Phương pháp chuyển giao kế nghiệp trong tập đoàn gia đình Tân Hiệp Phát

07:31 | 14/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tân Hiệp Phát có lẽ là một trong những ví dụ điển hình cho sự thành công trong phương pháp kế nghiệp kinh doanh của doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam.
Năm 1994, khi nền kinh tế Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn khó khăn, ít ai nghĩ tới một phân xưởng nước giải khát Bến Thành sẽ trở thành một trong những doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam.

Thậm chí sau 26 năm phát triển, Tân Hiệp Phát đang tiến sát mục tiêu doanh thu tỷ USD, xuất khẩu đi 20 thị trường quốc tế, vượt qua các ông lớn nước giải khát trong ngành hàng nước uống tốt cho sức khỏe.
 
Phương pháp chuyển giao kế nghiệp trong tập đoàn gia đình Tân Hiệp Phát - ảnh 1
Khát vọng đưa thương hiệu Việt ra thế giới chính chính là điểm tựa giúp Tân Hiệp Phát vững vàng ở vị thế thương hiệu nước giải khát hàng đầu Việt Nam

Phân xưởng Bến Thành và Tân Hiệp Phát bây giờ làm nên kỳ tích từ triết lý mà nhà xuất bản Forbes gọi là "không gì là không thể" và văn hóa xem doanh nghiệp như đại gia đình.

Tân Hiệp Phát có lẽ là một trong những ví dụ điển hình cho sự thành công của doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam.

Sự cởi mở của thế hệ đi trước


Là thế hệ F2 trong doanh nghiệp gia đình, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, tất cả các thế hệ đều sẵn sàng thay đổi tư duy, từng thành viên trong gia đình đều cởi mở khi cùng tham gia điều hành tổ chức và có chung ý tưởng và quyết định bởi mục tiêu của doanh nghiệp được ưu tiên hàng đầu.
 
Phương pháp chuyển giao kế nghiệp trong tập đoàn gia đình Tân Hiệp Phát - ảnh 2
Trần Uyên Phương là Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát, đồng thời là con gái của ông Trần Quí Thanh - sáng lập kiêm Tổng giám đốc công ty

Bà Phương chia sẻ, cả hai thế hệ có thể hiểu nhau nhờ yếu tố giao tiếp và truyền thống gia đình. Làm việc mà không trao đổi, chia sẻ thì sẽ tạo ra nhiều vấn đề phức tạp. Bản thân các thành viên trong gia đình còn không thể giao tiếp thì sẽ rất khó khăn khi làm việc với các thành viên khác trong doanh nghiệp.

Thế hệ đi trước sẵn sàng tiếp thu những cái mới, lắng nghe quan điểm của thế hệ đi sau khi những quan điểm đó hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển.

Cô con gái nhà sáng lập Tân Hiệp Phát - ông Trần Quí Thanh, kể lại bố mình từng đùa rằng “Đã 60 tuổi rồi hai chị em nó vẫn còn bắt tôi đi học ở tận Thụy Sỹ”, nhưng Phương nhìn nhận tham gia khóa học chỉ là cái cớ, quan trọng hơn là sự cởi mở của thế hệ trước, sẵn sàng tiếp thu, lắng nghe mong đợi quan điểm của thế hệ thứ hai.

Quyền lực được phân chia rõ ràng


Một trong những yếu điểm lớn ở nhiều doanh nghiệp hiện nay là tình trạng “ôm việc” trong những người làm quản trị, một người nắm giữ hầu hết vai trò quan trọng trong doanh nghiệp.

Tại Tân Hiệp Phát, quyền lực vô hình của nhà sáng lập được tách ra thành 3 vai trò là Chủ tịch HĐQT, Ban Giám đốc và người điều hành quản trị hàng ngày. Nhờ tách bạch ba vai trò đó, người sáng lập cởi mở chia sẻ chức năng, quyền hạn, doanh nghiệp này đã hình thành một tổ chức đơn giản hơn, hơn 5.000 nhân viên sẽ dễ tương tác với cả 3 vai trò.
 
Phương pháp chuyển giao kế nghiệp trong tập đoàn gia đình Tân Hiệp Phát - ảnh 3
Doanh nhân Trần Quí Thanh, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Nhà sáng lập của Tân Hiệp Phát đã đồng ý cho thành lập ban cố vấn với nhiệm vụ duy nhất là chất vấn Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT về những quyết sách, hoạt động của doanh nghiệp.

Nhìn chung, thành viên gia đình trong một doanh nghiệp thông thường sẽ được chia làm 3 nhóm bao gồm những người điều hành, những người nắm giữ cổ phần và các thành viên gia đình khác. Khi tất cả các vai trò được gom lại thì vô hình trung sẽ rất khó để quản trị và vận hành doanh nghiệp.
 
Bà Phương cho rằng, đây cũng chính là giải pháp của Tân Hiệp Phát để lựa chọn được những nhà quản trị có năng lực. Đồng thời đưa cả những nhân sự giỏi từ bên ngoài vào, phát triển doanh nghiệp bền vững.

