SPMB đóng điện công trình nâng khả năng tải ĐZ 220 kV Củ Chi - Trảng Bàng
(DNVN) - Vào ngày 19/07 tại Trạm biến áp (TBA) 220 kV Trảng Bàng, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Nam (SPMB) đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đóng điện đưa vào vận hành công trình nâng khả năng tải đường dây (ĐZ) 220 kV Củ Chi - Trảng Bàng thuộc dự án nâng khả năng tải các ĐZ 220 kV Thốt Nốt - Long Xuyên - Châu Đốc và Củ Chi - Trảng Bàng.
Nhằm tăng cường khả năng cung cấp điện cho các phụ tải của huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) và các tỉnh miền Tây, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư triển khai dự án nâng khả năng tải các ĐZ 220 kV Thốt Nốt - Long Xuyên - Châu Đốc và Củ Chi - Trảng Bàng. Để sớm hoàn thành dự án EVNNPT đã giao SPMB đại diện EVNNPT điều hành quản lý dự án; Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng điện 2 là đơn vị tư vấn thiết kế; Công ty cổ phần điện là đơn vị tư vấn giám sát; Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 là đơn vị thi công; Công ty Truyền tải điện 4 và Công ty Lưới điện cao thế TP HCM là đơn vị tiếp nhận quản lý vận hành khi công trình hoàn thành.
Là 1 phần trong dự án nâng khả năng tải các ĐZ 220 kV Thốt Nốt - Long Xuyên - Châu Đốc và Củ Chi - Trảng Bàng. Dự án nâng khả năng tải của ĐZ 220 kV Củ Chi- Trảng Bàng có quy mô thay thế dây dẫn nhôm lõi thép ACSR400/51 của đường dây 2 mạch 220 kV hiện hữu bằng dây dẫn siêu nhiệt ACCC421, chiều dài khoảng 14,5 km; bổ sung thêm 01 dây chống sét Phlox 94.1 cho đoạn đầu TBA 220 kV Củ Chi, chiều dài khoảng 4 km; thay thế dao cách ly, biến dòng điện, dây dẫn đấu nối giữa các thiết bị, dây dẫn đấu nối đến đường dây, kẹp cực thiết bị, kẹp rẽ nhánh của 02 ngăn lộ đường dây 271 và 272 tại TBA 220 kV Trảng Bàng phù hợp với đường dây 220 kV Củ Chi - Trảng Bàng sau khi nâng khả năng tải. Việc thay dây dẫn nâng khả năng tải của dự án này không làm thay đổi kết cấu cột và hiện trạng hành lang tuyến đường dây.
Việc hoàn thành dự án nâng khả năng tải của ĐZ 220 kV Củ Chi - Trảng Bàng sẽ góp phần rất lớn trong việc giảm tổn thất trên ĐZ 220 kV Củ Chi - Trảng Bàng hiện hữu do đang vận hành đầy tải và quá tải, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội khu vực đồng thời hỗ trợ các đường dây truyền tải trong khu vực nhằm tăng cường tính ổn định, an toàn và tin cậy cho hệ thống điện.