Sản lượng khai thác đồng toàn cầu tăng 3,5% trong năm 2021, giá tăng gấp đôi
Trong dự báo thị trường đồng cho năm 2021/2022, ICSG cho biết sản lượng khai thác đồng trên thế giới, được điều chỉnh theo các yếu tố gián đoạn lịch sử, sẽ tăng khoảng 3,5% trong năm nay và 3,7% trong 2022, sau 3 năm thực tế không thay đổi.
Về sản lượng đồng tinh chế, ICSG dự báo rằng nó sẽ tăng khoảng 3% vào năm 2021 và 2022. Con số này theo sau mức tăng 1,6% vào năm 2020.
ICSG cho biết sản lượng khai thác năm ngoái vẫn ổn định do sản lượng phục hồi ở một số quốc gia, chẳng hạn như Chile và Indonesia. Từ sản lượng hạn chế năm 2019, sản lượng bổ sung từ các dự án ở Panama, Nga và Congo đã giúp cân bằng tác động tiêu cực của COVID- 19 - vốn ảnh hưởng đến sản lượng khai thác đồng ở một số quốc gia, đặc biệt là Peru.
Nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc đã thúc đẩy thị trường kim loại trong năm ngoái, đặc biệt khi mức cầu tại những nơi khác vẫn thấp hơn như ở Châu Âu, Mỹ...
Trong khi đó, về nguồn cung, sản lượng khai thác đồng bị ảnh hưởng, đặc biệt là ở Nam Mỹ, khi đại dịch COVID-19 trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, sản lượng khai thác đồng đã phục hồi trong cả 2020 cho đến năm nay.
Chile, nhà sản xuất đồng hàng đầu thế giới, đã chứng kiến sản lượng khai thác đồng giảm 2,6% trong hai tháng đầu năm. Còn Peru, nhà sản xuất lớn thứ hai, có sản lượng giảm 7,5% trong tháng Giêng. Sản lượng khai thác mỏ của Peru đã tăng trở lại vào tháng 2, dẫn đến mức giảm tổng cộng 3,7% trong khoảng thời gian hai tháng.
Sản lượng kết hợp từ GBC và các mỏ DMLZ tại Indonesia đạt khoảng 98.500 tấn quặng mỗi ngày. Ảnh: International Mining.
Sản lượng của Indonesia tăng 90%, do sản xuất ngầm từ mỏ Grasberg ngày càng gia tăng. Trong báo cáo tài chính quý 1, công ty khai thác Freeport-McMoRan đã đưa ra một bản cập nhật về tiến độ tại mỏ Grasberg. Một trong những điểm nổi bật của quý 1, là sản lượng đạt “xấp xỉ 75% mức dự kiến cuối cùng hàng năm”.
Nhà khai thác cho biết: “Tổng cộng 50 hào khai đã được xây dựng tại các mỏ ngầm Grasberg Block Cave (GBC) và Deep Mill Level Zone (DMLZ), nâng tổng số hào khai mở tích lũy lên hơn 420”. Hơn nữa, sản lượng kết hợp từ GBC và các mỏ DMLZ đạt khoảng 98.500 tấn quặng mỗi ngày.
Liên quan đến việc sử dụng đồng tinh chế vào năm 2021, ICSG dự kiến sẽ không thay đổi về cơ bản, mặc dù mức tăng trưởng khoảng 3% được dự đoán vào năm 2022. Việc sử dụng đồng tinh chế của những nước ở ngoài Trung Quốc ước tính đã giảm khoảng 9% trong năm ngoái. Tuy nhiên, do nhập khẩu đồng tinh chế ròng tăng 38% (1,2 triệu tấn), mức sử dụng đồng của Trung Quốc đã tăng 13%, nhiều hơn so với sự sụt giảm ở các khu vực khác trên thế giới.
Với sản xuất tinh chế thì sản lượng đồng tinh chế tăng 2,9% trong hai tháng đầu năm. Sản lượng đồng tinh chế của Chile giảm 8,7%. Trong khi đó, theo dữ liệu sơ bộ, sản lượng tinh chế của Trung Quốc đã tăng 5%.
Các dự báo về cân bằng đồng tinh chế trên thế giới của ICSG cho thấy thặng dư khoảng 80.000 tấn cho năm 2021 và 110.000 tấn cho năm 2022. Sau khi thâm hụt đáng kể vào năm 2020 với khoảng 600.000 tấn phát sinh từ sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng đồng tinh luyện của Trung Quốc, ICSG cho biết họ dự đoán thặng dư thị trường sẽ nhỏ hơn vào năm 2021 và 2022.
Theo MetalMiner, đồng có thể đạt được 15.000 USD/tấn trong một thời gian ngắn, nhưng mức giá này sẽ không bền vững. Giá cao hơn liên tục cũng có thể cản trở việc tung ra các loại xe điện mới.
Vì thế, “cuộc cách mạng môi trường” đang diễn ra sẽ bị chậm hơn nhiều. Giá đồng tăng cao nên nhiều nhà phân tích cho rằng: “Nó sẽ làm mất quá nhiều cầu sang cho nhôm nếu tính theo lĩnh vực sản xuất cáp”, vì nhôm là mặt hàng rẻ hơn đáng kể.
Đồng trên Sàn Giao dịch Kim loại London (LME) đã tăng mạnh trong năm. Đồng LME kỳ hạn 3 tháng đạt mức cao 10.724,50 USD/tấn vào ngày 10/5. Tăng hơn gấp đôi so với mức 5.266 USD được báo cáo vào ngày 11 /5/2020.
Nhu cầu đồng có khả năng vẫn tiếp tục mạnh mẽ, đặc biệt là đối với ứng dụng trong các công nghệ xanh. Tuy nhiên, các nhà khai thác sẽ cần phải đầu tư thêm trong những năm tới để theo kịp những dự đoán là nhu cầu về kim loại này sẽ tăng đáng kể, để sử dụng trong nhiều loại công nghệ thế hệ tiếp theo như xe điện.
Tiệp Nguyễn