Sàn TMĐT Leflair hoàn tất tái cấu trúc, mời nhà sáng lập về làm CEO, hướng tới IPO
Hoàn tất tái cấu trúc, cựu CEO trở lại
Mới đây, sàn thương mại điện tử Leflair vừa công bố hoàn tất quá trình tái cấu trúc, chuyển đổi thành Leflair Group (LFG). Trong số các nhân sự cao cấp, đáng chú ý nhất là việc mời lại ông Loic Gautier với vai trò Giám đốc điều hành. Ông Gautier từng là một trong hai nhà sáng lập Leflair khi sàn ra mắt thị trường năm 2015.
Bên cạnh ông Gautier quay lại, Society Pass (công ty sở hữu thương hiệu Leflair) cũng mong muốn mời lại các nhân sự cấp cao từng gắn bó với công ty từ những ngày đầu sáng lập để tận dụng kinh nghiệm và sự hiểu biết với Leflair.
Đầu năm 2020, Leflair bất ngờ thông báo "tạm dừng hoạt động" do gặp áp lực về nguồn vốn. Không lâu sau đó, xuất hiện nhiều thông tin từ các nhà cung cấp cho rằng sàn đã không thanh toán tiền, đồng thời không thể tìm cách liên lạc được với người đại diện công ty.
Tới tháng 3 cùng năm, công ty chính thức phá sản nhưng cũng chỉ hơn một năm sau, thương hiệu Leflair đã được nhượng lại cho Society Pass, một công ty công nghệ có trụ sở tại Mỹ, sau một thương vụ mua bán sáp nhập (M&A).
Thời điểm đó, Society Pass kỳ vọng sẽ "hồi sinh" được Leflair. Thị trường thương mại điện tử tổng hợp tại Việt Nam giai đoạn 2019-2020 tương đối phân mảnh với nhiều cái tên so kè nhau. Tuy nhiên trong hai năm trở lại, Shopee đã vượt lên hẳn về lượng truy cập, theo những báo cáo thị trường từ iPrice. Tuy nhiên những hãng thương mại điện tử tổng hợp đều phải đổ một lượng vốn cực lớn.
Trong khi đó, Leflair lựa chọn thị trường ngách bằng cách bán những sản phẩm mang thương hiệu cao cấp như Nike, Adidas, hay Michael Kors với mức giảm giá lên tới 70%. Đây là một mô hình từng tương đối thành công tại Trung Quốc với ví dụ tiêu biểu phải kể đến là Mei.com hay Glamour Sales.
Trong một bài phỏng vấn với tờ TechInAsia, ông Gautier từng chia sẻ rằng sàn sẽ chỉ trả tiền cho nhà cung cấp với các sản phẩm bán được. Điều đó có nghĩa là với những mặt hàng không có khách, sàn sẽ trả lại nhà cung cấp.
Hướng tới IPO
Hiện tại, Leflair đã trở lại với chiến lược mới, với mong muốn xây dựng sàn và các hệ sinh thái để mở rộng hoạt động ở các thị trường khác tại Đông Nam Á. Đồng thời, LFG cũng muốn thâu tóm các nền tảng có liên quan trong phân khúc bán lẻ trực tuyến, lĩnh vực phong cách sống, truyền thông và tiếp thị qua các thương vụ M&A.
Cũng trong lần tái cấu trúc này, LFG hướng đến kế hoạch cho các vòng gọi vốn trước khi hướng tới IPO. IPO là một trong những cột mốc quan trọng với các startup, đánh dấu bước chuyển mình từ một startup sống bằng việc huy động tiền từ các quỹ, các nhà đầu tư thiên thần đến huy động vốn từ các nhà đầu tư đại chúng.
Trước đó vào tháng 11/2021, Society Pass cũng đã IPO trên sàn Nasdaq (Mỹ). Công ty phát hành 2,8 triệu cổ phiếu ở mức giá 9 USD, tương đương quy mô đợt IPO đạt 26 triệu USD. Hiện tại ngoài LFG, Society Pass còn đang vận hành HotTab (dịch vụ điểm bán cho doanh nghiệp) và SoPa.asia (hệ thống chi thưởng và đặt đồ ăn trực tuyến).