Phỏng vấn tác giả Rainer Zitelmann
Mr. Rainer Zitelmann
Xin chào ông Zitelmann! Được biết, ở Đức ông là một nhà doanh nghiệp thành công và một tác giả nổi tiếng. Ở các nước nói tiếng Anh, ông có tới 24 đầu sách được dịch. Ông cũng là cây bỉnh bút của tạp chí Forbes với các bài viết hàng tuần trên mục kinh doanh. Ở Hàn Quốc, Trung Quốc ông cũng có lượng bạn đọc đông đảo. Một bài phỏng vấn ông mới đây do phóng viên Qui Chen thực hiện đăng trên Weibo đã có hơn 1 triệu lượt xem trong thời gian ngắn. Tuy nhiên ở Việt Nam, ông vẫn còn là một gương mặt mới, bởi vì cuốn sách đầu tiên của ông, “Quái kiệt làm điều khác biệt”, mới được xuất bản gần đây. Ông có thể tự giới thiệu ngắn gọn về bản thân mình được không: Rainer Zitelmann là ai?
Tôi vốn là một nhà nghiên cứu lịch sử, từng giảng dạy vài năm tại Đại học Berlin. Sau đó tôi làm trưởng ban kinh doanh cho một trong những nhật báo lớn nhất của Đức. Phải khá muộn, khi đã 43 tuổi, tôi mới đủ dũng cảm để tự lập một công ty tư vấn đầu tư. Trong vòng vài năm, tôi đã gây dựng công ty của mình trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường tư vấn truyền thông cho các doanh nghiệp bất động sản ở Đức. Khi đã trở nên giàu có, tôi đầu tư lớn vào thị trường bất động sản Berlin, nhờ đó mà tôi đã nâng giá trị tài sản của mình lên nhiều lần. Ở tuổi 59, tôi đã bán công ty của mình. Hiện tại, tôi là người tự do về tài chính. Nói đơn giản, nhờ hoạt động doanh nghiệp và đầu tư, tôi có đủ tài sản để không cần phải làm gì nữa. Nhưng nói vậy thôi, tôi rất thích làm việc. Tôi viết sách, trung bình mỗi năm một cuốn. Và tôi thường đi diễn thuyết, viết bài đều đặn cho nhiều tờ báo ở Châu Âu, Mỹ, Châu Á.
Hãy nói về cuốn sách mới xuất bản ở Việt Nam của ông, cuốn “Quái kiệt làm điều khác biệt”, kể về công thức thành công của 50 nhân vật kiệt xuất trong thế giới đương đại. Ông đến với chủ đề này như thế nào?
Tôi đã luôn quan tâm tới câu hỏi: Tại sao có một số người lại thành công đặc biệt, còn những người khác thì không? Để trả lời câu hỏi đó, tôi đã nghiên cứu tiểu sử của những người thành công đặc biệt và đã tiến hành nhiều cuộc trò chuyện, phỏng vấn với nhiều người trong số đó. Tôi nghĩ, mỗi người trẻ tuổi nên tự đặt ra cho mình câu hỏi: Làm thế nào để tôi có thể biến những ước mơ của mình trở thành hiện thực? Liệu số phận của tôi có phải là sinh ra để sống kiếp trung bình, với một nghề gì đó để kiếm cơm qua ngày hay không? Hay tôi có thể vươn tới những điều lớn lao hơn? Tiền bạc có thể là một mục tiêu trong số đó, nhưng không chỉ có vậy. Điều quan trọng là câu hỏi, làm thế nào để tôi có thể biến cuộc đời mình thành một kiệt tác? Và để tìm câu trả lời, bạn cần quan tâm tới những người đã làm được những điều lớn lao như thế, những người như Arnold Schwarzenegger hay Steve Jobs.
Cuốn sách “Quái kiệt làm điều khác biệt”
Chủ đề đầu tiên của cuốn sách là “Đặt mục tiêu”. Ông nói rằng, khi đã lập chí, quyết tâm làm điều gì đó, người ta nên đặt ra mục tiêu lớn ngay từ đầu. Đó có phải là một lời khuyên thông minh không? Chẳng phải sẽ hợp lý hơn khi ta đặt ra những mục tiêu nhỏ và đạt được chúng, hơn là đặt ra mục tiêu lớn để rồi thất bại?
