Sẽ có vắc xin COVID-19 dạng nhỏ mắt và xịt mũi cho trẻ em và người có bệnh nền

11:55 | 11/12/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc công ty Nanogen tiết lộ, trong tương lai sẽ cho ra mắt vắc xin COVID-19 dạng nhỏ mắt và xịt mũi dành cho trẻ em và người mắc bệnh nền, không thích hợp với dạng tiêm bắp truyền thống.

Lựa chọn phương pháp nghiên cứu vắc xin

 
Chia sẻ về quá trình nghiên cứu và sản xuất vắc xin COVID-19, ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc công ty Nanogen nhấn mạnh: "Đây là một chặng đường đầy thách thức. Hàng trăm con người đã cùng nhau làm suốt ngày đêm trong 6 tháng vừa qua để đạt được kết quả như hiện tại".

"Bài toán khó" đầu tiên mà ông Nhân và đội ngũ của mình phải giải quyết đó là lựa chọn phương pháp để nghiên cứu và sản xuất vắc xin. Trên thế giới, có 4 phương pháp phổ biến được các nhà sản xuất vắc xin COVID-19 lựa chọn gồm: Công nghệ bất hoạt, công nghệ ARN/ADN, công nghệ virus, công nghệ protein tái tổ hợp.
 
Các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới đang dẫn đầu cuộc đua vắc xin COVID-19 như Moderna hay liên danh Pfizer/BioNTech hiện đang sử dụng công nghệ mARN.
 
Nanogen sẽ sản xuất vắc xin COVID-19 dạng nhỏ mắt và xịt mũi
Ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc công ty Nanogen
 
Còn Nanogen đã cân nhắc các ưu nhược điểm của công nghệ này và nhận định chưa thực sự phù hợp, để áp dụng tại Việt Nam. "Công nghệ mARN hiểu đơn giản là tạo ra một đoạn gen từ gai của virus SARS-CoV-2 sau đó tiêm vào người để tạo ra miễn dịch. Đây là công nghệ vắc xin gián tiếp. Tuy nhiên chúng tôi nhận ra phương pháp này có một số vấn đề, nhất là việc nếu tiêm một đoạn gen quá lớn vào cơ thể con người. Sau này đoạn gen đó phân rã ra và xâm nhập vào tế bào gốc thì sẽ có thể di truyền cho các thế hệ sau", Tổng giám đốc Nanogen phân tích trên báo Dân trí.
 
Sau đó, Nanogen quyết định lựa chọn công nghệ protein tái tổ hợp để tạo ra các gai protein y hệt như của virus SARS-CoV-2. Trong một liều vắc xin sẽ có rất nhiều gai protein và khi tiêm vào cơ thể sẽ tạo miễn dịch trực tiếp.
 
"Có một lợi thế lớn là Nanogen đã sử dụng công nghệ sản xuất vắc xin bằng protein tái tổ hợp trong khoảng 10 năm qua. Do đó, chúng tôi làm chủ hoàn toàn công nghệ, từ đó đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu", ông Nhân nhấn mạnh.

Nhược điểm lớn nhất của công nghệ này chính là vấn đề thời gian. Nhưng đổi lại, ưu điểm lớn nhất của vắc xin protein tái tổ hợp là tạo được đáp ứng miễn dịch tốt, độ an toàn cao, ít tác dụng phụ và có điều kiện bảo quản thuận lợi hơn so với các loại vắc xin khác (bảo quản 2-8 độ C).
 
Nanogen sẽ sản xuất vắc xin COVID-19 dạng nhỏ mắt và xịt mũi
Vắc xin Nanocovax của Công ty Nanogen
 
Để chạy đua với đại dịch, hiện tại Nanogen đang dành ½ cơ sở vật chất để phục vụ cho việc sản xuất vắc xin Nanocovax. "Hiện tại năng lực của Nanogen có thể sản xuất 600.000 liều vắc xin, tương đương với 10-12 triệu liều vắc xin mỗi năm. Công ty hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng quy mô để có thể sản xuất 50-70 triệu liều/năm.
 
Còn về tính an toàn, Tiến sĩ Đỗ Minh Sĩ, Giám đốc Nghiên cứu phát triển, Công ty Nanogen cho hay, với các kết quả thử nghiệm tiền lâm sàng rất khả quan, Nanocovax được kì vọng mang lại hiệu quả bảo vệ sẽ tương đương các sản phẩm khác trên thế giới: Trên 90% người được tiêm có khả năng sinh đáp ứng miễn dịch.

Sẽ có vắc xin COVID-19 dạng nhỏ mắt và xịt mũi

 
Hiện nay Nanogen mới sản xuất vắc xin COVID-19 dạng tiêm bắp tay truyền thống, điều này khiến một số đối tượng nhạy cảm có thể chưa có hội tiếp cận với sản phẩm.

Ông Hồ Nhân cho biết, để đảm bảo 100% người dân có thể được chủng ngừa vắc xin, Nanogen cũng lên kế hoạch sản xuất vắc xin dạng xịt mũi và nhỏ mắt. Hai dòng sản phẩm này sẽ hướng đến nhóm đối tượng không thể tiêm vắc xin như trẻ em và người có bệnh nền.

Chuyên gia này kỳ vọng việc sớm chủng ngừa vắc xin COVID-19 trên diện rộng sẽ đưa cuộc sống của hàng triệu người dân trở lại bình thường. "Nếu không có vắc xin sớm, chúng ta có thể mất thêm nửa năm 2021, thậm chí là năm 2022 vì dịch bệnh", ông Nhân nói.
 
 
Hà Ly