Phó Chủ tịch Hội DNTNVN hiến kế phát triển kinh tế tư nhân
Đánh giá về thực trạng năng suất lao động thông qua các số liệu thống kê, theo đó, năng suất lao động của Việt Nam rất thấp, ông Nguyễn Quang Huân cho rằng, đây không phải là những số liệu bị “làm quá” mà là chưa cụ thể và đầy đủ, không phải “hiểu sai” mà là hiểu chưa rõ.
Ông lý giải, năng suất lao động tại Việt Nam thấp vì phần lớn lao động (chiếm 40%) làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, có năng suất lao động rất thấp, chỉ bằng 38% của nền kinh tế. Sử dụng lao động trong nông nghiệp cũng thấp, mang tính thời vụ, chỉ có khoảng 20% quỹ thời gian dành cho lao động. Trong khi đó ở các nước trong khu vực thì lao động trong nông nghiệp thấp hơn nhiều so với nước ta.
Về quan hệ sản xuất, lao động nông nghiệp thực hiện theo hộ gia đình với mỗi hộ một thửa, cả nước có mấy triệu thửa ruộng, manh mún, khó áp dụng cơ khí hóa, chất lượng sản phẩm thấp, không đồng đều.
Khu vực kinh tế tư nhân gồm doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể thu hút đến 80% lao động của khu vực này, quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, lực lượng lao động phần lớn là lao động giản đơn, chưa qua đào tạo; tổ chức sản xuất kinh doanh kém.
Với khu vực doanh nghiệp, người lao động chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động. Năng suất lao động của nước ta thấp hơn các nước trong khu vực không có nghĩa là người lao động của ta kém hơn người lao động của các nước khác. Muốn đưa ra đánh giá đúng, cần sự tìm hiểu và phân tích kỹ lưỡng của các nhà kinh tế, các nhà khoa học, từ đó kiến nghị xây dựng các chính sách để nâng cao năng suất lao động của quốc gia.
“Thực tế cho thấy, Việt Nam mới ở giai đoạn đầu công nghiệp hóa nên nhiều doanh nghiệp quản trị chưa khoa học, còn tùy tiện”, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam nhận định.
Ông cho rằng, năng suất lao động phụ thuộc vào cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh. Sự quản lý điều hành trong từng khâu hoặc sự liên kết các khâu không tốt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lao động của doanh nghiệp. Quản lý ngày nay đã trở thành khoa học. Áp dụng khoa học quản lý trong điều hành không chỉ tác động trực tiếp vào chuỗi giá trị mà còn hình thành nên văn hóa ứng xử và tác phong của người lao động. Quản lý càng khoa học thì người lao động càng văn minh, càng có kỷ luật, tuân thủ quy trình, cạnh tranh nâng cao năng suất, từ đó lại góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải tiến của doanh nghiệp. Đó là vòng tuần hoàn không ngừng nghỉ để thúc đẩy năng suất của doanh nghiệp, thúc đầy năng suất của các tế bào nền kinh tế và từ đó mà thúc đẩy năng suất của cả quốc gia
Đặc biệt, lãnh đạo doanh nghiệp có vai trò quyết định đến 80% thành bại của doanh nghiệp. Người lãnh đạo phải có tầm nhìn, phải xây dựng được chiến lược phát triển dài hạn dựa trên triết lý kinh doanh và sứ mệnh mà doanh nghiệp đã tuyên bố, từ đó có kế hoạch cụ thể triển khai các hạng mục đầu tư, sắp xếp nhân sự chủ chốt. Lãnh đạo giỏi thì sẽ có một ban quản trị điều hành khoa học, sáng tạo để đưa những việc đã định theo đúng lộ trình áp dụng vào thực tế, trong đó có việc tối ưu hóa công việc, hợp tác nhóm trong quá trình làm việc.
Các yếu tố bên ngoài doanh nghiệp, nhất là vai trò của nhà nước và hiệp hội nghề nghiệp không thể thiếu được vì tự doanh nghiệp khó có thể làm được như công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển hạ tầng, logistic v.v…
Tăng năng suất lao động không chỉ dựa vào nỗ lực cá nhân
Ông Huân cho rằng, tầm quan trọng của năng suất lao động là quyết định ai thắng ai trong cuộc cạnh tranh kinh tế. Bởi vậy, tăng năng suất lao động không thể dựa vào các nỗ lực cá nhân hay của từng nhóm nào mà nó là việc của cả hệ thống chính trị xã hội, của toàn dân, trong đó có trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân. Chúng ta cũng không thể dựa vào ý muốn chủ quan để có thể tăng năng suất lao động đột biến.
Từ đó, Chủ tịch Halcom đề xuất: Nâng cao năng suất lao động đòi hỏi sự vào cuộc của cả nhà nước và doanh nghiệp. Không ai thay được nhà nước trong việc xây dựng thể chế, phát triển hạ tầng, giáo dục, đào tạo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
“Về góc độ doanh nghiệp, doanh nghiệp cần phải đề cao vai trò của người lao động; xây dựng quy trình lao động, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa công ty, đào tạo tại chỗ, phát huy được tinh thần kinh doanh sáng tạo của người lao động thông qua đòn bẩy kinh tế và kịp thời vinh danh người lao động giỏi. Lao động phải tiếp cận và ứng dụng sự tiến bộ của công nghệ 4.0 vào thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Huân nói.