Start-up cần gõ cửa nào để được hỗ trợ khởi nghiệp?

22:03 | 10/12/2017 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong khởi nghiệp, dù công nghệ hay nông nghiệp, việc tìm kiếm và tích lũy nguồn vốn hữu hình lẫn vô hình (mối quan hệ, kiến thức...) luôn là điều quan trọng.

Dưới đây là một số địa chỉ  giúp các start-up tìm kiếm sự hỗ trợ cũng như xây dựng những nguồn vốn cơ bản cho mình trong quá trình khởi nghiệp.

1. Dự án Sáng tạo Khởi nghiệp trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA).

Dự án Sáng tạo Khởi nghiệp được BSA lập ra nhằm hỗ trợ các bạn trẻ thuộc bất kể tỉnh nào trên cả nước có ý tưởng khởi nghiệp, đặc biệt khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với mục đích giúp các bạn phát triển kinh doanh bằng chính những sản phẩm/đặc sản trên chính quê hương mình.

Từ năm 2015, Dự án Sáng tạo Khởi nghiệp đã tổ chức cuộc thi thường niên mang tên "Dự án khởi nghiệp". Đây là một cuộc chơi để các bạn trình bày ý tưởng/dự án của mình trước Ban giám khảo, qua đó nhận ý kiến phản biện; thu hút sự quan tâm của các nhà đầu cá nhân và quan trọng hơn, xây dựng cho mình một mạng lưới quan hệ với những người hoạt động trong cùng lĩnh vực. Đây là một nguồn vốn vô hình mà đôi khi các bạn trẻ không nhận ra.

2. Khu Công nghệ Phần mềm (ITP) thuộc Đại học Quốc gia TPHCM

Đối với lĩnh vực khởi nghiệp nông nghiệp, ITP hỗ trợ cho những dự án ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, không kể là start-up hay doanh nghiệp vừa và nhỏ, miễn là được thành lập trong vòng 3 năm trở lại đây.

Ví dụ bạn có dự án trồng nấm. Dự án của bạn không phù hợp. Nhưng nếu dự án của bạn xây dựng ứng dụng sử dụng công nghệ cảm biến và kết nối internet để kiểm soát quá trình trồng nấm nói riêng và trong các lĩnh vực sản xuất khác nói chúng, bạn hoàn toàn có thể ứng tuyển vào ITP.

Trong 6 tháng đầu, doanh nghiệp được sử dụng miễn phí văn phòng tại khu nhà ITP ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh; 12 tháng tiếp theo lấy phí 11.000 đồng/m2; 12 tháng tiếp theo nữa lấy phí 33.000 đồng/m2.

Ngoài ra, hoạt động tại ITP, các doanh nghiệp có nhiều cơ hội kết nối khách hàng, nhà đầu tư; kết nối nguồn nhân lực chất lượng từ các trường đại học thuộc Đại học Quốc gia; tư vấn về sở hữu trí tuệ; tham dự miễn phí các hội chợ, hội thảo, triển lãm được ITP và các đối tác tổ chức…Hiện ITP đang tuyển sinh cho khóa học iStartX Accelerator 4. Chương trình được tài trợ chi phí bởi UBND TP. Hồ Chí Minh và dành cho tất cả các dự án khởi nghiệp, dù là nông nghiệp công nghệ cao hay nông nghiệp sản xuất truyền thống.

Start-up cần gõ cửa nào để được hỗ trợ khởi nghiệp? - ảnh 1
 Có nhiều cánh cửa start-up có thể tìm đến khi cần hỗ trợ khởi nghiệp. Ảnh minh họa

3. Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC)

Như đúng tên gọi, BSSC hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên và dự án nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao hoặc các dự án tham gia vào chuỗi giá trị nông sản.

BSSC gắn liền với cuộc thi khởi nghiệp thường niên Startup Wheel từ năm 2014.

Ngoài việc quản lý một quỹ cho vay hỗ trợ khởi nghiệp, hiện BSSC còn là đơn vị đại diện điều hành Quỹ Đầu tư khởi nghiệp và Sáng tạo TPHCM (HSIF) với số vốn ban đầu là 30 tỉ đồng và dự kiến có thể lên tới 100 tỉ đồng vào năm 2020.

HSIF khuyến khích các doanh nghiệp có định hướng công nghệ, ví dụ như ứng dụng công nghệ trên nền tảng Mobile; trong nông nghiệp.

Do vậy, nếu bạn tin mình có một dự án nông nghiệp khả thi và có khả năng mở rộng, phát triển tốt, hãy mạnh dạn gõ cửa BSSC tại đây: bssc.vn

4. Quỹ khởi nghiệp Việt Nam - Vietnam Startup Foundation (SVF)

Đầu tiên cần nói rõ rằng SVF là một quỹ tư nhân. SVF hướng đến việc kết nối, đồng hành ươm mầm và phát triển các Dự án khởi nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực Nông Nghiệp.

SVF hoạt động giống như một vườm ươm, tuyển chọn các startups tiềm năng, đào tạo kiến thức và kết nối hơn là đầu tư. Tuy vậy, điều này không loại trừ khả năng đầu tư của SVF vào các startups phù hợp.

Hiện trang web của SVF đang trong quá trình xây dựng. Tuy vậy những thông tin cơ bản để liên lạc đã có tại đây: www.startupfoundation.org.vn

5. Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao

Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao được thành lập theo Quyết định số 4615/QĐ-UBND ngày 05/10/2009 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hình thành và phát triển doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

6. Saigon Innovation Hub (SIHUB)

Được thành lập bởi Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, đơn vị này hướng đến tổ chức kết nối cộng đồng khởi nghiệp tiếp cận được các nhân tố thiết yếu trong kinh doanh, xây dựng TP. Hồ Chí Minh thành thành phố khởi nghiệp.

SIHUB chỉ thực hiện các công việc cần đến nguồn công, tổng hợp, đề xuất, hỗ trợ các nhóm về thủ tục hành chính để tiếp cận nguồn tài chính công, nếu được phê duyệt.

7. Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp và Sáng tạo TP. Hồ Chí Minh (HSIF)

Ra mắt với số vốn ban đầu là 30 tỷ đồng, quỹ được khởi xướng và sáng lập bởi Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh. Quỹ hỗ trợ, đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có định hướng công nghệ như ứng dụng trên mobile, internet, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp... có tiềm năng áp dụng quy mô mở rộng.

Quỹ cũng ưu tiên cho các doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, các sáng chế có tính thực tiễn và có khả năng thương mại hóa cao.

8. Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ phần mềm Quang Trung (QTSC Incubator)

Đi vào hoạt động từ năm 2008, vườn ươm Quang Trung là nơi hỗ trợ, nuôi dưỡng các doanh nghiệp công nghệ thông tin vượt qua những rủi ro, thách thức trong giai đoạn khởi nghiệp.

Các doanh nghiệp này sẽ được cung cấp các tiện ích bao gồm không gian làm việc, tăng cường xúc tiến kinh doanh, hỗ trợ tìm nguồn tài chính đầu tư cho các dự án phát triển...