Ra mắt tổ chức “Sáng kiến về chuyển đổi năng lượng Việt Nam“

16:41 | 20/09/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng gió, năng lượng mặt trời và cũng xây dựng được rất nhiều nhà máy sản xuất nguồn năng lượng này. Tuy nhiên, Việt Nam chưa xây dựng được hệ thống mạng lưới để truyền tải, điều đó đặt ra vấn đề phải có sự chuyển dịch ngành điện bền vững.

Để giải quyết bài toán chuyển dịch năng lượng của ngành điện Việt Nam, tổ chức Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIET) đã ra mắt. 

Được thành lập vào cuối năm 2018, VIET là một tổ chức nghiên cứu độc lập với các hoạt động nghiên cứu liên quan đến việc chuyển dịch hệ thống năng lượng quốc gia hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và có độ tin cậy cao. Sự kiện ra mắt VIET là dịp để giới thiệu những định hướng nghiên cứu mà VIET có thể đóng góp cho Việt Nam kể từ khi thành lập. Đồng thời là dịp để giao lưu giữa cộng đồng các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước với các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.

Hoạt động chính của VIET là thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu, kết hợp với tổ chức các buổi trao đổi giữa các nhà nghiên cứu và các nhà lập chính sách đang hoạt động trong lĩnh vực kinh tế năng lượng và bảo vệ khí hậu, để có được sự hợp tác sâu sắc hơn nhằm đưa ra các quyết định chính sách phù hợp cho đất nước.

Ra mắt tổ chức “Sáng kiến về chuyển đổi năng lượng Việt Nam“ - ảnh 1
 Việt Nam có tiềm năng lớn về năng mặt trời.
Theo Chủ tịch của VIET Hà Dương Minh chia sẻ, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam kêu gọi đa dạng hóa nguồn đầu tư cho lĩnh vực năng lượng, xuất hiện nhiều vấn đề về kỹ thuật cần có sự thích nghi và đổi mới nhanh chóng trong quá trình ra quyết định về chính sách. VIET sẽ là cầu nối hợp tác giữa các các nhà khoa học và các nhà lập chính sách nhằm đưa ra các quyết định phù hợp thúc đẩy sự chuyển đổi của hệ thống năng lượng Việt Nam phát triển với độ tin cậy cao và bền vững. Quá trình chuyển đổi này sẽ đóng góp lớn vào việc cắt giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu cam kết quốc gia của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu COP21 (Paris, 2015) cũng như các cam kết quốc tế khác liên quan đến phát triển bền vững mà Việt Nam đã tham gia trong thời gian gần đây.
Tích hợp năng lượng gió và mặt trời vào hệ thống điện là vấn đề trước mắt cần phải giải quyết đòi hỏi sự điều chỉnh nguồn phát và quản lý phía nhu cầu một cách linh hoạt; cải cách thị trường điện là cần thiết để thu hút đầu tư phát triển và đa dạng hóa nguồn điện, các nhà đầu tư tư nhân ưa thích đầu tư cho các nguồn điện tái tạo hơn; nhiệt điện khí sạch hơn nhưng không giải quyết triệt để được bài toán về an ninh năng lượng.
Đồng quan điểm, ông Mr. Rainer Brohm, thành viên của tổ chức VIET cho biết: “Giá của năng lượng mặt trời ngày càng rẻ hơn, chi phí của năng lượng mặt trời đang tác động rất nhiều đến thị trường điện Việt Nam. Việt Nam đã xây dựng nhiều nhà máy năng lượng mặt trời, nhưng chưa có mạng lưới truyền tải nguồn năng lượng này”.
Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia năng lượng tại lễ ra mắt đã đưa ra 7 khuyến nghị chính sách thúc đẩy chuyển dịch năng lượng của ngành điện Việt Nam liên quan đến Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia (Quy hoạch điện 8) là cơ hội thiết lập lộ trình phát triển hệ thống điện theo hướng phát thải carbon thấp; tăng cường hiệu quả trong cung cấp và sử dụng năng lượng đem lại lợi ích tăng trưởng kinh tế; chi phí sản xuất điện gió và điện mặt trời đã có thể cạnh tranh được với chi phí sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch; các chính sách phù hợp có thể giúp đạt được và thậm chí là vượt các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo.