Trong những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Những năm qua, cùng với sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đội ngũ doanh nhân nước ta đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo. Ðội ngũ doanh nhân trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước ngày một trưởng thành, chất lượng được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

Ðội ngũ doanh nhân trong khu vực ngoài Nhà nước ngày càng đông đảo, thể hiện tính năng động, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ðội ngũ doanh nhân đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao được uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Nhiều doanh nhân đã tích cực tham gia các chương trình xã hội, chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, gắn bó hơn với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuy nhiên, trong gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp đang bị tác động rất lớn, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ khiến đội ngũ doanh nhân gặp phải không ít khó khăn.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và Bộ, ngành, địa phương, ngày 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, sát thực tế, thể hiện đồng lòng, quyết tâm cao giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, doanh nghiệp và nỗ lực, quyết tâm  khắc phục mọi khó khăn để phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tưởng khẳng định, Đảng, Nhà nước quan tâm, thấu hiểu và chia sẻ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ cũng chủ động ban hành các nghị quyết, các chính sách thuộc thẩm quyền để giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp. Đây là thời điểm khó khăn đối với doanh nghiệp, nhưng không vì thế đánh mất lạc quan, bản lĩnh, niềm tin chiến thắng, mà phải xác định càng khó khăn, càng phức tạp, càng phải giữ bản lĩnh, phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến, trí tuệ tập thể, sự đoàn kết của toàn dân để chống dịch và sản xuất. Chúng ta khẳng định, mỗi người dân khỏe mạnh, mỗi doanh nghiệp khỏe mạnh thì đất nước khỏe mạnh.

Chính phủ đang nỗ lực, làm hết sức có thể, cân đối vĩ mô hợp lý, hài hòa, phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước. Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Phó Thủ tướng, các Bộ, ngành, địa phương, đồng thời tiếp tục thực hiện phân quyền, phân cấp, gắn với trách nhiệm người đứng đầu và thực hiện kiểm tra, giám sát. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ luôn thể hiện tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức; xem doanh nghiệp và người dân là chủ thể để phục vụ... Đây là thử thách rất lớn nhưng Thủ tướng tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp sẽ vượt qua thử thách này với 4 yếu tố "tâm, tài, trí, tín". Kinh tế có thể khó khăn nhưng niềm tin trong xã hội sẽ được củng cố. Mỗi địa phương, nhà máy là pháo đài chống dịch; mỗi người dân, công nhân là chiến sĩ xung kích trên mặt trận chống dịch, đất nước ta sẽ chiến thắng đại dịch, vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.

Phát biểu tại hội nghị Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, ngày 2/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trong những tháng cuối năm 2021, cần phải khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp hơn với thực tế tình hình hiện nay và có tính khả thi cao để tiếp tục tập trung ưu tiên phòng, chống dịch bệnh và khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuyệt đối bình tĩnh, tỉnh táo, không được lơ là, chủ quan, nóng vội, phấn đấu kiểm soát về cơ bản được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc trong thời gian sớm nhất có thể để khôi phục, phát triển Kinh tế - Xã hội.

Tập trung ưu tiên triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, có hiệu quả cho nhân dân, người lao động và doanh nghiệp, nâng cao sức chống chịu, vượt qua khó khăn, thách thức, ổn định đời sống và phục hồi sản xuất kinh doanh. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch và phát triển Kinh tế - Xã hội...

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dự báo, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Thế giới khó có thể kiểm soát dịch bệnh một cách tuyệt đối. Do đó, cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng, chống, "thích ứng an toàn, linh hoạt", hoặc "sống chung" với dịch bệnh.

Vì vậy, Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đúc rút được thời gian qua, cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp đưa vào Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội, Tài chính-Ngân sách Nhà nước, đầu tư công năm 2022 sao cho sát hợp, khả thi nhất có thể.

Trên cơ sở Kế hoạch Kinh tế - Xã hội năm 2022 và chủ trương, định hướng phòng, chống dịch trong tình hình mới, kịp thời điều chỉnh chính sách tài chính-tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá, lao động, nhất là ở các địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân.

Tập trung ưu tiên bổ sung, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, xử lý có hiệu quả các vấn đề tồn đọng, các nút thắt và điểm nghẽn cho đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp đang bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19, như thương mại, dịch vụ, hàng không, du lịch... để thích ứng với trạng thái bình thường mới, tạo nền tảng cho giai đoạn phục hồi các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp này từ năm 2022 trở đi.

