Sự trở lại của dòng sản phẩm "Affordable Housing"

Nguyên Ngọc 10:49 | 20/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau thời kỳ gom mua quỹ đất để tích sản, đua nhau làm bất động sản cao cấp, du lịch, nghỉ dưỡng,… đến độ mất thanh khoản khi bối cảnh kinh tế khó khăn, các nhà phát triển bất động sản (BĐS) bắt đầu tập trung dòng tiền vào phân khúc nhà ở thực.

Nếu như cách đây một vài năm, bản kế hoạch kinh doanh của các nhà phát triển luôn đề cập đến mục tiêu quỹ đất đạt được đến năm 2025, thậm chí đến năm 2030 thì trước mắt trong năm nay, mục tiêu số 1 của các doanh nghiệp là ổn định dòng tiền và có thể tồn tại. Dòng vốn nếu huy động được sẽ ưu tiên phát triển các dự án có khả năng được thị trường hấp thụ nhanh - “affordable housing”.

“Affordable housing” được Nam Long định nghĩa là nhà ở vừa túi tiền cho nhiều phân khúc khách hàng có nhu cầu ở thực khác nhau, có thể 500-700 triệu đồng/căn nhà ở xã hội (tùy vị trí); 1-1,5 tỷ đồng/ căn chung cư; 1,5-3 tỷ đồng/căn đối với chung cư cao cấp hơn; trên 3 tỷ đồng/căn đối với nhà phố; trên 10 tỷ/căn đối với biệt thự đơn lập;… Affordable housing không đồng nghĩa với nhà giá rẻ.

Theo chia sẻ của ông Phạm Đình Huy, Giám đốc Đầu tư CTCP Đầu tư Nam Long, với bối cảnh thị trường trì trệ trong những tháng đầu năm thì ai cũng nghĩ khách hàng không có tiền để mua nhà hoặc có tiền nhưng không muốn đóng theo tiến độ để được nhận bàn giao như kế hoạch. Song, thực tế cho thấy khách hàng của Nam Long đóng nhanh hơn và nhiều hơn những gì doanh nghiệp dự kiến. Điều này minh chứng cho sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực vẫn được hấp thụ tốt ngay trong thời điểm hết sức khó khăn.

Các khu đô thị tích hợp do Nam Long phát triển được quy hoạch gồm nhiều loại hình sản phẩm khác nhau như shophouse, nhà phố,… tương ứng với nhiều giá bán khác nhau. Nam Long đã tiến hành lọc lại danh mục sản phẩm sẵn sàng bán ra thị trường, tạm giữ lại những sản phẩm có giá trị cao với vài chục tỷ đồng mỗi sản phẩm để tập trung bán dòng “affordable housing”.

“Affordable housing là sở trường của Nam Long. Chúng tôi đã chuẩn bị từ những thập niên 90 với dòng sản phẩm Ehome, EhomeS, Flora, Valora đều hướng đến người có nhu cầu ở thực. Tôi cho rằng chiến lược mà Nam Long kiên định cho đến ngày hôm nay đã phát huy tác dụng. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến lược này cho năm nay và những năm kế tiếp”, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Nam Long chia sẻ với cổ đông.

Đối với phân khúc nhà ở xã hội, Nam Long cam kết xây dựng 20.000 căn theo đề án của Chính phủ tại những địa phương doanh nghiệp đang triển khai dự án như Hải Phòng, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An,… Mục tiêu của doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở những lô, những block nhà ở xã hội mà phát triển thành những khu đô thị tích hợp dành cho nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền.

 Nhiều chủ đầu tư bắt đầu tập trung vốn kinh doanh cho dự án bất động sản đáp ứng nhu cầu ở thực.

Không riêng Nam Long, môi trường kinh doanh thay đổi cũng đang tác động đến chiến lược đầu tư của nhiều doanh nghiệp bất động sản trong ngành. Trong kế hoạch phát triển năm nay, ban lãnh đạo CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, Mã: SCR) cho biết doanh nghiệp không tập trung vào mục tiêu lợi nhuận mà thực hiện 3 trọng tâm: (1) Hoàn chỉnh pháp lý dự án; (2) ổn định thanh khoản và tái cấu trúc nguồn vốn; (3) định hình các sản phẩm tương thích với nhu cầu thị trường và tài chính khách hàng trong tình hình mới.

Ông Võ Quốc Khánh, Tổng Giám đốc TTC Land chia sẻ, từ trước đến nay công ty luôn tập trung vào mục tiêu phát triển nhà ở cho khách hàng. Việc dự án bị trì hoãn kéo dài do tắc nghẽn pháp lý đã đội thêm chi phí, câu chuyện về hiệu quả gần như ngấp nghé ở điểm xuất phát.

“Tính đến hiện tại, TTC Land có 4 dự án đang trong tiến trình triển khai và chờ đợi những quyết định cuối cùng về pháp lý để có thể cung ứng sản phẩm ra thị trường. Chúng tôi đang đánh giá lại mức giá đầu ra để làm sao phù hợp với cả giá vốn và năng lực chi trả của người mua", Tổng Giám đốc TTC Land thông tin.

CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Mã: KDH) cũng cho biết năm nay doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh kinh doanh các sản phẩm còn lại của dự án The Classia (176 căn nhà liên kế sân vườn tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức) và đưa vào kinh doanh dự án The Privia (quận Bình Tân). Đây là các sản phẩm bất động sản mà Khang Điền đánh giá phù hợp với phân khúc khách hàng là gia đình trẻ. Song song đó, Khang Điền tiếp tục triển khai các dự án Clarita và Emeria ở khu Đông TP Hồ Chí Minh.

Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Khang Điền, tình hình bán hàng tại dự án The Classia tiếp tục khả quan trong những tháng đầu năm nay với giao dịch thành công khoảng 50 sản phẩm, nâng tỷ lệ bán hàng tính đến hiện tại lên khoảng 80%.

Các dự án nhà ở nằm trong kế hoạch triển khai dần được các chủ đầu tư chú ý quy hoạch, phát triển thành khu đô thị tích hợp đa dạng tiện ích.

Thống kê của Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) và các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, từ năm 2019, nguồn cung nhà ở tại các thành phố lớn thiếu sản phẩm có giá thành phù hợp với nhu cầu của đa số người dân, thay vào đó là sự gia nhập ngày càng nhiều của các dự án hạng sang, có giá đắt đỏ.

Bài toán về nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người mua trở thành một vấn đề lớn của đô thị đông dân như TP HCM trong những năm gần đây. Giá sơ cấp của thị trường căn hộ ở TP HCM đã đạt mốc trung bình 124 triệu đồng/m2 vào quý III/2022, theo ghi nhận của Savills Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên thị trường căn hộ TP HCM chứng kiến đến 60% nguồn cung mới có giá hơn 11 tỷ đồng/căn với giá mở bán trung bình 124 triệu đồng/m2.

Bộ Xây dựng cho biết trong năm 2022, dự án căn hộ có giá dưới 25 triệu đồng/m2 tại TP HCM và Hà Nội rất ít. Các sản phẩm được chào bán ra thị trường trong năm chủ yếu thuộc phân khúc trung cấp (25-50 triệu đồng/m2) và cao cấp (trên 50 triệu đồng/m2), thậm chí có một dự án tại TP HCM ghi nhận giá chào bán 105-221 triệu đồng/m2.

Cũng theo Bộ Xây dựng, hiện nay lượng tồn kho bất động sản hầu như chỉ có ở phân khúc căn hộ, nhà ở cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.