Việt Nam xếp thứ hai trong số các quốc gia Nhật Bản muốn đầu tư
Chiều 28/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp và có cuộc làm việc với ông Fujimoto Masayoshi và ông Hyodo Masayuki, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) tham dự Cuộc họp cấp cao khởi động giai đoạn 1 của Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản trong kỷ nguyên mới.
Tham dự cuộc tiếp có đại diện các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực như: JBIC, Japanese Airlines, Sojitz, Anna Holdings, Ad-Sol Nissin, Mitsubishi, IHI...
Tại buổi làm việc, hai đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật – Việt cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất và theo khảo sát của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) trong trung và dài hạn, Việt Nam đang đứng thứ hai trong số các quốc gia mà các doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư nhất.
Các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế Nhật - Việt trên nhiều lĩnh vực, đóng góp vào sự phát triển công nghiệp hỗ trợ, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam, xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu…
Keidanren và các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm việc đồng hành, hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, thúc đẩy thực hiện các dự án trong khuôn khổ Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và sáng kiến Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC) của Nhật Bản.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ với Nhật Bản cũng như hoạt động của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam.
Thời gian qua, Nhật Bản tiếp tục duy trì là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác thứ nhất về cung cấp vốn vay ODA (với tổng vốn ODA đến nay gần 30 tỷ USD), thứ 2 về lao động (hiện có hơn 520.000 người Việt Nam tại Nhật Bản và khoảng 22.000 người Nhật Bản tại Việt Nam), thứ 3 về đầu tư (với 5.304 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 74,4 tỷ USD) và thứ 4 về thương mại (với kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2023 đạt 45 tỷ USD).
Thủ tướng cũng đánh giá cao Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản đã triển khai thành công trong suốt 20 năm qua và hoan nghênh việc triển khai trong kỷ nguyên mới tập trung vào 5 lĩnh vực: Thúc đẩy Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á/chuyển đổi xanh (AZEC/GX); đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số; tăng cường chuỗi cung ứng bao gồm phát triển công nghiệp hỗ trợ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách cơ chế để hoàn thiện môi trường đầu tư. Đây là bước triển khai cụ thể, có ý nghĩa to lớn trong triển khai, cụ thể hóa khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Keidanren và các doanh nghiệp tiếp tục tăng cường kết nối kinh tế giữa hai nước, mở rộng các hoạt động hợp tác đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên.
Các lĩnh vực hợp tác được đề cập như phát triển hạ tầng chiến lược, năng lượng, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp chất lượng cao, khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, công nghiệp bán dẫn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy giao lưu con người, giao lưu văn hóa, hợp tác lao động
Cùng với đó, Thủ tướng cũng mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia kiến nghị chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.
“Chính phủ Việt Nam tiếp tục đồng hành, luôn cầu thị lắng nghe ý kiến, thấu hiểu, chia sẻ với các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển.”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản được khởi xướng từ tháng 4 năm 2003. Trải qua 20 năm, Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản đã hoàn thành 8 giai đoạn với 497/594 hạng mục đã hoàn thành tốt và đúng tiến độ, góp phần đưa nguồn vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam tăng khoảng 20 lần (từ 4 tỷ USD lên 75 tỷ USD).
Trên cơ sở Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên "Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới", hai bên đã nhất trí triển khai Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1, dự kiến được triển khai trong 19 tháng từ tháng 03/2024 đến tháng 10/2025.
Keidanren là liên đoàn kinh tế lớn nhất Nhật Bản, thành viên bao gồm 1.340 doanh nghiệp lớn nhất Nhật Bản, 109 hiệp hội công nghiệp toàn quốc và 47 tổ chức kinh tế tầm khu vực và địa phương. Các tập đoàn lớn như Mitsubishi, Sumitomo, Toyota, Toshiba... đều là thành viên của Keidanren.