Có giải pháp bảo vệ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế, cũng như tránh sự đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế lớn (cả Nhà nước và tư nhân), có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế. Không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới, cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn, trọng điểm quốc gia. Sớm nghiên cứu, xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ "hậu Covid-19", các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhắn nhủ như vậy trong buổi tiếp xúc cử tri đầu tiên đối với cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM theo hình thức trực tuyến vào sáng 2/10. Chủ tịch nước đặc biệt biểu dương doanh nhân Việt Nam và doanh nhân TP.HCM dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn nỗ lực, chung sức đồng lòng cùng chính quyền chống dịch, hỗ trợ tài lực, vật lực, nhân lực cho tuyến đầu chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội. Nhiều doanh nghiệp đã triển khai các chương trình thiện nguyện, chia sẻ khó khăn với người lao động, nhường cơm sẻ áo với người cơ cực. Nhiều hình ảnh cảm động, lăn xả của nhiều doanh nhân trong lúc mọi người vật lộn với Covid-19 những tháng vừa qua.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp gặp khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao nhưng đã cố gắng sản xuất, giữ sản xuất, giữ người lao động, tạm thời có công ăn việc làm, giải quyết đời sống cho người lao động. Nhiều hình ảnh rất đáng được trân trọng của doanh nhân TP.HCM. Những nỗ lực của doanh nghiệp, doanh nhân là rất kiên cường, rất đáng được trân trọng và phát huy.

"Những khó khăn hiện nay là tạm thời. Tương lai còn nhiều thách thức nhưng ánh sáng đã xuất hiện. Giai đoạn cuối đường hầm này, nhiều cơ hội kinh tế đã mở ra, không chỉ bù đắp lại những mất mát đã qua mà còn là cơ hội lớn để phát triển thời gian tới”, Chủ tịch nước nhận định.

Chủ tịch nước mong muốn các cấp của TP.HCM, đặc biệt là các ngành của Trung ương và Đoàn ĐBQH cùng lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chủ tịch nước tin tưởng rằng với truyền thống của TP.HCM, nhất định trong quý 4/2021 và đặc biệt là năm 2022, sự khởi sắc của TP.HCM sẽ trở lại với sự góp mạnh mẽ của doanh nghiệp, doanh nhân TP.HCM.

“Tôi xin lắng nghe các doanh nhân”, Chủ tịch nước nhắn nhủ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam luôn là lực lượng xung kích và đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Đảng ta luôn coi trọng vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.

Cách đây 10 năm, ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Bộ Chính trị đang yêu cầu các cơ quan tổng kết Nghị quyết này, để từ đó có thể ban hành nghị quyết mới, hoặc kết luận để tiếp tục thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới người dân và doanh nghiệp. Các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các đoàn thể chia sẻ khó khăn của người dân và doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp lớn, có không ít doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường.

“Trong lúc khó khăn, rất cần bản lĩnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, cần có niềm tin vào các yếu tố vĩ mô; các khó khăn chỉ là tạm thời. Với truyền thống đoàn kết của nhân dân, doanh nghiệp ta sẽ vượt khó khăn, phát triển hơn trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Phó GS.TS Nguyễn Trọng Điều - Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cũng gửi lời chúc đến Doanh nhân trong cả nước và Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài.

Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam đánh giá cao, trân trọng, ngưỡng mộ và cảm ơn những đóng góp hết sức quan trọng của đội ngũ Doanh nhân nước nhà, cả trong nước và cộng đồng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài, đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua. Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cũng xin bày tỏ đồng cảm, chia sẻ với những tổn thất, khó khăn to lớn mà Doanh nhân, doanh nghiệp của chúng ta đã phải gánh chịu do ảnh hưởng của đại dịch gây nên.

Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Khoá XIII của Đảng vừa bế mạc thành công tốt đẹp, trong đó có những quyết nghị hết sức quan trọng về phát triển kinh tế xã hội đã tiếp thêm cho chúng ta những nhận thức sâu sắc trong việc đánh giá khó khăn, thuận lợi; chủ động nắm bắt thời cơ và cả những giải pháp lớn với động lực, niềm tin mãnh liệt để chúng ta nỗ lực đầu tư, sản xuất, kinh doanh thành công trong điều kiện bình thường mới. Sắp tới tình hình dịch bệnh, thiên tai trên thế giới và ở nước ta có thể còn diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình sản xuất kinh doanh có thể còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách gay gắt hơn nữa.

"Với bản lĩnh, trí tuệ, tài năng được tôi rèn cùng những bài học kinh nghiệm quý giá đã tích luỹ được, đặc biệt với sự quyết liệt vào cuộc của Đảng, Nhà nước trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất định đội ngũ Doanh nhân Việt Nam sẽ tiếp tục vượt qua mọi thách thức, tiếp tục vươn lên thành công và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" - Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam.

 

Sáng ngày 12/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10). 

Sau khi lắng nghe các ý kiến tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự động viên, tin tưởng của các doanh nghiệp, doanh nhân với Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

“Trước điều này, chúng tôi càng thấy trách nhiệm, nghĩa vụ của mình nhiều hơn với đất nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể. Doanh nghiệp là trung tâm thì mọi chính sách hướng tới doanh nghiệp; doanh nghiệp là chủ thể thì doanh nghiệp đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ thực hiện các chính sách, phát hiện các vấn đề vướng mắc, tồn đọng trong chính sách để cùng chung tay tháo gỡ trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa các chủ thể nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, càng trân trọng những đóng góp của người dân và doanh nghiệp bao nhiêu thì càng thấy trách nhiệm của mình”.

 

Bài viết: Phạm Giang

Thiết kế: Hải An