Sẽ có hướng đi mới cho điện mặt trời mái nhà
Bộ Công Thương đang nghiên cứu dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà cho giai đoạn tới theo 4 định hướng lớn.
Báo Giao Thông thông tin: Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) Hoàng Tiến Dũng cho biết đơn vị đã xây dựng xong Dự thảo liên quan đến cơ chế giá cho điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) để thay thế cho cơ chế tại Quyết định 13 đã hết hiệu lực từ 31/12/2020 và đang lấy ý kiến để trình Thủ tướng.
Theo đó, dù vẫn duy trì giá cố định nhưng mức dự kiến giảm mạnh, chỉ còn 5,2-5,8 cent/kWh với từng loại công suất dự án (theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg giá mua ĐMTAP là 8,38 UScent/kWh).
Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương
Mức giá của từng dự án sẽ phụ thuộc vào quy mô công suất hệ thống lắp đặt, quy mô càng to giá sẽ càng thấp nhằm khuyến khích hộ gia đình lắp đặt hơn các trang trại, khu nhà công nghiệp, thay vì tất cả các loại hình ĐMTAM đều có một mức giá như trước đây.
"Cơ chế giá mới này hướng đến việc khuyến khích làm ĐMTAM để tự dùng, từ đó cũng hạn chế được việc làm theo phong trào nhằm mục đích bán điện", ông Dũng nói.
Giải thích về việc đưa ra mức giá mới, thấp hơn nhiều so với mức giá cũ, vị này nói: Mức giá được xây dựng trên cơ sở đánh giá về sự thay đổi, phát triển của năng lượng tái tạo, giá thiết bị điện mặt trời ở Việt Nam và trên thế giới theo xu hướng thiết bị công nghệ ngày càng rẻ.
Đơn vị cũng đã tiếp thu ý kiến của các địa phương và các doanh nghiệp để xử lý bất cập và tồn tại trong thời gian vừa qua nhằm tiếp tục khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái theo cơ chế giá bán điện cố định, vừa kiểm soát tình trạng ồ ạt phát triển tại địa phương.
Điện mặt trời áp mái dự kiến giảm mạnh, chỉ còn 5,2 - 5,8 cent/kWh với từng loại công suất dự án.
Dự kiến Dự thảo được trình Chính phủ vào tháng 3 này. Nếu không có gì vướng mắc, đúng quy trình thì sang tháng 4, người dân sẽ được mua ĐMTAP với mức giá mới này.
Riêng đối với các dự án các dự án điện mặt trời nổi, mặt trời mặt đất, ông Dũng cho hay, Bộ Công thương cũng đang hoàn thiện dự thảo cơ chế theo hình thức đấu thầu và dự kiến ban hành trong nửa đầu năm nay.
Tạp chí Công Thương cho biết theo báo cáo từ EVN, tính đến hết ngày 31/12/2020, cả nước đã có 105.996 hệ thống điện mặt trời mái nhà đi vào vận hành, tổng công suất lắp đặt 9.731 MWp (khoảng 7.784 MWac), sản lượng tích lũy ước đạt khoảng 1.337.093 MWh, giảm phát thải khoảng 1.220.766 tấn khí CO2. Không thể phủ nhận, các dự án này đã góp phần bổ sung lượng lớn nguồn điện sạch, tại chỗ, góp phần giải quyết nguy cơ thiếu điện năm 2020, mặt khác giảm phát điện chạy dầu giá cao, huy động tốt nguồn lực của xã hội.
Tuy nhiên, ông Hoàng Tiến Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh kết quả đã đạt được, Bộ Công Thương còn nhận được phản ánh, góp ý của địa phương, doanh nghiệp... liên quan đến tình trạng "lợi dụng cơ chế", "lách luật"...
Để tiếp tục khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, đồng thời hạn chế những vấn đề bất cập này, Bộ Công Thương đang nghiên cứu dự thảo cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà cho giai đoạn tới, theo 4 định hướng lớn:
-Tiếp tục áp dụng cơ chế giá cố định (giá FIT) cho điện mặt trời mái nhà;
-Giá mua điện phụ thuộc vào công suất của hệ thống điện mặt trời mái nhà;
-Quy định tỷ lệ tự dùng điện của người sản xuất/bên bán điện;
-Quy định lắp đặt hệ thống mini-SCADA để vận hành, điều độ từ xa.
Rõ ràng, nếu được đưa vào thực tế, thì các quy định trên sẽ mang tính quyết định để cân bằng lại thị trường điện mặt trời mái nhà thông qua việc phát huy đúng tính chất phân tán và tiêu thụ tại chỗ của loại hình năng lượng này, mà vẫn giảm áp lực lên lưới truyền tải và phân phối, đảm bảo vận hành, điều độ hệ thống điện ổn định.
Nguyễn Triệu