Samsung sẽ rót thêm 1 tỷ USD/năm vào Việt Nam
Ngày 4/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã tiếp Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho.
Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng bày tỏ vui mừng gặp lại Tổng Giám đốc Choi Joo Ho sau hơn 7 tháng; đánh giá cao các hoạt động đầu tư của Samsung tại Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất nhập khẩu và phát triển kinh tế của Việt Nam.
Tổng Giám đốc Choi Joo Ho cho biết năm 2023, Samsung đã đầu tư bổ sung 1,2 tỷ USD vào Việt Nam, nâng tổng vốn đầu tư lên 22,4 tỷ USD. Tập đoàn tư nhân lớn nhất Hàn Quốc cũng đặt mục tiêu tiếp tục đầu tư thêm 1 tỷ USD mỗi năm vào Việt Nam.
Năm 2023 là một năm khó khăn nên xuất khẩu của Tổ hợp Samsung Việt Nam đạt 55,7 tỷ USD, do tình hình kinh tế toàn cầu chưa thoát khỏi khó khăn trong khi thị trường điện thoại di động toàn cầu bị thu hẹp.
Hiện trung tâm nghiên cứu phát triển của Samsung có 2.400 kỹ sư đang làm việc, trong đó các kỹ sư người Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong việc nghiên cứu tính năng AI trong dòng điện thoại mới Galaxy S24.
Ông Choi Joo Ho cảm ơn và mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư của Samsung tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng đề nghị Samsung, với kinh nghiệm và năng lực của mình, tiếp tục hợp tác với NIC; hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn đến năm 2030.
Về hợp tác với NIC, Samsung Việt Nam và NIC đã ký kết Biên bản ghi nhớ Hợp tác triển khai các hoạt động phát triển công nghệ cao cho thế hệ trẻ Việt Nam – những người sẽ dẫn dắt sự thành công của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam trong tương lai.
Đối với hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, Samsung và Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký văn bản hợp tác với mục tiêu trong 4 năm sẽ đào tạo khoảng 40 sinh viên ưu tú của Đại học Quốc gia trở thành nhà lãnh đạo trong tương lai trong lĩnh vực bán dẫn.
Tổng Giám đốc Choi Joo Ho cho biết Samsung sẽ tiếp tục nghiên cứu các khả năng mở rộng hợp tác với NIC và hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn; khẳng định sự phát triển của Việt Nam chính là sự phát triển của Samsung và sự phát triển của Samsung sẽ đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam.
Những nhà máy Samsung tại Việt Nam có lợi nhuận ra sao?
Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Samsung, 4 doanh nghiệp của Samsung tại Việt Nam đóng góp một phần ba tổng lợi nhuận toàn cầu của hãng năm 2023, dù doanh thu giảm.
Năm 2023 là một năm biến động về kinh doanh của Samsung Electronics. Doanh thu toàn cầu của hãng giảm gần 15%, còn 200 tỷ USD. Lãi ròng chỉ bằng khoảng 1/4 năm trước, ở mức 11,8 tỷ USD, so với lợi nhuận 42,6 tỷ USD của năm 2022.
Tuy nhiên, 4 nhà máy tại Việt Nam vẫn là bộ phận chiếm tỷ trọng cao, đóng góp khoảng 30% doanh thu và 33,5% lợi nhuận cho tập đoàn này. Cụ thể:
Samsung Thái Nguyên (SEVT) tiếp tục là nhà máy có đóng góp cao nhất tại Việt Nam của Samsung, với hơn 30.600 tỷ won doanh thu (khoảng 23 tỷ USD) và 2.700 tỷ won lợi nhuận (gần 1,7 tỷ USD). So với 2022, doanh thu của nhà máy này giảm hơn 15%, còn lợi nhuận giảm gần 18%.
Hiện, SEVT cũng là nhà máy sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới của Samsung. Tập đoàn Hàn Quốc đầu tư vào Thái Nguyên từ năm 2013 với vốn ban đầu 2 tỷ USD và đến nay số vốn đăng ký đã tăng lên gần 4 lần, đạt hơn 7,5 tỷ USD.
Trong khi đó, doanh thu của hai cơ sở ở Bắc Ninh là Samsung Electronics (SEV) và Samsung Display (SDV) đều giảm. SEV - tổ hợp đầu tiên Samsung đặt tại Việt Nam đến nay vẫn là một trong những cơ sở sản xuất hàng đầu của tập đoàn này trên toàn cầu.
Năm 2023, hai nhà máy này mang về hơn 15 tỷ và 18 tỷ USD, giảm lần lượt 15% và 6% so với 2022. Lợi nhuận SEV đạt 1,1 tỷ USD, còn SDV ghi nhận hơn 800 triệu USD, tương đương hạ 10% mỗi nhà máy.
Cơ sở duy nhất của tập đoàn này tại TP HCM - Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) thu hơn 6.100 tỷ won năm ngoái (4,6 tỷ USD) và lợi nhuận hơn 300 triệu USD. SEHC là nhà máy duy nhất ghi nhận tăng trưởng về lợi nhuận trong tổ hợp Samsung Việt Nam, khoảng 4,2% so với năm 2022.