Quản lý đầu tư Forex, tiền ảo: Cơ quan chức năng nói gì?
Forex là một hình thức giao dịch mua bán ngoại tệ đã rất phát triển trên thế giới, tuy nhiên số lượng các sàn ở nước ngoài rất hạn chế và được quản lý chặt chẽ, nên không thể ra đời một cách dễ dàng. Nhưng tại Việt Nam, luật pháp chưa quy định về những sàn giao dịch ngoại hối này, mà các sàn Forex đã ra đời hàng loạt, thu hút nhiều người tham gia, tiềm ẩn các nguy cơ lừa đảo tài chính .
99% các sàn Forex tại Việt Nam là giả mạo sàn giao dịch nước ngoài nhằm thu hút đầu tư trên diện rộng và có thể sập bất cứ lúc nào
Theo Thiếu tá Triệu Mạnh Tùng, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), qua công tác đấu tranh và phá án trong vài năm trở lại đây, Việt Nam xuất hiện hàng trăm sàn giao dịch ngoại hối, không chỉ giao dịch ngoại tệ mà còn có những sản phẩm khác như chứng khoán quốc tế, giá dầu và nhiều sản phẩm khác được đưa lên sàn.
Thực tế trên thế giới, có rất nhiều sàn được cấp giấy phép hoạt động ở các quốc gia châu Âu, châu Mỹ hay Úc, nhưng ở các quốc gia này có sự quản lý chặt chẽ để thành lập sàn, cũng như quá trình hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên ở Việt Nam, các sàn đều tự giới thiệu hầu hết là sàn uy tín, có giấy phép đàng hoàng, nhưng 99% không như những gì họ giới thiệu, các giấy phép của họ có thể có tên gần giống những công ty nổi tiếng được cấp phép, đặc biệt có những giấy phép đưa lên trên website là những giấy phép đã qua chỉnh sửa hình ảnh, giả mạo. Với những sàn này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự đồng thời có nguy cơ gây thiệt hại tài sản cho những người tham gia đầu tư.
"Trước đó, các cơ quan quản lý đã luôn trả lời rất rõ ràng với công luận rằng, hoạt động Forex hiện nay chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tại Việt Nam và không có sự bảo hộ hay được quản lý chặt chẽ, vì vậy nguy cơ rủi ro cho người đầu tư là rất cao. Cụ thể, trong các vụ án gần đây đều cho thấy rõ ràng, các hệ thống cơ sở dữ liệu là do các đối tượng ở Việt Nam làm chủ, dựng lên và can thiệp để tác động đến việc đặt lệnh của người chơi, dẫn đến việc thắng hay thua là do những kẻ chủ mưu, cầm đầu quyết định", Thiếu tá Triệu Mạnh Tùng nhấn mạnh.
Khi so sánh về sự khác biệt giữa những sàn Forex ở Việt Nam với thế giới, Đại biểu Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhận xét:
Thứ nhất, các sàn Forex ở các nước ngoài đều có cơ quan quản lý cho phép hoạt động và để được cấp phép thì có nhiều điều kiện ràng buộc, đảm bảo nếu nhà đầu tư bỏ tiền vào nhưng xảy ra tranh chấp, rủi ro thì người quản lý sàn sàn vẫn có một lượng tiền để bồi thường cho nhà đầu tư. Không có tình trạng người mở ra sàn thích đóng cửa, rút tiền của nhà đầu tư lúc nào cũng được. Trừ trường hợp bất khả kháng, thì vẫn có chính sách bảo hiểm bồi thường theo quy định.
Bên cạnh đó, điều kiện để ra đời một sàn giao dịch ngoại hối là hết sức khó khăn, trong khi ở Việt Nam, không được cấp phép, không có điều kiện ràng buộc, không quy định, mà lại có các sàn ra đời rất nhiều.
