá, trốn thuế, kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng mất phẩm chất..., vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, làm thất thu ngân sách nhà nước và gây khó khăn không nhỏ cho các cơ quan quản lý ở địa phương.
“Hiện nay thường xuất hiện hiện tượng một số siêu thị lớn có doanh số cao, có uy thế về ký kết hợp đồng và đàm phán đã ép cấp, ép chiết khấu, ép giá bán, giá mua đối với các nhà cung ứng, nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm. Những chi phí vô lý, đầy rủi ro cho nhà sản xuất và cung ứng đó sẽ đẩy giá thành hàng hóa Việt Nam cao lên so với giá trị sử dụng, từ đó hàng Việt Nam khó cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài. Từ đó người tiêu dùng vào siêu thị mua hàng sẽ phải mua một mức giá cao hơn không đáng có của những siêu thị làm ăn chưa được tử tế”, ông Phú thẳng thắn chỉ ra.
Phát triển ngành bán lẻ: Cần giảm bớt trung gian vô lý, chi phí vô lý - ảnh 2
  Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc của Nielsen Việt Nam. Ảnh DNVN/HuongLan.
Theo ông Phú, sự cạnh tranh trong giai đoạn này ngày càng mạnh mẽ và còn tiếp tục diễn ra trong những năm tiếp theo. Nếu cạnh tranh không lành mạnh sẽ làm thui chột những nhà bán lẻ làm ăn chân chính. Do đó, ông Vũ Minh Phú cho rằng, Muốn phát triển nhanh và bền vững trong hệ thống phân phối, cần giảm bớt trung gian vô lý, chi phí vô lý và những đợt “giải cứu hàng hóa” đã xảy ra thời gian vừa qua. Cần có quy hoạch phát triển mạng lưới, điều kiện hạ tầng, tổ chức những vùng sản xuất hàng hóa, nhất là sản xuất nông sản thực phẩm để cung ứng một cách đều đặn, có chất lượng và hiệu quả cho hệ thống.
Mặt khác, ông Phú nhấn mạnh phải kiểm soát thị trường bán lẻ và quá trình vận động hàng hóa của hệ thống phân phối một cách công khai, lạnh mạnh, không phiền hà, tiêu cực. Biểu dương những chuỗi phân phối làm ăn tử tế, có trách nhiệm với nhà nước và người tiêu dùng. Nhắc nhở và xử lý những cách làm ăn chụp giật, chèn ép vô lý của những doanh nghiệp có thế mạnh, vi phạm pháp luật, trốn thuế, giản giá, sản xuất và kinh doanh hàng giả…
Đưa ra những giải pháp cho hệ các doanh nghiệp bán lẻ tại thị trường Việt Nam hiện nay, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc của Nielsen Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến thái độ và ý kiến của người tiêu dùng.
Đồng thời, các doanh nghiệp bán lẻ trong hệ thống phân phối cần bắt tay nhau. Ngoài ra, phải hiểu được sự khác biệt giữa các vùng miền để thu hút người tiêu dùng. Đặc biệt, thương mại điện tử là chìa khóa quan trọng để tiếp cận người tiêu dùng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.