Silicon Valley Bank sụp đổ, trở thành ngân hàng phá sản lớn thứ hai trong lịch sử Mỹ
Theo Financial Times, vào ngày 10/3, Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã thông báo sẽ đóng cửa SVB và người gửi tiền được cơ quan này đảm bảo sẽ có thể tiếp cận tiền của mình chậm nhất vào sáng ngày 13/3.
Với tổng tài sản khoảng 209 tỷ USD, SVB đã trở thành ngân hàng phá sản lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ, chỉ sau vụ sụp đổ của Washington Mutual năm 2008. Chưa đầy 18 tháng trước, SVB từng được định giá hơn 44 tỷ USD.
Quy mô rút tiền tại SVB đã được tiết lộ trong một lệnh của cơ quan quản lý tài chính bang California vào cùng ngày 10/3. Cơ quan này cho biết SVB đã mất khả năng thanh toán và thanh khoản của ngân hàng là không đủ để duy trì hoạt động.
Tờ lệnh trên cũng tiết lộ rằng SVB có “số dư tiền mặt âm” khoảng 958 triệu USD. Nhiều khách hàng của SVB là các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) cũng như các start-up công nghệ và chăm sóc sức khoẻ. Một số có số dư tài khoản tại SVB vượt quá số tiền tối đa được bảo đảm bởi FDIC.
Cơ quan quản lý cho biết các khách hàng thuộc nhóm trên sẽ nhận được khoản thanh toán ban đầu vào tuần tới và phần còn lại sẽ phụ thuộc vào chuyện gì sẽ xảy ra với tài sản của SVB.
Trong quá khứ, cơ quản lý tại Mỹ từng tìm cách hợp nhất những ngân hàng đã phá sản với một tổ chức lớn và ổn định hơn. Ví dụ, Washington Mutual đã được bán cho JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ.
Theo FDIC, họ sẽ sử dụng số tiền thu được từ việc bán SVB để tài trợ cho các khoản thanh toán đến những người gửi tiền lớn hơn. Vào cuối năm 2022, SVB ước tính rằng gần 96% trong tổng số 173,1 tỷ USD tiền gửi của họ đã vượt hoặc không thể được bảo đảm bởi FDIC.
Để dễ hình dung, Financial Times đã so sánh trường hợp của SVB với Bank of America, ngân hàng lớn thứ hai tại Mỹ. Bank of America ước tính khoảng 38% trong số 1.900 tỷ USD tiền gửi của mình không được bảo đảm bởi FDIC.
Trước khi bị buộc phải đóng cửa, SVB đã từ bỏ nỗ lực huy động 2,25 tỷ USD vốn mới để bù lỗ cho danh mục đầu tư trái phiếu. Theo nguồn tin của Financial Times, SVB đã bắt đầu tìm kiếm người mua để giải cứu chính mình.
Trên sàn Nasdaq, cổ phiếu SVB bị tạm dừng giao dịch vào đầu phiên 10/3. Vụ việc của SVB đã ảnh hưởng đến cổ phiếu của một số ngân hàng Mỹ khác được cho là có danh sách người gửi tiền và giao dịch tài chính tương tự.
Giao dịch của ba ngân hàng PacWest, Western Alliance và First Republic đã bị tạm dừng vì biến động mạnh. Vào đầu phiên, cổ phiếu của cả ba giảm mạnh từ 40% đến 50%.
Nhiều ngân hàng khác đã tìm cách trấn an thị trường bằng cách đưa ra tuyên bố, nhấn mạnh sự khác biệt giữa họ và SVB về tài sản và cơ sở người gửi tiền.
Khi thanh khoản chảy vào hệ thống ngân hàng trong giai đoạn đầu của đại dịch, cùng với việc định giá của các công ty tăng trưởng và công nghệ nhảy vọt, tiền gửi tại SVB đã tăng mạnh.
Bảng cân đối kế toán của ngân hàng phình to gần gấp đôi trong năm 2021 và ban lãnh đạo quyết định đầu tư lượng tiền gửi dư thừa vào trái phiếu Kho bạc và các chứng khoán nợ do chính phủ Mỹ phát hành để tăng khả năng sinh lời.
Song, sau khi Fed tăng mạnh lãi suất và bắt đầu hút thanh khoản ra khỏi nền kinh tế để khống chế lạm phát, định giá của các công ty công nghệ sụt giảm và hoạt động VC cũng chững lại, dẫn đến hiện tượng rút tiền ồ ạt khỏi SVB.
Để chi trả cho khách hàng, SVB đã bán toàn bộ danh mục trái phiếu sẵn sàng để bán (available-for-sale bond), dẫn đến khoản lỗ gần 1,8 tỷ USD và buộc phải tìm cách huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu.
Trong một tuyên bố vào ngày 10/3, Bộ Tài chính Mỹ cho biết Bộ trưởng Janet Yellen đã gặp gỡ các quan chức của Fed, FDIC và Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (cơ quan cũng chịu trách nhiệm giám sát ngành ngân hàng) để thảo luận về SVB.
“Bộ trưởng Yellen bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối rằng các cơ quan quản lý ngân hàng sẽ có những hành động phù hợp để đối phó với sự sụp đổ của SVB. Bà lưu ý rằng hệ thống ngân hàng vẫn ổn định và các nhà quản lý có đủ công cụ hiệu quả để giải quyết vụ việc”, tuyên bố có đoạn.
Vụ phá sản của SVB diễn ra hai ngày sau khi Silvergate, một ngân hàng chuyên phục vụ cho lĩnh vực tiền ảo, cho biết họ sẽ tự nguyện ngừng hoạt động sau khi khách hàng rút ra hàng tỷ USD.
Thiệt hại từ vụ việc của SVB có thể lan rộng. SVB là đối tác ngân hàng của một nửa số doanh nghiệp công nghệ và khoa học đời sống mà các công ty VC hậu thuẫn tại Mỹ.
Khách hàng của SVB đã bắt đầu lo sợ hơn về tình hình tài chính của ngân hàng từ ngày 9/3, khi một số start-up bắt đầu rút tiền. Một số nhóm đầu tư mạo hiểm thừa nhận rằng họ đã bắt đầu tư vấn cho đối tác về việc xem xét rút một phần tiền khỏi SVB vào đầu tuần.
“Mối quan hệ kinh doanh 40 năm của SVB với Thung lũng Silicon đã bốc hơi trong 14 giờ đồng hồ”, giám đốc cấp cao tại một quỹ VC trị giá hàng tỷ USD nhận xét.