Sai lầm lớn nhất của hầu hết mọi người là, họ hoàn toàn không đặt ra mục tiêu gì. Hoặc đặt ra những mục tiêu quá nhỏ. Mục tiêu nhỏ thì động lực cũng nhỏ. Hơn hết, mục tiêu nhỏ phản ánh sự thiếu tự tin vào bản thân. Những ai chỉ đặt ra những mục tiêu nhỏ cho cuộc đời mình, người đó đã ngừng mơ ước. Michelangelo, nghệ sĩ vĩ đại người Ý từng nói: “Tai hoạ lớn nhất đối với đa số chúng ta không phải là đặt ra những mục tiêu quá lớn để rồi thất bại, mà là đặt ra những mục tiêu quá nhỏ để rồi thành công”. Chẳng phải sẽ đau khổ lắm sao, khi một ngày kia bạn sẽ già và tự hỏi, có thể bạn đã đạt được nhiều thứ hơn trong cuộc đời nếu bạn dám đặt ra những mục tiêu lớn hơn? Hầu hết mọi người không đạt được thành công lớn, vì họ không dám đặt mục tiêu lớn. Bạn hãy hình dung thế này: bạn đặt ra một mục tiêu tham vọng và nỗ lực hết sức để đạt được nó. Cảm giác mang lại sẽ rất tuyệt. Bạn sẽ hiểu, điều đó là có thể. Khi đó bạn sẽ tự hỏi, nếu tôi đặt ra mục tiêu lớn hơn nữa, liệu tôi có thể thành công không? Trong mọi trường hợp, bạn nên đặt ra mục tiêu lớn hơn những mục tiêu mà bạn có thể dễ dàng đạt được.
Cuốn sách cũng dành một chương bàn sâu về chủ đề “gây dựng niềm tin”. Ở đây ông có đưa ra một lời khuyên là, để được đối tác và công chúng tin tưởng, người ta nên chủ động tiết lộ những điểm yếu, thậm chí sai lầm, của công ty. Nhưng thực tế có vẻ không như vậy, các công ty thường thích thổi phồng những kết quả và che giấu những điểm yếu của mình?
Đúng là đa số con người ta, và hầu hết các doanh nghiệp, đều có khuynh hướng muốn che giấu những điểm yếu của mình. Nhưng đấy chính là điều khiến họ trở nên đáng nghi ngờ. Chúng ta điều biết: không có con người nào hoàn hảo, cũng như không có doanh nghiệp nào không mắc những sai lầm hay có những điểm yếu. Nếu bạn cứ cố tỏ ra là bạn, hoặc công ty của bạn hoàn hảo, sẽ chẳng có ai tin bạn đâu. Trong cuốn tự truyện của mình, tôi cũng tự hào kể về những thành công tôi đạt được, nhưng tôi cũng không che giấu những điểm yếu và thất bại của mình.
Một chủ đề trung tâm của của cuốn sách là “sự khác biệt”. Trong một bài phỏng vấn, ông nói: “Nếu tôi cũng làm giống hệt những người khác, tôi cũng chỉ đạt được kết quả như họ”. Nhưng Chu Ju-yung, người sáng lập tập đoàn Huyndai có lần nói với nhân viên của mình: “Nếu chúng ta cứ phải làm cái mới, cái khác biệt, chúng ta sẽ chẳng có gì để làm. Cái gì mà chẳng có ai đó đã làm rồi? Trồng lúa, xây đường cao tốc, sản xuất ô tô... Chúng ta phải làm những cái giống như họ, nhưng làm hiệu quả hơn”. Có gì đó mâu thuẫn ở đây chăng?
Cả hai quan điểm đều đúng. Một mặt, đúng như Khổng Tử đã nói: “Con người có 3 cách để có hành động sáng suốt. Thứ nhất là bằng cách suy nghiệm, đó là con đường cao quí nhất. Thứ hai là bắt chước, đó là con đường dễ dàng nhất. Thứ ba là trải nghiệm, đó là con đường cay đắng nhất.” Trên thực tế, bắt chước là con đường dễ nhất để học. Trẻ em học bằng cách bắt chước người lớn. Và chúng học rất nhanh. Khi trưởng thành, chúng ta thích nhấn mạnh sự độc đáo của bản thân và thường cảm thấy xấu hổ khi bắt chước ai đó. Người phương Tây hay mắc căn bệnh nan y này - ở phương diện này, tôi nghĩ người châu Á có cách nhìn thông minh hơn! Nhưng ngay cả Sam Walton, người sáng lập chuỗi bán lẻ Walmart cũng thừa nhận: “Gần như tất cả những gì tôi làm, tôi đều copy từ người khác.” Và ông ấy đã trở thành một trong những người giàu nhất thế giới theo cách đó. Tại sao ta cứ phải tự mình đi con đường cay đắng bằng những trải nghiệm thất bại của bản thân, khi ta có thể học được từ những người thành công đi trước? Nhưng mặt khác, nếu bạn là nhà đầu tư thì lời khuyên này lại sai. Trong đầu tư, chẳng hạn như đầu tư bất động sản hay chứng khoán, bạn chỉ thành công lớn khi bạn đi con đường riêng của mình, không theo số đông. Tôi đã trở nên giàu có trong đầu tư bất động sản bằng cách bơi ngược dòng, không hùa theo số đông.
