(DNVN) - Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 27/CT-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương liên quan thực hiện 4 mục tiêu và 3 giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng miền Trung.
Theo Chỉ thị, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Vùng miền Trung phát huy hết tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố Vùng miền Trung tập trung thực hiện 4 mục tiêu trọng tâm:
Thứ nhất, vận dụng chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 vào năm trụ cột kinh tế: Một là: Ngư nghiệp, tập trung vào đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản; Hai là: Du lịch, đặc biệt là du lịch biển, đảo và khai thác thế mạnh du lịch của Vùng; Ba là: Cảng biển và các dịch vụ logistics; Bốn là: Phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển; Năm là: Năng lượng tái tạo: điện gió, điện mặt trời và nghiên cứu các dạng năng lượng khác.
Thứ hai, quan tâm và tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về liên kết vùng và thể chế phát triển vùng, cơ chế điều phối hoạt động của Vùng đủ mạnh, trong đó tập trung xây dựng quy hoạch Vùng mang tính chất đột phá, khơi dậy lợi thế tiềm năng của địa phương, phân bổ nguồn lực hợp lý, xây dựng thể chế thuận lợi cho phát triển Vùng. Tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng và nội vùng.
Thứ ba, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát triển, tập trung vào các ngành có lợi thế của vùng như cảng biển, sân bay, khu kinh tế, khu du lịch, đô thị ven biển, cảng cá, nuôi trồng thủy sản, các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch gắn với biển, du lịch lịch sử, văn hóa,…
Thứ tư, tăng cường bảo vệ, phát triển trồng rừng, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, nhất là nước biển dâng và xâm nhập mặn. Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển, tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương liên quan phải thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính để đạt được 4 mục tiêu đề ra, cụ thể: Hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển; liên kết các ngành, lĩnh vực và ưu tiên bố trí nguồn lực.
Cụ thể, về cơ chế, chính sách, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để tạo điều kiện cho Vùng miền Trung, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển bền vững; nghiên cứu hoàn thiện cơ chế điều phối Vùng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của Luật Quy hoạch. Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, nghiên cứu đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển; giải quyết các điểm nghẽn về quản lý đất đai…
Về giải pháp liên kết các ngành, lĩnh vực, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từng Bộ ngành liên quan thực hiện những giải pháp trọng tâm, trọng điểm: Đối với Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu có phương án đầu tư hoàn thành hệ thống đường cao tốc trong khu vực, hệ thống đường ven biển và các tuyến đường trục ngang kết nối từ các tỉnh Duyên hải miền Trung lên Tây Nguyên; kết nối đường sắt hiện hữu với các cảng biển; Đối với Bộ Công Thương, cần ưu tiên phát triển mạng lưới trung tâm logistics của vùng, tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, gần nguồn cung cấp hàng hóa như khu công nghiệp, hệ thống cảng, gần khách hàng tiêu thụ; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố có tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo; Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần xây dựng Chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, trong đó đánh giá tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, thành phố vùng miền Trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; …
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trong vùng miền Trung phải tập trung xây dựng các đô thị ven biển hiện đại, xác định biển là trung tâm để tính toán quy hoạch xây dựng đô thị ven biển; tập trung xây dựng các đô thị ven biển có điều kiện và lợi thế làm hạt nhân lan tỏa thúc đẩy phát triển và trở thành các trung tâm kinh tế của từng tiểu vùng; tăng cường liên kết vùng, tiểu vùng và liên kết giữa các tỉnh miền Trung với Tây Nguyên, hợp tác cùng phát triển; đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng và cơ cấu ngành hợp lý; kiểm soát và khắc phục ô nhiễm mô trường, các nguồn gây ô nhiễm.
Còn đối với giải pháp về bố trí nguồn lực, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền ưu tiên bố trí nguồn lực để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cơ bản, đường ven biển và các công trình trọng điểm của vùng, các dự án khắc phục khô hạn, bảo vệ nguồn nước ngọt. Bộ Giao thông vận tải tập trung nguồn lực của Nhà nước để đầu tư, đồng bộ hóa hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố trong vùng miền Trung làm tốt công tác thu hút, kêu gọi và định hướng đầu tư, có chính sách hỗ trợ theo các nhóm ngành ưu tiên phát triển trên mỗi địa bàn; đổi mới cơ chế, chính sách nhằm thu hút tối đa các nguồn lực tài chính từ các thành phố kinh tế; đẩy mạnh thu hút FDI phù hợp với quá trình hội nhập và có chọn lọc, các dự án có trình độ công nghệ cao, thân thiện môi trường, giải quyết nhiều việc làm, tăng thu nhập người dân; đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài…
Cùng với đó, nghiên cứu phát triển các Khu kinh tế, Khu công nghệ cao, Khu công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, Khu công nghiệp sinh thái; đầu tư mở rộng các cảng hàng không, bao gồm cả các cảng hàng không quốc tế theo hướng tư nhân hóa, bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.