Rời khỏi Trung Quốc, đâu là điểm đến tiếp theo của các công ty?

14:47 | 26/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đây sẽ là cơ hội vàng cho Mexico vốn đang ở trong thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng 1930.

Tin VnExpress dẫn từ Reuters cho biết, 2 công ty sản xuất thiết bị điện tử Foxconn và Pegatron của Đài Loan đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy mới ở Mexico.

Foxconn và Pegatron là nhà thầu sản xuất cho nhiều hãng điện thoại, trong đó có Apple. Foxconn nhiều khả năng sẽ sử dụng nhà máy ở Mexico để sản xuất iPhone. Tuy nhiên, công ty chưa xác nhận.

Trong khi đó, theo một số nguồn tin, Pegatron đang đàm phán với các ngân hàng về vốn vay cho dự án nhà máy sản xuất chip và các linh kiện điện tử tại Mexico. Đây được xem sẽ là cơ hội vàng cho Mexico vốn đang ở trong thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng 1930.

Foxconn hiện có 5 nhà máy sản xuất tivi và máy chủ ở Mexico. Sharp, công ty Nhật Bản đã bị Foxconn thâu tóm năm 2016, đang chịu trách nhiệm sản xuất tivi ở đây. Nếu hãng này quyết định chuyển thêm nhà máy lắp ráp điện thoại sang đây, sự kiện sẽ càng thể hiện rõ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và khủng hoảng COVID-19.

Rời khỏi Trung Quốc, đâu là điểm đến tiếp theo của các công ty? - ảnh 1

Công nhân nhà máy Pegatron tại Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: WSJ.

Nguồn tin cũng cho hay, kế hoạch này của Foxconn là phù hợp với chủ trương mang hoạt động sản xuất về "quê nhà" của Washington. Chính quyền Tổng thống Trump đang nghiên cứu mở rộng những ưu đãi tài chính nhằm khuyến khích các công ty chuyển nhà máy sản xuất từ châu Á sang Mỹ, Mỹ Latin và Caribbean.

Ngoài việc có hiệp định thương mại tự do với Mỹ, Mexico còn có nhiều điểm thuận lợi về địa lý, mức lương thấp và múi giờ phù hợp. Bất chấp suy thoái kinh tế và lo ngại về môi trường kinh doanh, dữ liệu của chính phủ Mexico vẫn cho thấy các khoản đầu tư nước ngoài vào nước này tăng trong năm nay.

Theo báo Tuổi Trẻ, giới quan sát hiện chia rẽ với con số do Trung Quốc cung cấp. Kể từ khi cuộc chiến thương mại với Mỹ bùng nổ, nhiều doanh nghiệp ngoại đã tháo chạy khỏi Trung Quốc để tránh mức thuế cao ngất ngưởng của Mỹ.

Một số nước, trong đó có Nhật Bản và Mỹ, đã khuyến khích các công ty đang làm ăn ở Trung Quốc trở về nước hoặc chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc đại lục. Những doanh nghiệp làm theo sẽ được nhận các ưu đãi về khoản vay hay miễn thuế.

Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, tăng trưởng GDP trong quý II vừa qua đạt 3,2%, trở thành nền kinh tế đầu tiên của thế giới phục hồi sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Vài tiếng sau cuộc họp báo, một người phát ngôn khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Hoa Xuân Oánh khẳng định có tới 99,1% doanh nghiệp có vốn nước ngoài ở Trung Quốc không muốn rời nước này. 

Theo Đài CGTN, con số được bà Oánh trích dẫn là kết quả một cuộc khảo sát được Bộ Thương mại Trung Quốc tiến hành gần đây. Các công ty được hỏi đều khẳng định sẽ tiếp tục hoạt động ở Trung Quốc và tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.

Cũng theo đài này, cuộc khảo sát mới nhất của Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung trên 150 công ty cho thấy những cải cách của Chính phủ Trung Quốc tạo thuận lợi cho hoạt động của họ.

"Chúng tôi chỉ thấy họ đổ thêm tiền vào thị trường Trung Quốc trước tốc độ hồi phục kinh tế ổn định cùng môi trường kinh doanh tối ưu và các lợi thế, tiềm năng thị trường khổng lồ khác", phát ngôn viên Uông Văn Bân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định.

Lệ Vỹ (t/h)