Sau 'cấm vận', Huawei sẽ ra sao, Mỹ sắp làm gì tiếp theo?
Vài ngày trước, lệnh cấm công ty toàn cầu dùng công nghệ Mỹ hợp tác với Huawei đã có hiệu lực. Huawei sẽ xoay xở như thế nào và Mỹ sẽ làm gì tiếp theo?
Cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ vẫn đang diễn ra căng thẳng với những “nhân vật chính” nổi tiếng hàng đầu bị Mỹ đưa ra lệnh cấm hoặc hạn chế là: Huawei, TikTok và WeChat.
Ngày 15/9, lệnh cấm mọi doanh nghiệp toàn cầu có sử dụng thiết bị hoặc công nghệ Mỹ làm ăn với tập đoàn Huawei đã có hiệu lực. Vì công nghệ Mỹ phát triển nhất thế giới nên danh sách này rất dài. Nếu muốn tiếp tục hợp tác với Huawei, các doanh nghiệp phải xin giấy phép từ Mỹ. Nhưng hiện không có dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ cấp những giấy phép đó.
Đây là một đòn đánh rất mạnh vào Huawei và còn kéo theo hệ lụy ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp của cả các quốc gia khác. Nhưng áp dụng lệnh cấm tất nhiên chưa phải là kết thúc, mà đôi khi mới là bắt đầu của cuộc chiến tiếp theo.
Về phía Huawei, tập đoàn hàng đầu Trung Quốc này vẫn thể hiện thái độ lạc quan trước việc bị cấm. Ông Nhậm Chính Phi - Chủ tịch Huawei từng chia sẻ cách đây vài tuần rằng "Kẻ đánh bại được Huawei không phải Mỹ mà mà chỉ có thể là chính bản thân Huawei". Từ trước khi lệnh cấm có hiệu lực, Huawei đã có nhiều hành động để cứu lấy chính mình như: tự phát triển hệ điều hành HarmonyS (vì không được dùng Android cũ có công nghệ Mỹ), dự trữ nhiều linh kiện, chất bán dẫn (vì sắp tới có thể không thể hợp tác với một số nhà cung ứng),...
Việc bị cắt đứt nguồn cung cấp các công nghệ Mỹ ngược lại có thể còn thúc đẩy Huawei phát triển khả năng tự lực cao hơn. Nhưng trong thời gian đầu, nếu làm không tốt, các sản phẩm Huawei có nguy cơ giảm tính cạnh tranh.
Huawei vẫn lạc quan và tìm cách xoay xở khi phải chịu lệnh cấm vận gay gắt
Huawei có trong tay một “vũ khí tối thượng” là mảng thiết bị viễn thông 5G. So với các đối thủ khác, Huawei có lợi thế giá cả phải chăng, tốc độ phát triển nghiên cứu nhanh và đã có sẵn cơ sở hạ tầng viễn thông tại nhiều nước trên thế giới. Theo CNBC, Chính phủ Mỹ đang kêu gọi các đồng minh của họ tìm ra các giải pháp thay thế Huawei để phát triển mạng 5G. Mỹ đã đặt mục tiêu trở thành quốc gia thiết lập vị trí hàng đầu trong 5G, đối đầu trực tiếp với không ai khác ngoài Trung Quốc. Nhưng giờ đây phía công ty Mỹ cũng không được tiếp cận với sáng chế, công nghệ đang dẫn đầu của Huawei nên kế hoạch sẽ khó khăn hơn.
Theo CNBC, một kịch bản có thể tiếp theo là Mỹ sẽ mua cổ phần kiểm soát của chính đối thủ cạnh tranh của Huawei trong lĩnh vực thiết bị mạng để đối đầu trực tiếp. 2 đối thủ lớn nhất lúc này của hãng được cho là Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan. Tất nhiên, việc mua lại chắc chắn không hề dễ và sẽ tốn rất nhiều thời gian.
Huawei chỉ là một cái tên tiêu biểu trong 275 công ty có trụ sở tại Trung Quốc đang nằm trên danh sách lệnh trừng phạt của Mỹ. Sau khi đã cấm Huawei và yêu cầu TikTok bán mình cho công ty Mỹ, Chính quyền của Trump cũng đang xem xét việc cấm vận hoặc hạn chế SMIC - công ty sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc. Huawei Technology lại chính là khách hàng lớn nhất của SMIC. Nên nếu SMIC tiếp tục bị cấm, Huawei sẽ lại tiếp tục bị ảnh hưởng trong cuộc chiến này.
Sau Huawei, ZTE, TikTok, Wechat,... công ty sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc SMIC đang bị đưa vào "tầm ngắm"
Đánh vào ngành công nghiệp bán dẫn với đại diện là SMIC rất có thể sẽ là một đòn đau tiếp theo Mỹ giáng vào công nghệ Trung Quốc. Trao đổi với CNBC, ông Dan Wang - nhà phân tích công nghệ tại Công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics nhận định: "Nếu không có chất bán dẫn, Trung Quốc không thể trở thành một cường quốc công nghệ thật sự". Chất bán dẫn là thành phần vô cùng quan trọng trong sản xuất điện tử dân dụng. Từ vụ việc của Huawei có thể nhìn ra sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nguồn chip từ nước ngoài.
Kim Chi