Sau Australia, Canada là quốc gia tiếp theo yêu cầu Facebook trả phí cho tin tức báo chí

11:22 | 19/02/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong một thông báo hôm 18/2, Canada cho biết nước này sẽ yêu cầu Facebook phải trả phí cho tin tức báo chí, đồng thời tuyên bố sẽ không lùi bước nếu mạng xã hội này cấm nội dung tin tức như đã làm với Australia.
Facebook đã chặn tất cả nội dung tin tức của Australia trên nền tảng của mình sau khi quốc gia này yêu cầu Facebook và Google phải trả phí cho các cơ quan báo chí truyền thông của Australia khi chia sẻ các nội dung tin tức trên những nền tảng này.
 
Bộ trưởng Di sản Canada Steven Guilbeault, người phụ trách soạn thảo một dự luật tương tự như Australia dự kiến sẽ được công bố trong những tháng tới, đã lên án hành động của Facebook và nói rằng việc làm này sẽ không ngăn cản được Canada.
 
“Canada đi đầu trong trận chiến này ... chúng tôi thực sự nằm trong nhóm các quốc gia đầu tiên trên thế giới đang làm điều này,” ông Steven Guilbeault nói với các phóng viên.
 
Canada yêu cầu Facebook trả phí cho tin tức báo chí
Bộ trưởng Di sản Canada Steven Guilbeault
 
Năm ngoái, các cơ quan báo chí Canada đã cảnh báo về khả năng thất bại của thị trường truyền thông trong nước nếu Chính phủ không có hành động. Các cơ quan này cho biết dự luật của Australia sẽ cho phép cơ quan báo chí thu hồi 620 triệu đô la Canada mỗi năm và nếu Chính phủ không có hành động, Canada sẽ mất 700 việc làm báo in trong tổng số 3.100 việc làm.
 
Ông Guilbeault cho biết Canada có thể áp dụng mô hình của Australia đang thực hiện, trong đó yêu cầu Facebook và Google đạt được các thỏa thuận để thanh toán cho các hãng tin có liên kết thúc đẩy hoạt động trên dịch vụ của họ hoặc đồng ý về một mức giá thông qua trọng tài ràng buộc.
 
Một lựa chọn khác là làm theo mô của Pháp, nơi yêu cầu các nền tảng công nghệ lớn mở các cuộc đàm phán về giá cả với các cơ quan báo chí cho việc sử dụng nội dung tin tức.
 
“Chúng tôi cân nhắc để xem mô hình nào sẽ phù hợp nhất”, ông Guilbeault nói, đồng thời cho biết tuần trước ông đã nói chuyện với các đối tác Pháp, Australia, Đức và Phần Lan về việc cùng nhau hợp tác để đảm bảo bồi thường công bằng cho nội dung tin tức.
 
"Tôi nghi ngờ rằng chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ có 5, 10, 15 quốc gia áp dụng các quy tắc tương tự ... Facebook sẽ cắt đứt quan hệ với Đức, với Pháp?" ông Guilbeault  hỏi và nói rằng tại một thời điểm nào đó cách tiếp cận của Facebook sẽ trở nên hoàn toàn khác.
 
Giáo sư Megan Boler của Đại học Toronto, chuyên về mạng xã hội, cho biết hành động của Facebook đánh dấu một bước ngoặt đòi hỏi quốc tế có một cách tiếp cận chung.
 
“Chúng tôi thực sự có thể thấy một liên minh, một mặt trận thống nhất chống lại sự độc quyền này, có thể rất mạnh mẽ,” bà Megan Boler cho biết.
 
Tuần này, Facebook cho biết nội dung tin tức chỉ chiếm chưa đến 4% nội dung mà mọi người xem trên nền tảng này nhưng cho rằng nó đã giúp các nhà xuất bản Australia kiếm được khoảng 407 triệu đô la Úc vào năm ngoái.
 
Google đã ký 500 thỏa thuận trị giá khoảng 1 tỷ USD trong ba năm với các nhà xuất bản trên khắp thế giới cho dịch vụ Giới thiệu tin tức mới của mình và đang đàm phán với các cơ quan báo chí Canada.
 
Ông Guilbeault cho biết Google sẽ vẫn tuân theo luật mới của Canada, vì Ottawa muốn có một cách tiếp cận công bằng, minh bạch và có thể dự đoán được.
 
Lauren Skelly, phát ngôn viên của Google tại Canada, từ chối bình luận về nhận xét của ông Guilbeault, và nói rằng công ty không biết chi tiết về dự luật.
 
H.A (Theo Reuters)