"Gia đình hóa" doanh nghiệp


Tình yêu gia đình là động lực cho doanh nghiệp gia đình phát triển. Doanh nghiệp gia đình như một đoàn tàu, mỗi toa tàu sẽ đại diện cho một thế hệ. Nếu yếu tố gia đình là trái tim, là động cơ thì đường ray và những bánh lái chính là yếu tố quản trị giúp con tàu không bị trật bánh.

Tình yêu và yếu tố gia đình trong doanh nghiệp không phải chỉ dừng lại ở tình máu mủ. Trong quản trị, doanh nghiệp cần được xem như một gia đình mở rộng, người làm thuê cũng như người trong gia đình. Gia đình hoá công ty tức là xây dựng văn hoá công ty như xây dựng văn hoá gia đình.
 
Phương pháp chuyển giao kế nghiệp trong tập đoàn gia đình Tân Hiệp Phát - ảnh 4
Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Những thế hệ kế nghiệp là con cháu, máu mủ trong nhà có lợi thế là được biết yêu kinh doanh từ bụng mẹ, mỗi đứa trẻ sinh ra đã mang gen kinh doanh trong máu thịt, được dạy về kinh doanh từ thuở trong nôi. Lớn lên còn được kế thừa truyền thống gia đình, được kế thừa tài sản trong kinh doanh. Vì vậy, họ có lợi thế tuyệt đối nếu so với các bạn trẻ khởi nghiệp khác.

Tại Tân Hiệp Phát yếu tố văn hoá, tình cảm đặc biệt là văn hóa ghi nhận năng lực những người xung quanh. Đây là một nét văn hoá chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam.

Học hỏi cách quản trị của các doanh nghiệp gia đình trên thế giới


Quá trình tuyển dụng thành viên gia đình vào các vị trí quản trị phải nghiêm ngặt và bình đẳng như tuyển dụng các nhân sự bên ngoài khác. Đây cũng là bài học thành công được rút ra từ các tập đoàn, doanh nghiệp gia đình trên thế giới.

Ái nữ ông Trần Quí Thanh cho biết bà đã tìm hiểu rất nhiều về các doanh nghiệp gia đình trên thế giới, và tham gia cả những khóa huấn luyện về chủ đề này của Harvard. Không riêng Trần Uyên Phương, mà các thành viên còn lại của đại gia đình Tân Hiệp Phát cùng tham gia để học và vận dụng cách quản trị doanh nghiệp gia đình trên thế giới.
 
Phương pháp chuyển giao kế nghiệp trong tập đoàn gia đình Tân Hiệp Phát - ảnh 5
Tân Hiệp Phát đã làm nên kỳ tích từ triết lý mà nhà xuất bản Forbes gọi là "không gì là không thể" 

Bà Phương cho rằng chính cam kết giữa 5 thành viên trong gia đình bà là yếu tố để mọi người thấu hiểu hơn, đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển và đi lên.

Trao đổi trực tiếp và thường xuyên giữa các thế hệ


Việc giao tiếp giữa hai thế hệ nhà Tân Hiệp Phát được thực hiện thường xuyên, nếu như thời gian đầu chỉ là những bài tập thì dần dà, khi trở thành thói quen thì tự động “guồng” giao tiếp này sẽ được thực hiện liên tục và bài bản.

“Tại Tân Hiệp Phát, chúng tôi tách rời giữa khái niệm doanh nghiệp và gia đình, giải quyết từng vấn đề một. Chúng càng tách rời bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Nếu chúng ta né tránh hoặc không chủ động giải quyết thì sẽ càng làm rối các vướng mắc, mâu thuẫn giữa các thành viên”, bà Trần Uyên Phương nhấn mạnh.

Giải thích rõ hơn về điều này, bà Phương cho biết mỗi cuộc trò chuyện với người sáng lập Tân Hiệp Phát là ông Trần Quí Thanh đều có mục đích rõ ràng.

Nếu như là công việc thì bà sẽ đóng vai của một nhân viên, gọi ba là “sếp Thanh” và ngược lại, nếu là chuyện trong gia đình, nơi tốt nhất để bàn chắc chắn không phải là công ty.
 
Phương pháp chuyển giao kế nghiệp trong tập đoàn gia đình Tân Hiệp Phát - ảnh 6
Gia đình ông Trần Quí Thanh

Ái nữ nhà ông Trần Quí Thanh cho rằng có một tâm lí chung trong giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình, đó là sự mặc định đã quá quen thuộc thì có thể thấu hiểu nhau. Tuy nhiên, điểm yếu là khi nói về công việc, thường họ có phần bảo thủ quan điểm cá nhân và dè chừng trước người khác cả về suy nghĩ lẫn kinh nghiệm trong công việc.

“Chúng tôi may mắn khi các thành viên gia đình đều tôn trọng cả hai mối quan hệ tồn tại song song, đó là mối quan hệ gia đình và công việc. Ai cũng nỗ lực đóng góp cho hiệu quả chung chứ không khư khư giữ lấy lợi ích cho phần mình”, bà Trần Uyên Phương cho biết.
 
Con gái ông chủ Tân Hiệp Phát nói về việc đưa doanh nghiệp vượt lên những ông lớn đa quốc gia. Nguồn: VTV24
 
Hải Yến