Trong khi các startup khác tại Việt Nam cần ít nhất 10 năm để chạm mốc kỳ lân thì Sky Mavis với nền tảng blockchain chỉ mất 3 năm.

Đầu tháng 4/20222, Tạp chí Forbes công bố danh sách thường niên những người có khối tài sản hơn 1 tỷ USD trên thế giới và Việt Nam có thêm một cái tên góp mặt trong danh sách năm nay. Đó là một cái tên khá quen thuộc trong làng doanh nhân Việt: ông  Bùi Thành Nhơn, chủ tịch Nova Group.

Ông Nhơn là tỷ phú USD thứ 7 của Việt Nam được Forbes ghi danh, bên cạnh 6 cái tên khác bao gồm ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Đình Long, ông Hồ Hùng Anh, ông Nguyễn Đăng Quang và ông Trần Bá Dương.

Trước đó gần một năm, mạng xã hội xôn xao vì những thông tin cho rằng Việt Nam đã có tỷ phú USD đầu tiên dưới 30 tuổi là ông ông Nguyễn Thành Trung (Trung Nguyễn, sinh năm 1992), nhà sáng lập Sky Mavis. 

Trên thực tế sau khi tính toán thì vào thời điểm tháng 7/2021, giá trị vốn hóa của đồng AXS (đồng tiền ảo do Sky Mavis phát hành) có giá trị hơn 2 tỷ USD trên thị trường, theo thống kê từ CoinMarketCap.

Với việc lượng token mà nhóm sáng lập nắm chỉ là một phần của số tiền đang lưu thông, ông Trung vẫn chưa được coi là tỷ phú USD. Dẫu vậy, sự thành công của AXS và Sky Mavis cũng cho thấy đúng xu thế kinh doanh lên ngôi của các ứng dụng công nghệ, blockchain.

Thành lập năm 2018, Sky Mavis chỉ mất ba năm để có thể trở thành kỳ lân (công ty khởi nghiệp có giá trị vốn hóa vượt mốc 1 tỷ USD). Ba năm là một khoảng thời gian thần tốc nếu so sánh với ba kỳ lân còn lại của Việt Nam như MoMo (11 năm); Vinagame (10 năm) hay VnLife (14 năm).

Ở vòng gọi vốn Series B vào tháng 10 năm ngoái, thông tin từ tờ Information cho biết Sky Mavis đã gọi vốn thành công 150 triệu USD ở mức định giá công ty 3 tỷ USD.

Chia sẻ trên sóng truyền hình ở chương trình "Hành trình cho kỳ lân Việt", Trung Nguyễn cũng chỉ ra sự khác biệt giữa Sky Mavis với các công ty khởi nghiệp công nghệ khác của Việt Nam.

Trung Nguyễn, Nhà sáng lập Sky Mavis.

"Chúng tôi xuất phát điểm khác so với nhiều công ty công nghệ tại Việt Nam. Chúng tôi bắt đầu ở thị trường quốc tế trước. Mặc dù những năm gần đây Việt Nam rất phát triển tuy nhiên xét trên quy mô thế giới thì thị trưởng Việt Nam vẫn nhỏ, nếu bắt đầu từ một ngành công nghệ mới thị trường Việt Nam có thể không đủ để phát triển nên bắt buộc chúng tôi tiến đánh ra thế giới", Nhà sáng lập Axie Infinity chia sẻ.

Nhóm sáng lập Sky Mavis có lý với quyết định này và trên thực tế công ty cũng đã đạt được một số dấu ấn ở các thị trường khác như Philippines trong giai đoạn 2020-2021.

2020-2021 cùng là thời điểm bùng nổ của những nhà sáng lập hoạt động trong lĩnh vực tiền ảo và blockchain khi ngày một nhiều người trở thành tỷ phú USD. Nổi tiếng nhất trong số đó phải kể đến Changpeng Zhao, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Binance với khối tài sản 65 tỷ USD theo thống kê của Forbes. Khối tài sản này được tạo ra phần lớn nhờ việc Binance là sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới.

