Start-up Nhật tạo ra mưa sao băng từ vệ tinh
Thành lập năm 2011, ALE Co là đứa con tinh thần của doanh nhân Nhật Bản – Lena Okajima. Ý tưởng về một cơn mưa sao băng nhân tạo nhen nhóm khi Lena còn là sinh viên chuyên ngành Thiên văn học tại Đại học Tokyo trong một lần được tận mắt chiêm ngưỡng mưa sao băng Leonoid vào năm 2001.
Để biến ý tưởng thành hiện thực, cô tiếp tục học tiến sĩ, nghiên cứu sâu hơn về mưa sao băng và sau đó thành lập công ty, phục vụ cho hoạt động phát triển công nghệ.
"Mưa sao băng tự nhiên được tạo ra khi các hạt bụi có kích thước vài milimet đi vào bầu khí quyển của trái đất và bị đốt cháy. Dựa theo nguyên lý này, chúng tôi phát triển hai vệ tinh chứa các hạt sao băng và đưa chúng ra ngoài không gian. Khi vệ tinh đã ổn định trong quỹ đạo của trái đất, chúng sẽ bắn ra những hạt với khả năng bay một vòng bằng 1/3 chu vi trái đất và bị đốt cháy trước khi rơi vào bầu khí quyển", Lena cho biết trên Japan Times.
Công ty đang tiến hành những bước cuối cùng trong quá trình phát triển hai vệ tinh. Theo kế hoạch, vệ tinh đầu tiên sẽ được phóng bằng tên lửa của Cơ quan vũ trụ quốc gia Nhật Bản vào tháng 3/2019. Vệ tinh thứ hai sẽ đi vào không gian nhờ một tên lửa tư nhân vào giữa năm 2019.
Mỗi vệ tinh có thể mang 400 quả cầu nhỏ có chứa một số chất hóa học để thúc đẩy quá trình đốt cháy. Khi bị đẩy khỏi vệ sinh, các quả cầu sẽ phát sáng khi lao vào bầu khí quyển. 400 quả cầu này đủ dùng cho khoảng 20 đến 30 sự kiện riêng biệt. Đại diện công ty khẳng định các vệ tinh có thể hoạt động trong không gian suốt hai năm liên tục.
Giám đốc ALE cho biết: "Chúng tôi hướng đến mục tiêu cung cấp dịch vụ mưa sao băng nhân tạo trên toàn thế giới bởi kho dự trữ sao băng của chúng tôi nằm trong không gian, trên các vệ tinh và chúng có thể được vận chuyển xung quanh trái đất".
Hai vệ tinh của công ty sẽ bắt đầu quay quanh địa cầu vào tháng 2/2020, chuẩn bị tạo ra cơn mưa sao băng đầu tiên trong lịch sử vào mùa xuân năm 2020 tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Người ta có thể điều khiển hai vệ tinh này riêng biệt hoặc song song, chúng sẽ được lên chương trình để đẩy các quả bóng vào vị trí nhất định với một vận tốc đã được định sẵn, tạo ra một chương trình mưa sao băng cho người xem trên mặt đất.
Các thành phần bên trong các quả cầu sao băng cho phép chúng tỏa sáng với nhiều màu khác nhau, mang đến một buổi mưa sao băng nhân tạo đa sắc trên bầu trời đêm. Đại diện của công ty cho biết, mỗi ngôi sao sẽ tỏa sáng trong vài giây, sau đó sẽ bị đốt cháy hoàn toàn trước khi rơi xuống đủ thấp để không gây nguy hại cho bất cứ vật thể nào trên trái đất.
Những cơn mưa sao băng có thể tỏa sáng rực rỡ đủ để người dân sống tại những đô thị bị ô nhiễm ánh sáng như Tokyo cũng có thể chiêm ngưỡng. Nếu mọi việc suôn sẻ, trời quang, sự kiện mưa sao băng nhân tạo đầu tiên do công ty tổ chức tại Hiroshima có thể được theo dõi bởi hàng triệu người. Okajima cho biết lý do công ty chọn Hiroshima là địa điểm đầu tiên để trình diễn mưa sao băng là bởi điều kiện thời tiết lý tưởng, phong cảnh cũng như nền văn hóa độc đáo của thành phố này.
Khách hàng mục tiêu của start-up này là các công viên giải trí, đơn vị tổ chức các sự kiện thể thao hoặc lễ hội lớn. Hiện nay, mức giá cho một cơn mưa sao băng nhân tạo chưa được tiết lộ nhưng công ty này đã cho biết đã chi khoảng 20 triệu USD để phát triển, sản xuất, khởi động và đưa hai vệ tinh đi vào hoạt động.
Giám đốc kỹ thuật Ko Kamachi cho biết: "Công ty cũng đang khám phá tiềm năng sử dụng những vệ tinh sẵn có trong không gian mà hiện nay không được sử dụng, thiết lập quỹ đạo đặc biệt để nó có thể trở thành ngôi sao băng nhân tạo khổng lồ. Ý tưởng này hiện vẫn đang ở bước đầu của giai đoạn nghiên cứu".