Quảng Bình: Dân “khát” bên dự án nước sạch 35 tỉ đồng bỏ hoang
Năm 2009, Dự án cấp nước sạch tập trung của huyện Quảng Ninh được khởi động với tổng mức kinh phí đầu tư 35 tỉ đồng.
Công trình lấy nước từ nguồn hồ chứa nước Rào Đá, để sản xuất nước sạch công suất hơn 4.000 m3/ngày đêm; với mục tiêu cấp nước cho khoảng 10.000 hộ dân ở 5 xã phía Tây huyện Quảng Ninh. Gồm các xã An Ninh, Vạn Ninh, Xuân Ninh, Hiền Ninh, Tân Ninh.
Tuy nhiên, sau khi thi công giai đoạn 1, dự án đã bỏ hoang gần 10 năm nay.
Hạ lưu hồ Rào Đá bị sạt lở nghiêm trọng
Theo tìm hiểu, trong giai đoạn 1, dự án đã thi công các hạng mục, lắp đường ống dẫn nguồn nước từ hồ Rào Đá về trung tâm các xã và xây hồ chứa; Giai đoạn 2 của dự án sẽ tiến hành lắp đặt và dẫn nước về tận các thôn, xóm.
Tuy nhiên, khi hoàn thành giai đoạn 1, dự án do thiếu vốn nên bị chững lại. Trong khi đó, hàng ngàn người dân mòn mỏi chờ nước sạch từng ngày.
Theo quan sát, một số bể chứa nước của dự án tại công trình hồ chứa nước Rào Đá bị xuống cấp, hệ thống đường ống dẫn nước nhiều nơi đã bị hư hỏng, các vật dụng khác đều bị gỉ sét.
Bà Nguyễn Thị Liên (58 tuổi, ngụ thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh) cho biết người dân trong thôn từ hàng chục năm nay đã phải sống chung với tình cảnh nguồn nước bị ô nhiễm. Vì không có nước sạch nên bà con phải sử dụng giếng nước bị nhiễm phèn, dù đã mua bể lọc nhưng nước vẫn bị ố vàng, đục ngầu.
“Hơn chục năm trước, khi nghe tin có dự án nước sạch thì bà con vui lắm, nào ngờ dự án thì xây chưa xong rồi bỏ hoang phung phí tiền của biết bao. Trong khi dân chúng tôi dùng nước giếng nhiễm phèn, ô nhiễm lo lắng sinh tật bệnh. Bấy giờ, lo quá nên hằng ngày phải bỏ tiền mua nước bình về uống và nấu ăn" - bà Liên than thở.
Không có nước sạch, người dân phải xây bể lọc để sử dụng bởi nguồn nước nơi đây bị ô nhiễm nặng
Theo tìm hiểu, riêng tại thôn Tân Hữu có 200 hộ dân, cả 100% giếng nước trong thôn đều nhiễm phèn nặng. Mỗi lần người dân bơm nước từ giếng lên thoạt nhìn rất trong. Nhưng chỉ để 1 - 2 giờ sau là bắt đầu chuyển sang màu vàng, nổi đầy váng và bốc mùi hôi tanh. Đặc biệt, các vật dụng có tiếp xúc với nước giếng đều bị hoen ố, ngả màu như nghệ.
Để hạn chế sử dụng nguồn nước giếng bị ô nhiễm, nhiều hộ dân đã phải mua từng bình nước lọc 20 lít phục vụ cho nhu cầu ăn uống. Về mùa khô hạn, nhiều hộ phải dùng luôn nước giếng ô nhiễm để ăn uống vì giá nước tăng cao.
Không riêng gì xã Tân Ninh, mà hầu hết nguồn nước sinh hoạt của nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Quảng Ninh như các xã: Hiền Ninh, Xuân Ninh, Tân Ninh, An Ninh và Vạn Ninh... đều bị ô nhiễm, khô khát vào mùa nắng hạn khiến hàng ngàn người dân vô cùng trăn trở, lo lắng.
Giếng nước của người dân ở thôn Tân Hữu bị nhiễm phèn, người dân lo lắng bởi nguồn nước có mùi hôi tanh, màu cánh dán
Trao đổi với phóng viên Doanh Nhân Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hoan - Chủ tịch UBND xã Tân Ninh - cho biết dự án có mục tiêu dẫn nước sạch từ hồ thủy lợi Rào Đá về 5 xã của huyện. Nhưng trong đó có Tân Ninh chỉ mới hoàn thành giai đoạn 1 là đưa nước về trung tâm xã. Giai đoạn 2 của dự án đã bị “treo” từ nhiều năm nay, không được triển khai, nên chưa thể phân phối nước về cho các hộ dân.
“Hiện nay địa phương đang sử dụng hệ thống đường ống cũ để dẫn nước về các thôn. Trong đó có một thôn vẫn chưa có đường ống cung cấp nước sạch, các thôn còn lại hệ thống cũng đã xuống cấp, đang cải tạo để sử dụng tạm thời” - ông Hoan cho biết.
Theo Ban Quản lý Dự án huyện Quảng Ninh, Dự án công trình xây dựng hệ thống phân phối và xử lý nước cho 5 xã của huyện này và khu công nghiệp Áng Sơn được phê duyệt với tổng mức đầu tư trên 35 tỉ đồng.
Tuy nhiên đến nay công trình vẫn chưa thi công theo đúng quy hoạch do nhà tài trợ chưa cung cấp vật tư, thiết bị cho công trình.
Minh Tuấn - Cẩm Kỳ
Xem thêm: Những khu đất vàng bị bỏ hoang giữa lòng thành phố Hà Tĩnh