Quá nhiều rào cản về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

17:10 | 24/12/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Tình trạng thủ tục hành chính ''đeo bám'' doanh nghiệp (DN) là chủ đề được lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia và DN thảo luận thẳng thắn tại Hội nghị đối thoại DN về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và đánh giá 1 năm thi hành Luật Hỗ trợ DNNVV tổ chức mới đây.

Mặc dù ghi nhận một số kết quả bước đầu của việc triển khai thi hành Luật DNNVV, song theo phản ánh của doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ DNNVV đã có quy định được hưởng ưu đãi thuế, nhưng vẫn phải chờ Bộ Tài chính trình Chính phủ sửa đổi Luật Thuế và cho đến nay chưa thấy Bộ này có kế hoạch. Tiêu chí thế nào là DNNVV đổi mới, sáng tạo chưa có. DN cũng rất thiếu thông tin và rất cần được tư vấn pháp lý…

Phát biểu tại Hội nghị đối thoại, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính cho biết, năm 2018 được coi là bước đột phá rất quan trọng trong đó có sự tham gia của các hiệp hội. Từ đầu năm đến nay, đã cắt giảm 6.776/9.956 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, vượt 36% so với mục tiêu đặt ra ban đầu là 50%, cắt giảm 3346/6191 điều kiện kinh doanh. Qua đó, giảm hơn 17.500.000 ngày công, tiết kiệm hơn 6.279 tỷ đồng.

Quá nhiều rào cản về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - ảnh 1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: Việc CCTTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Nỗ lực cải cách không đồng đều giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ, ngành với nhau. Nhiều thủ tục chậm được cải cách, thậm chí có những thủ tục doanh nghiệp nhận thấy chưa có sự cải cách. Chất lượng cắt, giảm các điều kiện kinh doanh thực chất chưa đạt yêu cầu cắt giảm 50% theo Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2018. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện giao dịch điện tử diễn ra chậm, chưa tương xứng với mức độ tuyên truyền về 4.0 trên các phương tiện truyền thông.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch VINASME, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn CCTTHC cho rằng, theo cảm nhận và đánh giá của VINASME, công tác CCTTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thực tiễn triển khai thi hành Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn những khó khăn, tồn tại.
Cụ thể, nỗ lực cải cách vẫn diễn ra không đồng đều giữa Trung ương và địa phương, giữa các bộ, ngành với nhau, mức độ vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương không đồng đều và do vậy, kết quả đạt được cũng khác nhau. Thực tế việc tạo dựng môi trường kinh doanh cho DNNVV chủ yếu do địa phương tiến hành, tuy nhiên địa phương nào lãnh đạo tỉnh tập trung dành nhiều thời gian chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thì tại địa phương đó số lượng DNNVV đạt tỉ lệ cao.
Có những thủ tục chậm được cải cách, thậm chí DN không nhận thấy sự cải cách. Ví dụ như thủ tục giải quyết vụ việc tranh chấp hợp đồng, tranh chấp thương hiệu, tranh chấp tài sản của thành viên công ty tại Tòa án, thủ tục giải quyết phá sản DN, thủ tục giải quyết khiếu nại của DN theo quy định của Luật Khiếu nại hầu như không có sự cải cách, thậm chí còn phức tạp hơn và nhiều vụ việc không có giới hạn thời gian, đẩy doanh nghiệp vào thế khó.
Đồng cảm trước thực trạng này, ông Mai Tiến Dũng chia sẻ,  tình trạng doanh nghiệp đóng cửa, tạm ngừng hoạt động, giải thể... là điều trăn trở nhất của Thủ tướng. Tuy nhiên, tinh thần của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng nhấn mạnh nhiều tại các cuộc họp là, CCTTHC đi vào thực chất. Trong khi sự minh bạch còn hạn chế, ngay cả kết nối chia sẻ của các cơ quan nhà nước, kể cả công khai với DN và người dân còn hạn chế khi chính phủ điện tử chưa phát triển. Vì thế, CCTTHC năm 2019 là trọng tâm điều hành của chính phủ, Thủ tướng.
"Tinh thần của Thủ tướng là cắt giảm thực chất để tháo gỡ cho doanh nghiệp. Đặc biệt, năm 2019, Chính phủ sẽ tập trung hỗ trợ vấn đề cơ sở, quan tâm hơn nữa đến DNNVV. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự nỗ lực, phải chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây chính là nút tháo gỡ quan trọng để các doanh nghiệp trong nước phát triển", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Quá nhiều rào cản về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ - ảnh 2
 DNVVN vẫn gặp khó khăn trong thủ tục hành chính.
Cũng trong khuân khổ Hội nghị đối thoại, cộng đồng DNVVN đã gửi đến Chính phủ 6 kiến nghị.
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo sức ép hành chính đủ mạnh và liên tục lên các bộ, ngành và địa phương để triển khai ngay từ những ngày đầu năm.
Thứ hai, giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức đối thoại với doanh nghiệp là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các hiệp hội DNNVV ở trung ương và các địa phương; tạo kênh theo dõi, đánh giá độc lập, thường xuyên về những công việc làm được và chưa được.
Thứ ba, sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó xác định mức thuế suất thông thường của DNNVV thấp hơn theo đúng tinh thần của Luật Hỗ trợ DNNVV; hướng dẫn ban hành chế độ kế toán, báo cáo thuế đơn giản cho DN nhỏ, siêu nhỏ.
Thứ tư, đề nghị HĐND các tỉnh, thành có chính sách tháo gỡ, xây dựng quỹ đất tập trung cho DNNVV, tạo khu làm việc tập trung, cơ sở ươm tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Hai kiến nghị cuối là hình thành ban chỉ đạo về hỗ trợ DNNVV để có sự điều phối thống nhất, tập trung và tiếp tục nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong việc ứng phó với những biến đổi của khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để thúc đẩy sự thay đổi, chấp nhận sự thay đổi của doanh nghiệp tư nhân trong quản lý, sản xuất, kinh doanh; cung cấp thông tin về hội nhập, thông tin thuế quan khi Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).