Phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên: Mỹ chơi chính hay kinh tế Triều Tiên trọng yếu?
Trước đó một tuần, ngày 24/5, Tổng thống Mỹ Trump bất ngờ gửi thư cho lãnh đạo Triều Tiên thông báo hủy cuộc gặp thượng đỉnh mà trước đó hai bên đã dự kiến tiến hành.
Để cứu vãn tình thế, Hàn Quốc và Triều Tiên đã thực hiện một loạt động thái thể hiện mong muốn hướng tới một bán đảo phi hạt nhân hóa. Những chuyến ngoại giao con thoi được diễn ra liên tục giữa giới chức Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc trong những ngày cuối tháng Năm. Cùng với đó, các tuyên bố tích cực được các bên đưa ra, thể hiện rõ sự lạc quan về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ -Triều sắp tới.
Theo đó, ngày 30/05, quan chức Hàn Quốc khẳng định Mỹ và Triều Tiên có nhiều bất đồng về phi hạt nhân hóa, nhưng điều này hoàn toàn có thể giải quyết.
Ngày 31/5, Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Sarah Sanders thông báo các cuộc đàm phán cấp chuyên viên của Mỹ và Triều Tiên, thảo luận về chương trình nghị sự cho Hội nghị thượng đỉnh song phương tại khu phi quân sự dọc biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã diễn ra tốt đẹp. Dự kiến cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ diễn ra vào ngày 12/6.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết thêm Hàn Quốc và Mỹ đang tham vấn gần như hằng ngày thông qua các kênh ngoại giao khác nhau, ngoài ra Seoul cũng liên lạc chặt chẽ với các nước láng giềng như Trung Quốc, Nga và Nhật Bản.
Trong khi đó, tại Singapore, phái đoàn Mỹ do Phó Chánh Văn phòng Nhà Trắng Joe Hagin dẫn đầu cũng đang trao đổi về các vấn đề an ninh và hậu cần với phái đoàn Triều Tiên do ông Kim Chang Son, Chánh Văn phòng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dẫn đầu nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.
Những kỳ vọng về một tương lai tươi sáng cho Bán đảo Triều Tiên không chỉ lại hé mở mà đang có những tiến triển tích cực. Hàn Quốc hy vọng sẽ được góp mặt trong cuộc gặp Thượng đỉnh để tiến tới cơ hội chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Chơi chính - không chỉ có Mỹ
Ngày 29/5, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon tuyên bố, Mỹ là người chơi chính trong nỗ lực chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên, bởi quá trình phi hạt nhân hóa liên quan chặt chẽ tới việc đảm bảo an ninh cho chính quyền tại Bình Nhưỡng. Phát biểu trên được đưa ra vào cuối chuyến thăm kéo dài một tuần của Thủ tướng Hàn Quốc tại châu Âu, phù hợp với tiết lộ trước đó của ông Lee Nak-yeon rằng Mỹ đã yêu cầu Hàn Quốc không can thiệp quá sâu vào vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, vấn đề phi hạt nhân Bán đảo Triều Tiên không chỉ có Mỹ chơi chính mà từ nhiều phía, trong đó không thể loại bỏ yếu tố Nga và Trung Quốc. Nga và Trung Quốc chính là chỗ dựa vững để Bình Nhưỡng, cho dù xuống nước rất nhanh trong vấn đề phi hạt nhân, vẫn bác bỏ mọi "đòi hỏi một phía" từ Mỹ.
Điều này được chứng minh, ngày 31/5, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov đã nhanh chóng thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Triều Tiên (kể từ năm 2009). Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Nga và Triều Tiên, Ngoại trưởng hai nước đã trao đổi về tình hình ở khu vực và thế giới, cũng như một số vấn đề liên quan mà 2 bên cùng quan tâm, nguồn tin từ TTXVN cho biết.
Nhật báo Oriental của Hong Kong ngày 30/5 đưa tin lãnh đạo Triều Tiên, Trung Quốc và Nga sẽ gặp nhau tại Trung Quốc trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. Cuộc gặp dự kiến sẽ diễn ra vào 9/6 tới tại thành phố Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc (vào thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải/SCO lần thứ 18). Nếu nhà lãnh đạo Triều Tiên tham gia cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên trên, đây sẽ là chuyến thăm thứ ba của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc trong vòng chưa đầy 3 tháng.
Động lực tăng trưởng mới cho kinh tế hai miền Triều Tiên
Gần đây Triều Tiên cho đăng tải một đoạn video, trong đó nhà lãnh đạo Kim Jong-un xuất hiện với hai hàng nước mắt lăn dài, ngay lập tức có thông tin cho rằng ông đã khóc khi cố gắng thuyết phục cấp dưới ủng hộ đàm phán Mỹ-Triều để phát huy tiềm lực kinh tế của Triều Tiên, theo nguồn tin từ VOV.
Lãnh đạo Kim Jong-un được đánh giá là đã rất kiên định về việc mở cửa kinh tế, mong muốn cải thiện mức sống cho người dân và phát huy tiềm lực kinh tế của Triều Tiên nếu một viễn cảnh Mỹ và Liên Hợp Quốc đồng ý gỡ bỏ cấm vận. Ông đồng thời tuyên bố thay vì khiêu khích quân sự sẽ nỗ lực để Triều Tiên có nền kinh tế phát triển và được đảm bảo về an ninh.
Tuy nhiên, không chỉ Triều Tiên mà Hàn Quốc cũng đang rất nỗ lực tận dụng cơ hội “có một không hai” trên bán đảo Triều Tiên hiện nay để khôi phục nền kinh tế đang bị tác động mạnh bởi vấn đề hạt nhân.
Trong cuộc họp các quan chức hàng đầu chính phủ, ông Moon Jae-in nói: "Kinh tế của chúng ta sẽ đối mặt sự thay đổi lớn nếu quan hệ Hàn -Triều cải thiện và hòa bình được thiết lập trên Bán đảo Triều Tiên. Trước tiên, chúng tôi cũng sẽ cần xem lại vai trò của chi tiêu tài chính để hỗ trợ lộ trình kinh tế mới trên Bán đảo Triều Tiên trong công tác chuẩn bị cho việc khôi phục hợp tác kinh tế giữa miền Nam - Bắc”, theo Yonhap.
Trích dẫn những báo cáo của các ngân hàng đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc (FSC) Choi Jong-ku nhận định: Hợp tác kinh tế liên Triều sẽ tác động tích cực tới thị trường chứng khoán Hàn Quốc và toàn bộ nền kinh tế nước này. Nếu Seoul và Bình Nhưỡng nhất trí tiếp tục các dự án hợp tác kinh tế một cách nghiêm túc, nền kinh tế Hàn Quốc sẽ thu về 55 tỷ USD. Hai dự án lớn về hợp tác kinh tế liên Triều là các tour du lịch tới Núi Kumgang và khu công nghiệp chung ở thành phố vùng biên Kaesong của Triều Tiên đã bị đình chỉ sau khi Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân.
Tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên mới chỉ bước vào cánh cổng và còn rất nhiều thách thức phía trước. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung-gyon cho rằng, Mỹ và Triều Tiên có thể thu hẹp bất đồng để tìm tiếng nói chung thời gian tới.