Trên thực tế, việc phát hành một đồng tiền ảo không hề khó và ngay tại Việt Nam cũng có nhiều đồng tiền điện tử khác ra đời. Điều quan trọng là giữ được niềm tin của những người đang sở hữu rằng những đồng tiền đó có giá trị. Và Sky Mavis đã làm được điều này, ít nhất là cho tới hiện tại, thông qua nền tảng game Axie Infinity.

Trong game này, người chơi sẽ tham gia chiến đấu và dùng đồng AXS giao dịch. Qua đó, nhu cầu của người chơi với đồng AXS sẽ tăng lên và giá trị của đồng tiền ảo cũng tăng theo.

Chuyện một tựa game online tạo ra một đồng tiền riêng và yêu cầu người chơi giao dịch bằng đồng đó không có gì mới lạ. Từ đầu những năm 2000, những dòng game "pay to win" (trả tiền để chiến thắng) đã xuất hiện nhan nhản tại Việt Nam. Nhưng trên thực tế thì những game đó chưa bao giờ xuất hiện được độ phủ rộng tới người dùng để khiến mọi người "phát cuồng" như Axie Infinity.

Khi Sky Mavis vẫn chưa thật sự được nhiều người biết đến, trang thông tin về các công ty khởi nghiệp tại Đông Nam Á TechInAsia đã ví startup này như một "Flappy Bird" thứ hai.

Flappy Bird vốn là một tựa game được sáng tạo bởi Nguyễn Hà Đông, từng một thời tạo nên cơn sốt trên toàn cầu. Thậm chí tới hiện tại, vẫn rất nhiều hình ảnh, video về tựa game này được lan truyền trên internet. 

Mặc dù được đón nhận rộng rãi hơn Sky Mavis ở thời điểm ra mắt, nhưng sau cùng Flappy Bird đã không duy trì được và giúp nhà sáng lập Nguyễn Hà Đông tạo dựng được tên tuổi, ít nhất là ở mặt thương mại nếu đặt cạnh "kỳ lân" Sky Mavis.

Tuy nhiên cũng như các công ty khởi nghiệp công nghệ khác, vấn đề bảo mật vẫn là câu chuyện đau đầu với các nhà sáng lập. Thời điểm cuối tháng 3/2022, cộng đồng người chơi Axie Iniffinity rúng động khi xuất hiện thông tin công ty bị hacker tấn công và lấy đi một lượng tiền kỹ thuật số có giá trị tương đương 600 triệu USD ở thời điểm đó.

Một số nguồn tin từ Bloomberg cho biết các đồng tiền bị lấy trộm đang được chuyển dần vào các dịch vụ xóa dấu vết giao dịch, đồng thời ông Aleksander Leonard Larsen, Giám đốc vận hành Sky Mavis cũng chia sẻ rằng công ty kỳ vọng sẽ mất hai năm để khôi phục một phần số tiền đã mất.

Theo dự kiến, Sky Mavis sẽ bỏ ra 450 triệu USD từ các quỹ của công ty để bù đắp thiệt hại cho người dùng. Đồng thời gần như ngay lập tức, kỳ lân này cũng đã huy động được 150 triệu USD ở vòng đầu tư do Binance dẫn dắt ngay đầu tháng 4 năm nay.

Hiện tại, tiền kỹ thuật số vẫn chưa được công nhận một cách chính thức ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Do đó, để duy trì định giá công ty cũng như giá trị tài sản cá nhân, các nhà sáng lập sẽ phải đau đầu để duy trì giá trị những đồng token mã hoá mà người chơi có thể kiếm được trong game.

Nếu ví cộng đồng người chơi Axie Infinity (hay bất cứ game nào tương tự giao dịch bằng tiền ảo), có thể coi như một quốc gia thì nhóm sáng lập có thể coi như "ngân hàng trung ương", có nhiệm vụ điều tiết nền kinh tế chống lại lạm phát.

Hiện tại, trên thị trường giao dịch token, giá trị của những đồng tiền mã hóa hầu như đều có mức biến động rất cao. Ngoài ra, các đối thủ cạnh tranh cũng sẽ tạo thêm nhiều token khác cạnh tranh. Sự biến động của giá trị các đồng token có thể đưa định giá một startup lên rất nhanh nhưng cũng có thể làm định giá công ty ấy giảm sâu nếu nhóm điều hành không thể duy trì được giá token ở mức ổn định.