Cuốn sách của ông đề cập đến nhiều nhân vật xuất chúng trong những lĩnh vực rất khác nhau, trong kinh doanh như Steve Jobs, Richard Branson, Theo Mueller; trong thể thao như Boris Becker; trong âm nhạc như Madonna; trong giải trí và chính trị như Arnold Schwarzenegger... Ông nói rằng, tất cả các nhân vật này đều có những điểm chung. Đó là những điểm chung gì vậy?
Điều quan trọng đầu tiên, như đã nói, họ biết đặt ra những mục tiêu lớn cho cuộc đời họ ở một thời điểm nào đó. Sự kiên trì cũng là một điểm chung, nhưng với điều kiện, nó phải đi kèm với máu thử nghiệm. Nhiều cuốn sách cẩm nang thành công thường nhấn mạnh yếu tố kiên trì. Nhưng nếu bạn cứ đâm đầu vào tường thì đó chắc chắn không phải là cách để vươn tới thành công. Nếu cứ kiên trì theo đuổi một hướng đi sai lầm, bạn sẽ thất bại. Vì vậy, bạn cần để đầu óc bạn cởi mở với những cái mới, dám đi con đường khác, dám rời bỏ những con đường mòn, dám thử nghiệm. Quan trọng nhất là bạn phải kiên trì thử nghiệm cái mới, liên tục mổ xẻ sự việc dưới những góc cạnh mới cho tới khi bạn đạt được những mục tiêu lớn mà bạn đề ra.
Hãy xem hai ví dụ, diễn viên-chính trị gia Arnold Schwarzenegger và doanh nhân-tỷ phú Richard Branson, họ có những điểm chung nào?
Schwarzenegger từng nói: “Tôi hạnh phúc nhất khi tập trung toàn bộ trí tưởng tượng của tôi vào mục tiêu tương lai: Tôi sẽ trở thành gì? Tôi tập trung vào nó đến nỗi trong những giấc mơ ban ngày, tôi thấy như mình đã ở đó rồi, một cách hết sức rõ ràng. Thế là tôi cảm thấy nhẹ nhõm, tôi không cần phải cương cứng quá mức khi làm việc, vì tôi đã có cảm giác mình gần ở nơi đó rồi, chỉ còn là một chút thời gian nữa thôi.” Ở tuổi 13, Arnold Schwarzenegger đã thấy mình sẽ trở thành vận động viên thể hình số một thế giới, rồi ông thấy mình sẽ trở thành diễn viên điện ảnh được trả giá cao nhất Hollywood, rất lâu trước khi điều đó thành hiện thực. Rồi ông trở thành thống đốc hai nhiệm kỳ ở bang California, bang lớn nhất nước Mỹ, nền kinh tế thứ 8 trên thế giới. Ông đạt được những mục tiêu không tưởng đó, bởi vì ông nghĩ lớn, và bởi vì ông biết cách tự quảng cáo bản thân hơn bất kỳ ai khác. Điều tương tự cũng đúng với Branson, như những gì Branson từng nói: “Bài học mà tôi rút ra, sau tất cả những gì tôi đã học và trải nghiệm, là không có mục tiêu nào nằm ngoài tầm tay của bạn, ngay cả những điều tưởng như không thể cũng trở thành có thể với những người có viễn kiến và niềm tin vào bản thân.”
Ông Rainer Zitelmann bên cạnh Diễn viên - Chính trị gia Arnold Schwarzenegger
Ông vừa nói tới nghệ thuật tự quảng cáo bản thân, một chủ đề quan trọng khác nữa trong cuốn sách. Người Việt Nam chúng tôi có những câu tục ngữ như: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, hay “Hữu xạ tự nhiên hương”, hàm ý phẩm chất quan trọng hơn vẻ ngoài, hay cái gì tốt đẹp thì tự nó sẽ toả sáng. Chỉ những kẻ không có thực chất mới tự đi quảng cáo bản thân mình. Về những bậc thầy của nghệ thuật tự quảng cáo, ông có kể đến ông vua truyền thông Ogilvy, cựu tổng thống Donald Trump và Albert Einstein. Liệu ông có nhầm lẫn chăng? Ogilvy và Trump thì có thể hiểu được, nhưng Einstein, nhà vật lý vĩ đại cũng là một bậc thầy của nghệ thuật tự quảng cáo?
