Phó Thủ tướng: Hài hòa lợi ích quốc gia với quyền, nghĩa vụ của NĐT nước ngoài trong 'cuộc chơi' thuế tối thiểu toàn cầu

Diên Vỹ 17:01 | 08/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm tại phiên chất vấn sáng 8/6 là tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trước thách thức liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.

 

Đại biểu lo ngại thu hút FDI gặp khó do thách thức thuế tối thiểu toàn cầu

Nhận định thuế tối thiểu toàn cầu đặt ra nhiều thách thức khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, yêu cầu đặt ra phải ứng phó hiệu quả các tác động tiêu cực, bảo đảm tính cạnh tranh, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước, đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang).đề nghị Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết định hướng hành động và giải pháp trước thách thức này.

Cùng chung mối quan tâm, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) cũng lo ngại về triển vọng FDI vào Việt Nam khi luật thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ đầu năm 2024 tới. Ngoài ra, đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng làm rõ liên quan đến vấn đề một chính sách không chính thức đang hình thành trên thực tế là nhà đầu tư quốc tế phân biệt, đối xử các quốc gia khiến các hàng loạt chính sách ưu đãi thu hút FDI của Việt Nam bị suy giảm hiệu quả. 

Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu (gọi tắt là “thuế tối thiểu toàn cầu”) là một trong hai trụ cột chính của Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và cho tới nay đã được hơn 140 quốc gia trên thế giới đồng thuận. Theo đó, mức thuế tối thiểu toàn cầu được quy định là 15%, áp dụng đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu EUR (hay 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất. Dự kiến chính sách này sẽ có hiệu lực ngay từ 1/1/2024.

Với cơ chế đặc biệt của thuế này, từ lâu, các chuyên gia đã cảnh báo Việt Nam hay bất cứ quốc gia nào dù tham gia hay không cũng không tránh khỏi tác động một khi các quốc gia khác khởi động “cuộc chơi”. 

Cụ thể, một tập đoàn, công ty đa quốc gia đủ điều kiện về tổng doanh thu sẽ bị đánh thuế 15% đối với các khoản lợi nhuận tạo ra tại các quốc gia (có thuế suất bằng 0% hoặc thuế suất thấp thông qua cơ chế đánh thuế bổ sung, từ chối khấu trừ thuế hoặc thuế khấu trừ tại nguồn) với mức thuế suất hiệu dụng (Effective Tax Rate - ETR) tối thiểu. 

Trong kỳ tính thuế, nếu ETR của một công ty con thấp hơn thuế suất tối thiểu được thỏa thuận trên toàn cầu thì công ty mẹ phải trả "thuế bổ sung" trên phần thu nhập tương ứng trong thu nhập của công ty con bị đánh thuế thấp hơn mức thuế tối thiểu toàn cầu cho quốc gia nơi đặt trụ sở (thường được gọi là quốc gia mẹ hoặc quốc gia cư trú). Trong một số trường hợp nhất định, khoản thuế bổ sung sẽ chuyển sang một hoặc nhiều thành viên khác của tập đoàn, công ty đa quốc gia.

Với cơ chế này, thuế tối thiểu toàn cầu được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra một hệ thống thuế có sự phối hợp của nhiều quốc gia nhằm đảm bảo các công ty đa quốc gia lớn phải trả mức thuế tối thiểu đối với thu nhập phát sinh tại mỗi nước/khu vực mà công ty, tập đoàn đó có hoạt động.

Phó Thủ tướng: Tổ công tác sẽ trình đề xuất sớm nhất, có thể ngay trong tháng 10

Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết ứng phó trước thách thức từ thuế tối thiểu toàn cầu là một trong những vấn đề rất thời sự hiện nay. Tháng 6/2021, nhóm G7 đạt thỏa thuận về thuế tối thiểu toàn cầu, ấn định thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 15%. Nếu lọt ở nước sở tại hay nước đầu tư có chênh lệch thì, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư phải xử lý và nộp ở mặt bằng 15%.

  Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: Quochoi.vn

Tháng 7/2021, G20 cũng thống nhất về thuế tối thiểu toàn cầu và cuối năm 2022, 138 nước trong khối OECD đã đạt thỏa thuận khung liên quan đến nội dung này. Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam tham gia thỏa thuận hợp tác quốc tế, đảm bảo hội nhập nhưng không bắt buộc phải tham gia thỏa thuận. Dù vậy, thời gian qua, Chính phủ, Quốc hội và bản thân Chủ tịch Quốc hội cũng rất quan tâm, đã tổ chức nhiều diễn đàn, có chỉ đạo sát sao về vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD. Đến tháng 2/2023, Bộ Tài chính đã thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu do Thứ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng nhóm. 

“Tổ công tác đã có báo cáo, Thường trực Chính phủ đã họp, Bộ KH&ĐT cũng đã có báo cáo đánh giá tác động. Tổ công tác sẽ có đề xuất Thủ tướng, trình Quốc hội có giải pháp sớm nhất trong thời gian tới (nếu kịp thì có thể ngay trong tháng 10 này) về những chính sách thuế TNDN, làm sao đảm bảo tính hội nhập sâu rộng. Trong đó, việc thu thuế phải bảo đảm quyền, nghĩa vụ hợp pháp nhà đầu tư và hài hòa lợi ích của quốc gia”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho hay.

"Đây là vấn đề thời sự, cần đánh giá tác động một cách khoa học, nghiêm túc, thực tiễn. Bởi khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động đến các cam kết thu hút đầu tư, nhất là về thuế. Vì vậy cần xử lý thận trọng, kỹ lưỡng, đảm bảo tất cả nhân tố tác động, cần sự tham gia của tất cả các cơ quan liên quan. Đây là một vấn đề mới phát sinh, hy vọng trong thời gian tới Quốc hội, UBTVQH sẽ cùng Chính phủ xử lý những vấn đề này. Việc thu hút đầu tư FDI đang gặp khó khăn do bối cảnh chung và tác động từ bên ngoài. Thời gian tới, Chính phủ sẽ có giải pháp phù hợp để thu hút FDI đạt hiệu quả cao nhất", Phó Thủ tướng khẳng định.