Sau Trung Quốc đến lượt Hàn Quốc cân nhắc gia nhập CPTPP

20:47 | 09/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
CTPPP đã chứng tỏ được sức hút của mình khi lần lượt những nước lớn như Anh, Trung Quốc và gần đây là Hàn Quốc cân nhắc tham gia vào thị trường với tổng GDP chiếm 13% của nền kinh tế toàn cầu này
Tại lễ kỷ niệm Ngày Thương mại lần thứ 57 ngày 8/12, ông Moon Jea-in Tổng thống Moon Jae-in cho biết, nước này đang xem xét gia nhập CPTPP nhằm đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Ông đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường sức mạnh thương mại chuẩn bị cho thời kỳ hậu Covid-19.

Đây là lần đầu tiên ông Moon phát biểu trước công chúng về khả năng Hàn Quốc tham gia CPTPP - Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Ông Moon nhấn mạnh, "vũ khí mạnh nhất" chống lại chủ nghĩa bảo hộ là khả năng cạnh tranh toàn cầu nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng. Ông cũng cam kết thúc đẩy năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất của Hàn Quốc, tập trung vào 3 ngành mới, gồm: y sinh, chất bán dẫn, ôtô công nghệ tương lai. Theo ông, bộ ba này là động cơ mới dẫn dắt xuất khẩu Hàn Quốc trong thời gian tới.
 
Sau Trung Quốc đến lượt Hàn Quốc cân nhắc gia nhập CPTPP - ảnh 1

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Moon Jae-in công khai về khả năng Hàn Quốc gia nhập CPTPP. Tháng trước, Hàn Quốc đã ký một hiệp định thương mại tự do lớn khác là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP).
 

Để tiến tới gia nhập CPTPP, chính phủ Hàn Quốc đã có cuộc họp với các ngành công nghiệp khác nhau cũng như tiến hành các nghiên cứu về lợi ích kinh tế cùng bất lợi, tác động ảnh hưởng của hiệp định đối với thị trường việc làm địa phương và các ngành công nghiệp. Sau một quá trình xem xét kĩ lưỡng, quốc gia này đã đạt kết luận rằng việc gia nhập CPTPP mang lại nhiều lợi ích hơn là hạn chế.


Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng bộ Kinh tế và Tài chính, ông Kim Dong-yeon chia sẻ, Hàn Quốc gia nhập CPTPP sẽ giúp tăng trưởng GDP và tăng cường khả năng cạnh tranh công nghiệp.
 
Sau Trung Quốc đến lượt Hàn Quốc cân nhắc gia nhập CPTPP - ảnh 2
 
Đầu tiên, quốc gia này có thể mong đợi thặng dư thương mại lớn hơn trong lĩnh vực ô tô và hóa dầu nếu tham gia CPTPP, nhất là trong bối cảnh Hoa Kỳ có khả năng tham gia hiệp định trở lại. Cụ thể, trong một hội nghị do Liên đoàn các ngành công nghiệp Hàn Quốc tổ chức, nhà nghiên cứu Jung Jae-won từ Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc (KERI) cho biết thương mại thặng dư có thể tăng 26,5 tỷ đô la.
 
Tuy nhiên, nếu Hàn Quốc tham gia hiệp định mà không có sự góp mặt của Hoa Kỳ, nước này có thể phải đối mặt với khoản cắt giảm 7,9 tỷ đô la trong thặng dư thương mại của mình. Giả sử Mỹ quay trở lại CPTPP, KERI cho hay phân khúc ô tô và vận tải sẽ được hưởng thêm thặng dư 9,5 tỷ đô la. Tiếp theo là ngành công nghiệp hóa dầu với 8,8 tỷ đô la. Khi Hàn Quốc và Hoa Kỳ cùng tham gia CPTPP, hai bên sẽ xây dựng mối quan hệ công nghiệp và thương mại. Có thể thấy, khi “ông lớn” Hoa Kỳ đã đánh tiếng, gia nhập CPTPP cũng là một cơ hội đáng nắm bắt đối với Hàn Quốc, nhất là khi hiệp định đặt ra nhằm mục đích cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, Hàn Quốc cũng phần nào bớt lo ngại đối với các chính sách thuế quan của tổng thống Hoa Kỳ.
 
Thứ hai, Hàn Quốc và Anh cũng đã có buổi gặp mặt vào tháng 10 vừa qua với nội dung duy trì mối quan hệ thương mại giữa hai nước đồng thời thảo luận lợi ích của mỗi nước khi gia nhập CPTPP và đồng ý hợp tác chặt chẽ trong tương lai. Phía Hàn Quốc, ông Kim cũng kêu gọi hỗ trợ từ chính phủ Anh và nhận được hứa hẹn từ phía bộ trưởng thương mại quốc tế Anh, ông Liam Fox.
 
Như vậy, nếu Anh được chấp thuận gia nhập CPTPP, Hàn Quốc sẽ có thêm “bệ đỡ” thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại của đất nước. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng sẽ có cơ hội mở rộng hợp tác, thắt chặt mối quan hệ với các quốc gia thành viên lớn của CPTPP như Canada, Nhật Bản; mở rộng thị trường tới các quốc gia đầy tiềm năng như Việt Nam hay Singapore.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng bộ kinh tế và tài chính, Kim Dong-yeon cho biết sẽ chủ động đối phó với chủ nghĩa bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng bằng cách chủ động tham gia một hiệp định đa phương.
 
Sau Trung Quốc đến lượt Hàn Quốc cân nhắc gia nhập CPTPP - ảnh 3
 Tổng thống Moon Jae-in
 
Một số lượng lớn các quốc gia đang tìm cách thâm nhập vào các hiệp định thương mại đa phương nhằm đảm bảo thương mại tự do không có thuế quan, rào cản. Hàn Quốc không phải là ngoại lệ khi quyết định gia nhập CPTPP. Trong môi trường phát triển không chắc chắn và đầy rủi ro, CPTPP giúp cung cấp môi trường ổn định. Bản thân thỏa thuận cung cấp cơ hội mới đáng kể cho các thành viên tìm kiếm thị trường mới. Điều này sẽ thúc đẩy các đa dạng hóa các danh mục đầu tư, tăng cường hợp tác với các thành viên khác và giảm bớt sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ.
 
Cùng với đó, các nhà phân tích cho rằng mặc dù Hàn Quốc đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước, nhưng tham gia các hiệp định đa phương sẽ là một lựa chọn tốt hơn bởi sẽ giúp thành lập mặt trận thống nhất chống lại chủ nghĩa bảo hộ của Hoa Kỳ và quan trọng hơn, hiệp định đa phương hướng đến tự do thương mại, xóa bỏ thuế quan đem đến lợi ích đáng kể cho các quốc gia thành viên.
 
Dù Hoa Kỳ có quay trở lại hay không, Hàn Quốc vẫn được khuyến khích tham gia hiệp định. Lợi ích về kinh tế cũng như thương mại đạt được khi gia nhập CPTPP là rất rõ ràng và ổn định. CPTPP sẽ là một cơ hội tốt và rất đáng mong chờ đối với Hàn Quốc trong tương lai.
 
CPTPP, tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ban đầu có 12 nước tham gia đàm phán TPP, song Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi đàm phán TPP năm 2017. Hiệp định tiếp tục được 11 nước thành viên còn lại đàm phán, đổi tên thành CPTPP và ký kết năm 2018. Các nước thành viên hiện nay của CPTPP bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. 11 nước thành viên CPTPP chiếm khoảng 13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới.

Nguyễn Dung