Người Đức chúng tôi cũng có những câu tục ngữ tương tự: “Khiêm tốn là bảo ngọc.”, hay “Tự khen mình thì thối lắm”. Cha mẹ thường dạy các con: “Đừng khoe khoang”. Tất nhiên, chúng ta hiểu những hàm ý tốt trong những câu tục ngữ đó. Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu hiểu chúng một cách máy móc thì rất có hại. Đó là một sự nhầm lẫn lớn. Chất lượng tự nó không thể bán được. Bởi vì nếu thế, những công ty như Mercedes dã dẹp bỏ các phòng marketing, quảng cáo, PR từ lâu. Những ai không hiểu một điều rằng, nếu anh ta không biết cách tự bán năng lực của mình với giá cao, anh ta sẽ bị những người khác trong công ty vượt qua, còn anh ta sẽ ngồi lại. Tôi xin trích dẫn Arnold Schwarzenegger một lần nữa, vì ông ấy đích thị là vô địch về nghệ thuật tự quảng cáo: “Bất kể anh làm gì, anh phải bán được sản phẩm của mình … Anh có thể là nhà thơ lớn, nhà văn lớn, nhà khoa học vĩ đại. Anh có thể tạo ra những sản phẩm kỳ diệu, nhưng nếu không ai biết đến chúng thì tất cả đều vô ích!”.
Chúng ta đang nói tới Einstein, nên tôi xin trích lời của Jürgen Neffe, người viết tiểu sử uy tín nhất của ông: “Einstein trở thành biểu tượng đại chúng lớn nhất của giới khoa học. Ban đầu báo chí lợi dụng ông, nhưng ông đã học cách lợi dụng báo chí để gây ảnh hưởng… Bằng cách ứng xử có chiến lược với báo chí, truyền hình và phim ảnh, ông đã tạo ra được điều mà các chuyên gia quảng cáo ngày nay gọi là “thương hiệu”.
Bức ảnh nổi tiếng nhất của Einstein là bức ông thè lưỡi. Nó được chụp vào ngày sinh nhật thứ 72 của ông. Chính Einstein đã cho cắt bức ảnh đó ra từ phim, in nó làm nhiều bản và gửi tới bạn bè, người thân, đồng nghiệp. Sau này, bức ảnh đã trở thành thương hiệu của ông và là một mô-típ đại chúng dùng cho các poster, icon, áo phông.
Einstein đã rất ý thức tạo dựng hình ảnh của một nhà khoa học không bận tâm tới quần áo, ghét thắt caravat, không chải tóc, không đi tất và để mở ngực áo sơ mi. Khi được hỏi tới nghề nghiệp, ông thường nói: “người mẫu ảnh”. Người ta kể rằng, mỗi khi bị phóng viên tiếp cận, ông thường lấy hai tay vò tóc cho nó rối bù lên để tạo hình ảnh của một giáo sư lập dị.
Einstein là nhà khoa học biết làm chủ nghệ thuật quảng cáo bản thân vượt xa tất cả các nhà khoa học khác. Các nhà khoa học khác thường chỉ giảng bài cho giới học thuật hoặc viết bài cho các tạp chí chuyên ngành. Einstein cũng làm thế, nhưng ông vẫn có những buổi nói chuyện trước công chúng rộng và viết bài, trả lời phỏng vấn cho nhiều tờ báo đại chúng. Ông đã dành nhiều thời gian để biến mình thành một biểu tượng, một huyền thoại. Và cả Stephen Hawking cũng vậy.
Vâng, đó đều là những cá nhân xuất chúng. Nhưng tôi phát hiện ra một điều, ông thường nói về các nhân vật trong khối Anglo-Saxon, chủ yếu là ở châu Âu và Mỹ, trừ một số ít ngoại lệ như Jack Ma. Ông có dự định sẽ bổ sung các nhân vật xuất chúng từ các khu vực khác cho những lần tái bản sách của mình không? Vì tôi được biết, ông có tình yêu đặc biệt với châu Á…
Tôi biết rằng, châu Á mới chính là nơi sản sinh ra nhiều nhân vật xuất chúng thời gian gần đây. Cách đây vài ngày, Forbes đã công bố danh sách các tỉ phú năm nay. Và lần đầu tiên trong lịch sử, thành phố có nhiều tỷ phú nhất không còn là một thành phố Mỹ nữa. Bắc Kinh đã thay thế vị trí của New York! Tôi cũng biết, Việt Nam đang là nơi sản sinh ra nhiều tấm gương thành công vượt bậc. Nhưng tôi mới thu thập được rất ít tư liệu tiếng Anh về các nhân vật này. Tất nhiên, tôi rất muốn viết một cuốn sách như vậy.
