Samsung sẽ đầu tư thêm 1 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam

Đông Bắc 13:38 | 10/05/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tập đoàn Samsung dự kiến đầu tư thêm khoảng 1 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam, tiếp tục nâng số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng và đẩy mạnh hợp tác đào tạo nhân lực.

  

Ngày 9/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Park Hark Kyu, Tổng giám đốc phụ trách tài chính  Tập đoàn Samsung đang thăm, làm việc tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm và những kết quả kinh doanh tại Việt Nam của Tập đoàn Samsung, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất nhập khẩu và phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời, Thủ tướng cũng ủng hộ kế hoạch triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn này trong thời gian tới tại Việt Nam, trên nền tảng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang phát triển mạnh mẽ.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các dự án của Samsung hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, phát triển hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Chính phủ sẽ tiếp tục đàm phán các hiệp định thương mại tự do, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, từ đó tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ, chi phí logistics cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh lâu dài, hiệu quả, bền vững tại Việt Nam.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Park Hark Kyu, Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của tập đoàn Samsung đang thăm, làm việc tại Việt Nam. Ảnh VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "3 cùng" (cùng lắng nghe, thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển). Thủ tướng cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại, lắng nghe ý kiến, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp theo thẩm quyền và báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền với các vấn đề, nội dung vượt thẩm quyền.

Trong thời gian tới, Thủ tướng mong muốn Samsung tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước để có thể tham gia hiệu quả hơn chuỗi cung ứng của tập đoàn này. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác để đưa các doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam trở thành đối tác trong hệ sinh thái của Samsung.

Bên cạnh đó, đề nghị Samsung phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai hiệu quả các trung tâm đào tạo đặt tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác 2 bên; tăng cường đầu tư và mở rộng trung tâm R&D, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

"Tiếp tục mở rộng hoạt động, coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất chiến lược, nghiên cứu - phát triển và sản xuất các sản phẩm chủ lực ra thị trường quốc tế", Thủ tướng đề nghị và nhấn mạnh chủ trương này trong bối cảnh Hiệp định CPTPP, EVFTA và RCEP đã có hiệu lực.

Về phía Samsung, Tổng giám đốc Park Hark Kyu cũng đánh giá cao thông điệp "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" của Thủ tướng, cũng như sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của phía Việt Nam đã góp phần giúp Samsung vượt qua những khó khăn, thách thức thời gian qua.

Lãnh đạo Tập đoàn Samsung cũng mong muốn và tin tưởng Việt Nam sẽ liên tục cải thiện môi trường kinh doanh.

Chia sẻ về hoạt động tại Việt Nam đến nay, Tổng giám đốc phụ trách tài chính Samsung cho biết từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014, đến nay, đã có 309 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung với vai trò là nhà cung ứng cấp 1 và 2.

Ông Park cũng cho biết Samsung dự kiến đầu tư thêm khoảng 1 tỷ USD mỗi năm vào Việt Nam, tiếp tục nâng số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng và đẩy mạnh hợp tác đào tạo nhân lực.

Samsung hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam với các dự án lớn tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP HCM với tổng vốn đầu tư 22,4 tỷ USD. Sản lượng sản xuất điện thoại di động của Samsung tại Việt Nam chiếm trên 50% sản lượng của tập đoàn này trên toàn cầu.

 

4 nhà máy tại Việt Nam đóng góp bao nhiêu lợi nhuận cho Samsung?

Cuối tháng 2/2024, Tập đoàn Samsung Electronics đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2023.

Doanh thu trên toàn cầu của hãng là 198,3 tỷ USD, giảm 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ chi phí, tập đoàn này lãi sau thuế 11,8 tỷ USD, giảm 72% so với năm 2022. Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Samsung đạt 349 tỷ USD.

Chỉ tính riêng trong quý IV năm ngoái, Samsung đạt doanh thu 51,4 tỷ USD, lãi sau thuế 3,97 tỷ USD. Mặc dù mức lợi nhuận này thấp hơn quý III nhưng lại gấp đôi 2 quý đầu năm.

Đáng chú ý, 4 nhà máy tại Việt Nam vẫn là bộ phận chiếm tỷ trọng cao, đóng góp khoảng 30% doanh thu và 33,5% lợi nhuận cho tập đoàn này. Theo đó, tổng doanh thu của các nhà máy này đạt 61,4 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ở mức 4 tỷ USD, giảm gần 15% so với mức 4,7 tỷ USD của cùng kỳ năm 2022.

Samsung Thái Nguyên (SEVT) là nhà máy có đóng góp cao nhất tại Việt Nam của Samsung, với doanh thu khoảng 23 tỷ USD và gần 1,7 tỷ USD lợi nhuận. So với 2022, doanh thu của nhà máy này giảm hơn 15%, còn lợi nhuận giảm gần 18%.

 Trong khi đó, 3 nhà máy còn lại của Samsung tại Việt Nam đều ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận giảm. Cụ thể, năm 2023, 2 nhà máy tại Bắc Ninh là Samsung Electronics (SEV) và Samsung Display (SDV) mang về hơn 15 tỷ và 18 tỷ USD, giảm lần lượt 15% và 6% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận của 2 nhà máy cũng giảm khoảng 10%, Samsung Electronics đạt 1,1 tỷ USD và Samsung Display đạt hơn 800 triệu USD.

Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) thu về 4,6 tỷ USD doanh thu. Nhà máy này mang về 300 triệu USD lợi nhuận trong năm 2023, tăng khoảng 4,2% và là nhà máy duy nhất ghi nhận tăng trưởng về lợi nhuận của Samsung tại Việt Nam.