Phía sau những thông báo 'đóng cửa' của loạt local brand Việt
Cuối năm ngoái, thị trường thời trang Việt Nam (local brand Việt) chứng kiến sự ra đi của nhiều tên tuổi lớn như Lep’, Catsa, Hnoss, Elpis, MỘT…
Thời điểm đó, quyết định đóng cửa của loạt loacal brand Việt khiến nhiều người tiêu dùng tiếc nuối. Ngoài những thương hiệu thực sự nói lời chào tạm biệt, một số đơn vị kinh doanh lại lợi dụng cơ hội này, biến thông báo đóng cửa thành chiêu thức marketing.
Chẳng hạn, thương hiệu thời trang nam SSStuter cho biết sẽ đóng cửa, nội dung như sau: “SSStuter đóng cửa, tặng quà tri ân khách hàng đã đồng hành cùng hãng 9 năm qua”.
Trước thông báo trên, người tiêu dùng tỏ ra tiếc nuối và để lại nhiều lời nhắn tới thương hiệu. Cụ thể, bài đăng này nhận về hơn 1.000 lượt tương tác và bình luận ngay phía dưới.

Thông báo củaSSStuter. (Ảnh chụp màn hình).
Sau đó, nhãn hàng đã lên tiếng đính chính về thông tin dừng hoạt động. Trả lời độc quyền chúng tôi thời điểm đó, Thư Lê, Founder & CEO của thương hiệu cho biết chỉ đóng một số kênh bán hàng không còn phù hợp.
“SSStuter có chiến lược khác, chứ không đóng cửa hàng hẳn”, Thư Lê trả lời khi được hỏi về việc thương hiệu đóng cửa toàn bộ cửa hàng hay không.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn hãng thời trang nam đã đưa ra hai thông tin trái ngược nhau khiến khách hàng hoang mang. Tới thời điểm hiện tại, SSStuter vẫn hoạt động bình thường và liên tục cho ra mắt sản phẩm mới.
Cách thức marketing trên tiếp tục được Edini sử dụng. Cụ thể, vào ngày 18/4, hãng cho biết sẽ nói lời chào tạm biệt sau 12 năm hoạt động. Tuy nhiên, hãng chỉ đóng cửa mảng thời trang hàng ngày, chuyển sang các thiết kế truyền thống.
“Sau hơn 12 năm gắn bó với những thiết kế casual, trendy...Edini chính thức nói lời chia tay dòng sản phẩm này. Đây là một quyết định không dễ dàng nhưng cần thiết, vì chúng mình không thể tiếp tục chạy theo sự thay đổi chóng vánh, giảm chất lượng sản phẩm để cạnh tranh giá, hay tham gia vào những chiêu trò giá từ các kênh trung gian”, hãng thông báo.
Trên thực tế, Edini chủ yếu hướng đến dòng sản phẩm truyền thống nên thông báo đóng cửa trên chỉ nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, tăng tính tương tác.
Cụ thể, bài viết trên thu về hơn 2.000 lượt thích và gần 1.000 lượt bình luận, chia sẻ khoảng 200 lượt. Trong khi đó, bài viết hãng ngày của thương hiệu này chỉ có lượt tương tác khoảng 100 hoặc thấp hơn.

Trên thực tế, Edini chỉ đóng cửa ngành hàng thời trang thường ngày, chuyển sang kinh doanh trang phục truyền thống. (Ảnh chụp màn hình).
Không chỉ local brand Việt, một số thương hiệu nước ngoài cũng sử dụng cách thức trên. Điển hình là Merzy, thương hiệu mỹ phẩm đến từ Hàn Quốc. Vào ngày 19/2, Merzy thông báo hãng sẽ dừng hoạt động tại Việt Nam sau 9 năm gia nhập thị trường và gửi lời cảm ơn đến khách hàng.
Sau đó không lâu, Merzy cho biết hãng không đóng cửa mà đang chuẩn bị mang đến nhiều điều bất ngờ lớn hơn. “Có một số thông tin hiểu lầm đang lan truyền quá nhanh. Hãng thực sự mong muốn điều này sẽ là một món quà bất ngờ dành cho các Merzy fans, vì món quà này đã được chuẩn bị trước cả năm rồi”, hãng son thông báo.
Tuy nhiên, sự hồi đáp của hãng son có xuất xứ từ Hàn Quốc khiến người tiêu dùng tỏ ra bức xúc khi cho rằng Merzy cố tình làm truyền thông bẩn để gây chú ý.
Như vậy, một số đơn vị đang lợi dụng sự không rõ ràng về ngôn từ để tạo ra sự thu hút truyền thông, ví dụ là khái niệm đóng cửa hoặc đóng cửa một phần. Và chiêu bài hay được sử dụng sau đó là các hãng sẽ liên tục xả, thanh lý các mặt hàng cũ, đồng thời giới thiệu bộ sưu tập mới.
Về ngắn hạn, cách thức marketing trên có thể tạo ra sự tương tác, quan tâm ngay lập tức nhưng về dài hạn sẽ gây nguy hiểm vì khách hàng – những “thượng đế” của thương hiệu sẽ cảm thấy bị lừa dối và thiếu tôn trọng.