Ông Rainer Zitelmann cùng với Ông Christoph Kahl - nhà sáng lập Jamestown US-Immobilien GmbH có tru sở tại Cologne, Đức
Nói về Việt Nam. Ông đã đến thăm Việt Nam lần cuối cùng khi nào?
Cách đây vài năm tôi có đi nghỉ ở Nha Trang, rồi tôi ra thăm Hà Nội. Tôi từng sống hạnh phúc nhiều năm với một bạn đời người Việt Nam. Cô ấy sinh ra ở Đức, nhưng gốc gác Hà Nội. Tên cô ấy là Trang. Bây giờ tuy không còn sống cùng nhau, chúng tôi vẫn giữ tình bạn tốt. Cô ấy đã chỉ dẫn tôi nhiều điều về Việt Nam. Tôi cũng đã có dịp làm quen với gia đình cô ấy, một gia đình doanh nhân thành đạt ở Hà Nội. Tôi đã luôn quan tâm tới Việt Nam từ thời trẻ và hy vọng sẽ làm điều gì đó để gắn bó hơn với Việt Nam.
Trong những chuyến thăm, ông có cảm nhận gì về đất nước chúng tôi? Ông có thể đưa ra 3 cảm nhận tích cực và 3 cảm nhận không tích cực được không?
Điều đầu tiên mà tôi nhận ra là, ở Việt Nam có nhiều người trẻ giàu tham vọng hơn và ham học hỏi hơn ở châu Âu. Tôi thích những người tham vọng. Anh thấy đấy, những học sinh Việt Nam ở Đức luôn đạt kết quả vượt trội, hơn hẳn những học sinh Đức hay những học sinh gốc Ả rập hay Thổ Nhĩ Kỳ. Điều thứ hai tôi nhận ra là, Việt Nam có nhiều phụ nữ xinh đẹp hơn Đức. Chúng tôi cũng có nhiều phụ nữ đẹp, nhưng không nhiều bằng Việt Nam. Nếu tôi kết hôn lần nữa, tôi muốn đó sẽ là một phụ nữ Việt Nam: trẻ trung, xinh đẹp, thông minh và cực kỳ tham vọng! Điều tích cực thứ ba mà tôi nhận thấy, đó là sự mến khách. Tôi nghĩ, khó có người dân nước nào lại mến khách như người Việt Nam. Anh có hỏi tôi về những cảm nhận không tích cực, tôi chỉ thấy một điều đáng kể thôi, đó là ở Đức thì các bạn trẻ đều nói được tiếng Anh (đa số rất tốt, một số không tốt lắm), nhưng Việt Nam thì chưa được như vậy. Song tôi tin rằng điều này cũng sẽ thay đổi nhanh thôi. Tôi chỉ muốn khuyên mỗi bạn trẻ Việt Nam rằng: Hãy học giỏi tiếng Anh, thế giới sẽ mở toang trước mắt bạn! Bạn có thể không cần học những thứ tiếng khác như tiếng Đức, nhưng tiếng Anh thì tuyệt đối cần. Ai hôm nay không biết tiếng Anh, người đó tự đóng cửa tương lai trước mắt mình.
Mới đây ông đã có một bài viết về kỷ lục tăng trưởng chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam đăng trên báo Tuổi Trẻ. Bài viết cũng được ông đăng lại trên nhiều tờ báo của Mỹ, Anh, Đức. Đài truyền hình VOV Việt Nam cũng có buổi phỏng vấn dài với ông. Ông có thể hình dung rằng, đã tới lúc ông viết một cuốn sách về các nhân vật thành công vượt trội của Việt Nam hay chưa?
Đây là mong muốn lớn của tôi. Nếu Việt Nam chấp nhận hộ chiếu xắc-xin, tôi rất muốn sẽ sớm thăm Việt Nam khoảng 4-6 tuần để gặp gỡ và phỏng vấn những nhà doanh nghiệm thành công của Việt Nam. Tôi sẽ viết một cuốn sách về các doanh nhân Việt Nam, không chỉ dành cho độc giả Việt Nam, mà tôi tin rằng độc giả ở các nước khác như Mỹ, Đức, châu Âu, Châu Á cũng sẽ rất quan tâm.
Xin cảm ơn ông Zitelmann
Minh Hy