Thứ hai, các quy định về sử dụng đòn bẩy trong đầu tư ở các sàn trên thế giới khá nghiêm ngặt, ví dụ có 1 đồng vốn, thì nhà đầu tư chỉ được quyền mua cao nhất gấp 30 -50 lần giá trị, nhưng ở Việt Nam thì bỏ ra 1000, có thể mua được gấp hàng triệu lần nhằm khuyến khích nhà đầu tư tham gia và sinh lợi nhanh.
Thứ ba, trên thế giới, không phải ai cũng có thể mở tài khoản tham gia đầu tư được, còn ở Việt Nam, các sân sàn dùng mọi cách hỗ trợ để tìm được khách, miễn sao họ đổ tiền vào và mục tiêu ở đây không phải là tìm những nhà đầu tư chuyên nghiệp gia nhập thị trường, chẳng qua là tìm những người có tiền để hút vốn.
Trước sự nở rộ của nhiều sàn Forex, tiền ảo, BO với nhiều vụ lừa đảo Ponzi như Hitoption, FXTrading Markets, Rforex,... có thể thấy, việc quản lý các sàn Forex hiện còn gặp nhiều khó khăn.
Theo quan điểm của Đại biểu Hoàng Văn Cường, Việt Nam có quy định về việc mua bán ngoại tệ phải được phép của Ngân hàng Nhà nước, song những sàn Forex này không phải trực tiếp mua bán ngoại tệ mà mua bán tỷ giá ngoại tệ. Như vậy, về mặt luật pháp, chúng ta chưa thể kết tội ngay những người tham gia thực hiện việc này là vi phạm luật. Chính vì luật quy định người dân được phép làm những gì luật pháp không cấm, mới nảy sinh những người mượn danh các sàn giao dịch trên thế giới, hay tự tạo ra sàn và nếu không có khiếu kiện, tranh chấp thì gần như không có bằng chứng để xử lý.
Mặt khác, khi bỏ tiền vào tham gia, chỉ khi nào đồng tiền đó chuyển ra nước ngoài thì mới rơi vào trạng thái vi phạm quy định về chuyển tiền. Trong trường hợp họ sử dụng các công cụ, cách thức chuyển tiền thông qua hệ thống thẻ tín dụng, chịu phí cao để thực hiện giao dịch làm mồi nhử cho nhà đầu tư, thì cũng không có căn cứ xử lý. Chỉ đến khi phát sinh các yếu tố rủi ro, lúc đó cơ quan công an mới có thể vào cuộc. Cho nên, Việt Nam chưa có khuôn khổ luật pháp cụ thể đối với vấn đề quản lý này, nên rõ ràng sẽ vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình điều tra, xử lý.
Về phía cơ quan chức năng, Thiếu tá Triệu Mạnh Tùng phân tích, để tổ chức điều hành quản lý một sàn giao dịch ngoại hối, hiện nay trong Bộ luật Hình sự cũng có quy định khá nhiều hành vi, hay trong Pháp lệnh về ngoại hối cũng có quy định liên quan đến việc kinh doanh vàng, ngoại tệ và một số sản phẩm phái sinh. Song hiện nay vẫn chưa rõ ràng vì mô hình các các sàn có nhiều sản phẩm khác, so với thời điểm Pháp lệnh ngoại hối ra đời.
"Ngoài ra, nếu các sàn có sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp để huy động vốn và sau đó xác minh là chưa được cấp phép của Bộ Công thương thì chúng tôi sẽ có căn cứ xử lý theo Điều 217 a, Bộ luật Hình sự về kinh doanh đa cấp, bên cạnh đó là căn cứ theo Điều 290 Bộ luật Hình sự về hành vi sử dụng mạng máy tính và viễn thông chiếm đoạt tài sản.
Trong quá trình phá án, chúng tôi đều chứng minh được việc các đối tượng can thiệp vào hệ thống làm cho khách hàng thua lỗ, làm sai bản chất của các hoạt động đầu tư, dẫn đến hầu hết nhà đầu tư bỏ tiền tham gia vào các sàn này đều trắng tay", Thiếu tá Tùng nêu.
Diễn đàn doanh nghiệp