Quy định về điều kiện kinh doanh còn thấp chất lượng, yếu tư duy

07:51 | 15/11/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là nhận định chung nhất được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh: Kết quả, vấn đề và kiến nghị”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 14/11.

Quy định về điều kiện kinh doanh còn thấp chất lượng, yếu tư duy - ảnh 1
Hội thảo “Đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh: Kết quả, vấn đề và kiến nghị”. (Ảnh: DNVN/Minh Hoa).
Có cắt giảm không tạo ra tác động

Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho biết, điều kiện kinh doanh là một loại rào cản lớn đối với việc gia nhập thị trường, hạn chế cạnh tranh, hạn chế sáng tạo và tác động bất lợi đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát và đề xuất cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh; hoàn thành và trình Chính phủ ký ban hành trước ngày 31/10/2018.

Nhưng đến nay, CIEM vẫn đang tiếp tục rà soát đánh giá, báo cáo, đề xuất với Chính phủ tiếp tục cắt giảm số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính.

Con số rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh mà ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM đưa ra tại Hội thảo là 771, trong đó lại có 29 điều kiện kinh doanh phát sinh. Nếu tính tổng số các điều kiện kinh doanh hiện hành, thì việc cắt giảm không đạt 50% như yêu cầu của Chính phủ. Nhiều điều kiện kinh doanh không rõ ràng, khó tiên liệu, tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp.

Đáng chú ý, theo ông Hiếu, trong số điều kiện kinh doanh được cắt giảm, có những sự cắt giảm không mang lại tác động gì. Ngược lại, có những quy định được bổ sung điều kiện kinh doanh lại gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo Phó Viện trưởng CIEM, quy định về điều kiện kinh doanh hiện nay còn thấp về chất lượng và yếu về tư duy quản lý và hệ thống quản lý theo phương pháp rủi ro.

“Hệ thống kiểm soát chất lượng quy định về điều kiện kinh doanh không hiệu quả, thiếu cơ chế đảm bảo thực thi đầy đủ. Không những thế còn thiếu nhận thức đúng về bản chất giấy phép, điều kiện kinh doanh”, ông Hiếu nói.

Nghiên cứu của CIEM cũng cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đạt kết quả cắt giảm thấp nhất (80 điều kiện), con số này đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng lần lượt là 61 và 158 điều kiện.

Tình trạng lạm dụng các điều kiện kinh doanh, đặt ra các yêu cầu không cần thiết hoặc vượt quá mục tiêu kiểm soát rủi ro, diễn ra khá phổ biến. Điều này khiến hoạt động kinh doanh bị cản trở, bị can thiệp quá mức, việc gia nhập thị trường và cạnh tranh trên thị trường bị bóp méo, trong khi các lợi ích công cộng vẫn không được bảo vệ.

Nặng về đơn giản hóa, chưa có tinh thần mạnh mẽ để cắt giảm là nhận định mà ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra: "Mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh cần phải được tách ra, tránh tình trạng như hiện nay nhiều lúc chỉ thay đổi cách diễn đạt, bỏ từ không ý nghĩa cũng được thống kê đơn giản hóa”.

Ông Tuấn cũng cho biết nhiều  Sở Công Thương các tỉnh thực sự cảm thấy “trống vắng” khi nghĩ về tinh thần cắt giảm điều kiện kinh doanh. Riêng về quy hoạch xăng dầu, một số sở đã phản ánh tới lãnh đạo tỉnh là làm quy hoạch xăng dầu mà họ không được thẩm định dự án và điều này rất bất cập. Tương tự, đối với hoạt động xuất khẩu gạo, Nghị định 107 thay thế Nghị định 109 tuy có cởi trói cho doanh nghiệp nhưng nhiều nơi vẫn cảm thấy sự thay đổi này còn rụt rè, chưa thay đổi mạnh mẽ phương hướng quản lý.

Ông Tuấn tiếp tục đề cập tới những điều kiện vô lý như yêu cầu về các loại chứng chỉ khiến doanh nghiệp phải cử nhân viên đi học lấy chứng chỉ cho có lệ. Đến học là hình thức, là phụ, đi nhậu với thầy và lấy chứng chỉ là chính.

Cho rằng điều kiện kinh doanh sửa đổi gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp, bà Nguyễn Minh Thảo, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện CIEM nhấn mạnh: Vẫn còn nhiều quy định không rõ ràng, khó tiên liệu, tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp. Sửa đổi, bổ sung thêm điều kiện kinh doanh còn gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp. Sửa đổi không theo hướng đơn giản hóa như mục tiêu cần hướng tới. Có sửa đổi chỉ để tránh sự chú ý, không có ý nghĩa cải cách.

Chỉ vì “dấu phẩy”, doanh nghiệp có thể mất cơ hội kinh doanh

Chỉ thẳng những bất cập liên quan đến điều kiện kinh doanh gây khó cho doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh tiếp tục nói tới câu chuyện về chiếc phong bì hay về “dấu phẩy” khiến doanh nghiệp điêu đứng. Đó là, vẫn tồn tại một khâu tiếp xúc giữa người và người, phong bì "nhẹ" giải quyết cả 3 tháng nhưng phong bì "nặng", chiều xong việc ngay.

Quy định về điều kiện kinh doanh còn thấp chất lượng, yếu tư duy - ảnh 2
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 
 "Nhiều khi chỉ sai một dấu phẩy đủ khiến doanh nghiệp mất đi chi phí, cơ hội kinh doanh, kéo giảm sức cạnh tranh so với các doanh nghiệp nước ngoài. Có doanh nghiệp nói trước kia chỉ phải phong bì 200.000-500.000 đồng để hoàn thiện một thủ tục, nhưng bây giờ phải trên 500.000 đồng mới xong. Với chi phí này, giá thành sản xuất của Việt Nam có thể cạnh tranh được không, nếu không nói doanh nghiệp  chỉ có nước phá sản", ông Doanh nói.

Rà soát luật cần tăng cường sự tham vấn cộng đồng doanh nghiệp

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 193 về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Điều này càng chứng tỏ cắt giảm điều kiện kinh doanh cần là cuộc chiến khẩn cấp và cần thiết, ông Doanh nhấn mạnh.

Cùng chung với nhận định trên, ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị: Để hoạt động rà soát, điều chỉnh điều kiện đầu tư kinh doanh của các bộ, ngành đi vào thực chất hơn nữa, cần tăng cường sự tham vấn cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động rà soát pháp luật; tăng cường cơ chế kiểm soát; thống nhất quan điểm rà soát và mở rộng các đề xuất trong các phương án điều chỉnh pháp luật kinh doanh mà các bộ, ngành đề ra.

Giải pháp khác mà các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo là: Cần rà soát chất lượng các điều kiện kinh doanh một cách độc lập; tiêu chuẩn và quy chuẩn hóa các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với nâng cao việc sử dụng công nghệ thông tin để giảm phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp.

Chỉ có hiện thực hóa mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa 50% số điều kiện kinh doanh thì môi trường kinh doanh của Việt Nam mới có thể thực sự bùng nổ.