Startup giao đồ ăn miễn phí duy nhất tại Việt Nam vừa gọi vốn thành công 12 triệu USD từ Alibaba
Vòng gọi vốn này do BAce Capital và Sun Hung Kai đồng dẫn dắt. Đây là khoản đầu tư đầu tiên của hai đơn vị này vào thị trường Việt Nam. BAce Capital được biết đến như quỹ đầu tư hậu thuẫn bởi Alibaba và Ant Financial của tỷ phú Jack Ma. Trong khi đó, Sun Hung Kai là công ty hàng đầu về đầu tư thay thế của Hong Kong.
Sau vòng gọi vốn này, người sáng lập BAce Capital – Benny Chen sẽ tham gia hội đồng quản trị Loship.
Loship cho biết, nguồn vốn mới sẽ được sử dụng vào mục đích tăng cường sự hiện diện của mình tại các thị trường trọng điểm và mở rộng sang các khu vực mới. Công ty cũng tiết lộ kế hoạch đầu tư vào dịch vụ giao hàng B2B cho các công ty thực phẩm đồ uống nhỏ, cũng như các cửa hàng mẹ và bé.
Loship là ứng dụng giao hàng đầu tiên ở Việt Nam freeship đồ ăn
Trước đó, vào hồi đầu năm nay Loship cũng đa công bố khoản đầu tư từ nhóm nhà đầu tư do MetaPlanet Holdings của người đồng sáng lập Skype (Jaan Tallinn) dẫn đầu.
Công ty cho biết đang tiếp tục đàm phán cho vòng gọi vốn C, dự kiến hoàn thành cuối năm nay.
Trong giai đoạn dịch COVID-19 đang hoành hành trên khắp thế giới, Loship trở thành một trong số ít các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam và Đông Nam Á liên tiếp huy động vốn thành công.
Loship khởi nguồn từ Lozi, ứng dụng giúp người dùng tìm kiếm những địa điểm, nhà hàng ăn uống. Năm 2017, Lozi chuyển đổi mô hình thành startup giao đồ ăn và thương mại điện tử giao hàng trong một giờ. Nền tảng Loship phục vụ mọi nhu cầu giao vận từ di chuyển đến giao nhận thức ăn, thực phẩm, nhu yếu phẩm, vận chuyển hàng hóa...
Điểm mạnh của Loship là thời gian giao hàng nhanh (cam kết trong một giờ), miễn phí ship đối với đồ ăn và thường xuyên có chương trình giảm giá.
Hiện nay, Loship có hơn 70.000 tài xế và 200.000 đối tác cửa hàng phục vụ gần hai triệu khách tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ. Và là 1 trong 5 ứng dụng đặt và giao đồ ăn online phổ biến nhất tại Việt Nam.
Xuất hiện ở Việt Nam vào lúc đã có khá nhiều đối thủ là các ông lớn của nước ngoài "tung hoành" mạnh mẽ. Nhưng startup thuần Việt này đã có những bước đi chắc chắn và dần chứng minh vị thế của mình trên thị trường giao đồ ăn Việt Nam.
Freeship được xem chính là chính sách hấp dẫn của Loship đang sử dụng để hỗ trợ đối tác khi mở cửa hàng trên App này. Thông thường một đơn hàng có khoảng cách 7km, mức phí ship tầm 30.000 – 40.000 đồng, nhưng với Loship mức phí này là 0 đồng. Hợp tác với Loship, khách hàng của cửa hàng sẽ không phải lo lắng về tiền ship, từ đó giúp tăng thêm số đơn hàng trực tuyến cho quán một cách đáng kể.
Trả lời trên báo VnExpress, ông Nguyễn Hoàng Trung, CEO Loship cho biết, đích đến của doanh nghiệp là trở thành công ty thương mại điện tử giao hàng trong một giờ hàng đầu cả nước.
Tại Việt Nam việc mua hàng trực tiếp trên ứng dụng giao hàng và được giao trong một giờ còn chưa được phổ biến, tuy nhiên ở trên thế giới mô hình này lại đang phát triển với nhiều công ty như DoorDash, Gopuff tại Mỹ, Meituan Dianping, DingDong tại Trung Quốc.
“Mục tiêu của Loship là khách hàng không chỉ ngồi tại nhà mua đồ ăn được giao liền, mà còn cả bó rau, con cá, mỹ phẩm hay sạc pin điện thoại...” CEO Loship nói.
Theo ông Trung, khoản đầu tư mới sẽ giúp Loship cải thiện chất lượng dịch vụ, đẩy nhanh tốc độ giao hàng và nắm bắt các cơ hội mở rộng thị trường. Ông cũng xác định, COVID-19 là cơ hội phát triển khi nhu cầu đi chợ và giao hàng tăng vọt. Loship đặt mục tiêu từ đây đến cuối năm sẽ có mặt tại ít nhất 10 thành phố và muốn trong vòng hai năm tới, 10% dân số Việt Nam sẽ sử dụng ứng dụng này hàng tháng.
Nói về thách thức, ông Trung thừa nhận, có nhiều thách thức phía trước như chất lượng giao hàng, cải thiện cuộc sống của shipper và bổ sung nguồn lực quản trị. Trở ngại nhất vẫn là rào cản gia nhập thị trường không quá lớn, dẫn đến việc trong tương lai có thể xuất hiện nhiều công ty với tiềm lực lớn hơn gia nhập vào thị trường, nhất là các nền tảng thương mại điện tử. Điều này khiến Loship cần nhiều vốn hơn để bảo vệ thị phần và lôi kéo người dùng mới.
"Những chiến lược đều có thể dễ dàng sao chép và cách duy nhất để chúng tôi giải quyết vấn đề này là phải thực dụng, đi nhanh hơn đối thủ", ông Trung nói.
H.A
Xem thêm: Loship nhận được khoản đầu tư từ nhà đồng sáng lập phần mềm Skype