Sau khi đạt mức cao kỷ lục, vàng có tiếp tục 'lấp lánh'?
Giá vàng kỳ hạn gần đây được giao dịch ở mức 2.164,5 USD/ounce, còn giá vàng giao ngay đã tăng 9,1% so với một tháng trước. Trong năm qua, giá vàng giao ngay tăng 14%.
Một loạt ngân hàng trung ương tìm mua vàng cũng như căng thẳng địa chính trị, trong đó có xung đột Israel - Hamas. Gần đây, kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ giảm cũng đã giúp thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản “trú ẩn an toàn”.
Một số nhà phân tích dự báo vàng sẽ còn tăng cao hơn nữa trong năm nay, song một số nhà phân tích khác cho rằng giá vàng có thể giảm trong ngắn hạn.
Trả lời Dow Jones Newswires, nhà phân tích cấp cao Ipek Ozkardeskaya tại Swissquote Bank nói rằng Trung Quốc đang tăng cường mua vàng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ và cuộc khủng hoảng tài sản của nước này, và các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi khác cũng đang đa dạng hóa tài sản nắm giữ ngoài đồng USD.
Nhu cầu vật chất về vàng cũng rất lớn. Nhu cầu bán lẻ của Trung Quốc đã phục hồi trong dịp Tết Nguyên đán, với dữ liệu của chính phủ cho thấy doanh số bán vàng và trang sức tăng 24% trong kỳ nghỉ lễ này. Trong khi đó, LBMA, một hiệp hội thương mại quốc tế đại diện cho thị trường vàng miếng, ghi nhận lực mua bán lẻ mạnh mẽ ở Nhật Bản, cũng như ở Ấn Độ.
Nhà phân tích MUFG cho biết các yếu tố trên sẽ đẩy giá vàng lên mức cao mới.
Theo chiến lược gia trưởng thị trường John Reade thuộc Hội đồng Vàng Thế giới, cơ quan thành viên đại diện cho ngành vàng, mặc dù triển vọng cơ bản có vẻ hỗ trợ, nhưng mức tăng lớn của vàng trong vài tuần qua dường như chủ yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố kỹ thuật.
Những mức tăng đó phản ánh sự ủng hộ ngày càng tăng từ các nhà đầu tư có mục đích đầu cơ, nhiều người trong số họ đưa ra quyết định đầu tư dựa trên thuật toán giao dịch. Dữ liệu mới nhất của Comex cho thấy các nhà quản lý tiền tệ đang mua vào vàng mới. Các ngân hàng sau đó cũng hành động tương tự, thậm chí một số ngân hàng đặt cược lớn vào vàng.
Nhà phân tích Ozkardeskaya của Swissquote cho biết, trong điều kiện được điều chỉnh theo lạm phát, giá vàng đang thấp hơn mức đỉnh lịch sử, cho thấy không thể loại trừ khả năng sẽ có một đợt phục hồi tiếp theo. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng sự gia tăng theo cấp số nhân và mức định giá quá cao của tài sản cho thấy giá vẫn dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế vĩ mô và có thể điều chỉnh thấp hơn.
Trong khi đó, theo ING, nhu cầu về các quỹ ETF vàng vật chất vẫn chưa phục hồi do hy vọng cắt giảm lãi suất đã sớm bị đẩy lùi. Tổng lượng vàng do các quỹ ETF nắm giữ đã giảm xuống, và xu hướng này kéo dài sang tháng 2/2024. Điều đó cho thấy bất chấp sự không chắc chắn về việc giá vàng đạt mức cao kỷ lục gần đây và liệu kim loại quý này có được định giá quá cao hay không, thì triển vọng dài hạn vẫn tương đối lạc quan.
Các nhà phân tích của ING Bank dự đoán giá vàng sẽ giao dịch cao hơn trong năm nay do nhu cầu trú ẩn an toàn tiếp tục được hỗ trợ trong bối cảnh bất ổn địa chính trị với các cuộc căng thẳng và xung đột đang diễn ra và cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ.
Ngân hàng trung ương Hà Lan đã nâng dự báo giá vàng trong năm nay và dự đoán giá vàng trong quý IV/2024 sẽ đạt trung bình 2.150 USD/ounce, tăng so với mức trên 2.000 USD/ounce trong dự báo trước đó. Dự báo này dựa trên giả định rằng Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6/2024 và đồng USD suy yếu.