Quản lý nhà nước về chuyển giá: Còn nhiều bất cập

07:15 | 20/07/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Ngày 19/7, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước và Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Chuyển giá - Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay”.
Quản lý nhà nước về chuyển giá: Còn nhiều bất cập - ảnh 1
 Hội thảo quốc tế “Chuyển giá - Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay”. (Ảnh: DNVN/Minh Hoa)
Hội thảo có sự tham dự của gần 200 đại biểu từ các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Bộ ngành, cơ quan trung ương và địa phương, Hội nghề nghiệp, trường Đại học, Viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế, và đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, hoạt động chuyển giá là một thực tế phổ biến có tác động tiêu cực tới mọi nền kinh tế không phân biệt quy mô và trình độ phát triển, trở thành vấn đề nan giải của mọi quốc gia trong quản lý nhà nước về lĩnh vực thuế.

“Ở Việt Nam cách đây khoảng chục năm chuyển giá vẫn là một khái niệm mới lạ thì hiện nay chuyển giá đã là hoạt động phổ biến không chỉ đối với các doanh nghiệp FDI mà còn xảy ra ở cả các doanh nghiệp trong nước. Các hình thức chuyển giá phổ biến hiện nay mà các doanh nghiệp thường sử dụng là: Chuyển giá vào giá trị tài sản đầu tư, tức là thống nhất đưa giá tài sản góp vốn cao hơn giá thị trường nhằm giảm bớt nghĩa vụ nộp thuế trong tương lai; chuyển giá ẩn trong thu nhập có giá giao dịch không theo giá thị trường làm giảm nghĩa vụ thuế; chuyển giá đa chiều”, ông Phớc nhấn mạnh.

Đồng thời, ông Phớc cho rằng thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực xây dựng, ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thiết lập và dần dần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước, tạo những cơ sở pháp lý nhất định cho hoạt động của ngành thuế trong đấu tranh chống chuyển giá của các doanh nghiệp.
Quản lý nhà nước về chuyển giá: Còn nhiều bất cập - ảnh 2
 Ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán nhà nước phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: DNVN/Minh Hoa)
 Tuy nhiên, hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay vẫn thiếu đồng bộ, chưa bịt kín lỗ hổng, hiệu lực thấp. Việc thực hành pháp luật trong việc chuyển giá chưa hiệu quả, hiệu lực chưa cao.

Công tác kiểm toán chống chuyển giá chưa bao giờ được đưa ra bàn thảo và triển khai thực hiện một cách chính thức, hệ thống, đầy đủ đúng với bản chất của nó nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước dẫn đến công tác quản lý nhà nước về chuyển giá còn nhiều bất cập và hạn chế.

“Không chỉ các doanh nghiệp FDI mà đến nay có nhiều doanh nghiệp nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước, trong đó có vụ việc tiêu biểu là Sabeco. Dưới góc độ pháp lý, việc kiến nghị của Kiểm toán nhà nước truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành”, ông Phớc nói.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ vấn đề nhận diện chuyển giá ở Việt Nam hiện nay và tác động của chuyển giá đối với nền kinh tế; đánh giá thực trạng công tác quản lý, kiểm soát chống chuyển giá, những hạn chế bất cập và nguyên nhân trong quản lý, giám sát và triển khai thực hiện chống chuyển giá của doanh nghiệp từ góc nhìn pháp luật; vai trò của Kiểm toán nhà nước trong việc chống chuyển giá ; đề xuất các giải pháp đổi mới mục tiêu, nội dung phương pháp, kiểm toán chống chuyển giá chống thất thu ngân sách nhà nước.

Để triển khai thực hiện kiểm toán hoạt động chuyển giá của Kiểm toán nhà nước đạt chất lượng và hiệu quả, ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán nhà nước cho rằng, Kiểm toán nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và phòng chống chuyển giá.

“Kiểm toán nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cả về văn bản hướng dẫn và tổ chức kiểm toán theo hướng tăng cường các cuộc kiểm toán chuyên đề trên diện rộng để kịp thời ngăn chặn các lỗ hổng về cơ chế, chính sách trong quản lý thuế nói chung và quản lý giao dịch liên kết nói riêng”, ông Hòa khuyến nghị.

Các đại biểu cũng đề nghị, cần hoàn thiện hành lang pháp lý về kiểm soát chuyển giá. Trước mắt, cần bổ sung một điều luật về kiểm soát chuyển giá vào Luật quản lý thuế; thu hẹp các ưu đãi thuế, hạn chế tối đa các chính sách xã hội trong ưu đãi thuế; hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu về người nộp thuế.