Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

10:33 | 21/05/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Sáng nay (21/5), theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi và thảo luận trực tuyến về một số nội dung vẫn còn các ý kiến khác nhau của dự án luật này.

Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) - ảnh 1
Quang cảnh ngày họp đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Dự thảo Luật Doanh nghiệp đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV và Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này gồm 10 chương với 219 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân, nhóm công ty và hộ kinh doanh.

Một trong những nội dung tiếp tục xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này là phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (Điều 1, Điều 2 và Chương VIIa). Dự thảo Luật đưa ra hai phương án để xin ý kiến: Phương án 1: Nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Phương án 2: Đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.

Thời gian gần đây, xung quanh nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến khác nhau.

Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) - ảnh 2
Một hộ kinh doanh vải ở thành phố Lào Cai. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN) 
Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến là phạm vi điều chỉnh, quy định đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Có những ý kiến đề nghị đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp như dự thảo của Chính phủ. Song, có những ý kiến lại đề nghị không quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp mà ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.

Dự thảo Luật hiện đưa ra hai phương án để xin ý kiến đại biểu Quốc hội: Phương án 1: Nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Phương án 2: Đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.

Nhiều chuyên gia nhận định: Với những ý kiến tán thành bảo lưu quan điểm đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, thì việc luật hóa quy định hộ kinh doanh sẽ có lợi cho cả hộ kinh doanh và nền kinh tế, đặc biệt là sẽ khơi thông nguồn lực để đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội và không chồng chéo với các luật khác.

Nếu làm luật riêng về hộ kinh doanh thì kéo dài thêm mấy năm nữa, trong khi luật hóa ngay thì có lợi cho nền kinh tế, nên không nhất thiết phải cầu toàn.

Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cả nước hiện có khoảng trên 5,5 triệu hộ kinh doanh, ước tính tổng tài sản khoảng trên 655 nghìn tỷ đồng, tạo ra khoảng trên 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, nộp 12.362 tỷ đồng tiền thuế, giải quyết 7,945 triệu lao động.

Với quy mô hàng triệu hộ sản xuất kinh doanh, bộ phận hộ kinh doanh cá thể cùng với đội ngũ doanh nghiệp đã, đang giữ vai trò quan trọng, đóng góp to lớn vào việc tạo công ăn việc làm, cung cấp các dịch vụ cho nền kinh tế.