Sự trỗi dậy lịch sử của chứng khoán châu Âu

Giao dịch viên tại sàn chứng khoán ở Frankfurt, Đức. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu đã vượt chỉ số tổng hợp S&P 500 của Mỹ gần 17 điểm phần trăm trong quý I/2025 tính theo giá trị USD - một sự vượt trội kỷ lục. Đà phục hồi này là một bất ngờ giữa những kỳ vọng rằng chương trình nghị sự "Nước Mỹ trước tiên" của Tổng thống Trump sẽ gây ra điều ngược lại.
Sự trỗi dậy của chứng khoán châu Âu được thúc đẩy bởi mức định giá hấp dẫn của các cổ phiếu khu vực sau nhiều năm bị đánh giá thấp, cùng với kế hoạch tài chính mở rộng của Đức.
Số liệu từ công ty theo dõi thị trường EPFR Global cho hay dòng vốn đổ vào các quỹ cổ phiếu khu vực châu Âu đã đạt 21 tỷ USD tính đến giữa tháng 3/2025. Đức là điểm sáng của khu vực, với chỉ số DAX của nước này đã tăng 13% từ đầu năm tới nay.
Đồng euro cũng được hưởng lợi và đang quanh mức 1,10 USD đổi 1 euro. Điều này trái ngược hẳn với tháng Hai, khi đồng euro suy yếu và gần chạm mức ngang giá so với đồng bạc xanh. Hiện nay, các nhà đầu tư đang điều chỉnh danh mục để đón đầu khả năng đồng euro sẽ mạnh lên đáng kể trong trung hạn. Chuyên gia Ales Koutny của Vanguard International dự đoán đồng euro có thể đạt 1,20 USD vào cuối năm.
Ông Jean Boivin, người đứng đầu viện nghiên cứu BlackRock Investment Institute dự báo chứng khoán châu Âu sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư trong 3-6 tháng tới.
Mặc dù vậy, tồn tại những rủi ro - đặc biệt từ chính sách của Tổng thống Trump, dù đến nay thị trường Mỹ vẫn là bên chịu phần lớn tác động tiêu cực.
Trong bối cảnh nhiều phức tạp đó, châu Âu không chỉ nổi lên như một lựa chọn thay thế hấp dẫn với định giá thấp, mà còn phần lớn chống chịu được áp lực từ sự suy yếu của thị trường Mỹ. Đây là một minh chứng hiếm hoi cho sức mạnh nội tại của khu vực.
Tuy nhiên, sự phục hồi của chứng khoán châu Âu chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định như quốc phòng, vật liệu xây dựng, thiết bị điện, tiện ích và công nghiệp - hầu hết liên quan đến những dự án hiện đại hóa và nỗ lực tái thiết tiềm năng ở Ukraine. Trong khi đó, các trụ cột của chứng khoán châu Âu, như ngành sản xuất ô tô và chăm sóc sức khỏe, đang hoạt động kém hiệu quả so với thị trường chung.
Bà Ariane Hayate, một nhà quản lý quỹ tại tổ chức tài chính Edmond de Rothschild Asset Management, cảnh báo sự tăng trưởng của nhóm cổ phiếu lĩnh vực xây dựng và vật liệu của châu Âu có thể chỉ là ngắn hạn.
Để thu hút đầu tư dài hạn, châu Âu cần một chính sách tài khóa thống nhất. Ông Jean Boivin của BlackRock lo ngại nếu 2-5% dòng vốn toàn cầu chuyển khỏi Mỹ, thị trường vốn châu Âu chưa đủ sâu để hấp thụ được dòng tiền này.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại leo thang có thể gây ra nhiều biến động khác. Và triển vọng của kinh tế Trung Quốc - vốn rất quan trọng đối với các nhà xuất khẩu của châu Âu - vẫn chưa rõ ràng.
Về tổng thể, tâm lý lạc quan về thị trường chứng khoán châu Âu đang tăng mạnh và có cơ sở, nhưng nhà đầu tư cần đánh giá kỹ lưỡng tình hình để tránh kỳ vọng quá mức.