Tác động từ chính sách của ông Donald Trump Việt Nam cần ứng phó ra sao?

TS. Hà Thị Cẩm Vân (Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh tế, Đại học RMIT Việt Nam) 15:34 | 18/01/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Tiến sĩ Hà Thị Cẩm Vân, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh tế, Đại học RMIT Việt Nam, các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam cần lường trước những tác động tiêu cực có thể nảy sinh từ chính sách kinh tế của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ sắp tới nhằm đưa ra kế hoạch ứng phó linh động.

Tác động đa chiều của chính sách thuế

Chính sách thuế của Mỹ, đặc biệt nếu các đề xuất tăng thuế nhập khẩu của ông Trump được áp dụng toàn diện, có thể gây ra những tác động sâu rộng lên kinh tế Việt Nam thông qua cán cân thương mại, tỷ giá hối đoái, chuỗi cung ứng và FDI.

Tác động lên cán cân thương mại: Với việc Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, các ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may và da giày sẽ chịu áp lực lớn từ chính sách tăng thuế.

Tàu quốc tế cập cảng Chu Lai, mở tuyến hàng hải trực tiếp đến Mỹ (Ảnh: THACO).

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, khi nhiều nhà sản xuất toàn cầu chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế quan của Mỹ. Điều này đã giúp Việt Nam đạt được thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico. Mặc dù Đông Nam Á nói chung đã hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhưng không quốc gia nào thành công như Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nhờ vị trí gần Trung Quốc và các chính sách thân thiện với doanh nghiệp. Mối quan hệ Mỹ-Việt cũng được củng cố trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, với việc nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện.

 

Tuy nhiên, thành công này cũng đặt Việt Nam vào vị trí dễ bị tổn thương, khi nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào Mỹ, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ông Trump đã đe dọa áp thuế lên đến 20% đối với hàng hóa từ tất cả các nước, điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Việt Nam với thặng dư thương mại lên tới 95,4 tỷ USD với Hoa Kỳ trong 11 tháng đầu năm 2024 (tăng 26,7% so với năm 2023), đang trở thành mục tiêu tiềm năng trong chính sách thuế của chính quyền Trump. Việt Nam hiện là nơi sản xuất lớn của các công ty Mỹ như Apple, Google, Nike và Intel, và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính sách thương mại của chính quyền Trump nhiệm kì 2 nhấn mạnh vai trò của thuế quan trong việc giảm thâm hụt thương mại và thúc đẩy sản xuất nội địa Mỹ. Nếu chính quyền Trump coi Việt Nam như là nơi các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường sản xuất và xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, thì Việt Nam sẽ là mục tiêu ngay sau Trung Quốc trong chiến lược thương mại nhiệm kỳ Trump 2.0, đẩy thuế nhập khẩu các mặt hàng “made in Vietnam” vào Mỹ tăng cao.

Ngoài ra, ông Trump cũng đe dọa sẽ áp thuế suất lên đến 20% trên tất cả các hang hóa nhập khẩu vào Mỹ. Thuế suất cao làm tăng giá bán hàng hóa từ Việt Nam, giảm sức cạnh tranh tại thị trường Mỹ và khả năng duy trì thị phần. Kết quả là kim ngạch xuất khẩu giảm, có nguy cơ dẫn đến thâm hụt hoặc suy giảm thặng dư cán cân thương mại.

Ông Trump đã đe dọa áp thuế lên đến 20% đối với hàng hóa từ tất cả các nước, điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam (Ảnh: Sputnik).

Tác động lên tỷ giá hối đoái: Sự sụt giảm xuất khẩu đồng nghĩa với việc nguồn cung USD vào Việt Nam giảm, tạo áp lực lên tỷ giá hối đoái. Đồng VND có thể mất giá, khiến các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu và máy móc đối mặt với chi phí cao hơn. Điều này làm tăng chi phí sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến lợi nhuận và giá cả tiêu dùng.

Tác động đến chuỗi cung ứng: Việc Trump đề xuất áp thuế toàn diện lên hàng nhập khẩu sẽ làm tăng chi phí hàng hóa Việt Nam tại Mỹ, khiến các ngành xuất khẩu lớn như điện tử, may mặc, và da giày mất lợi thế cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt Nam, vốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể gặp khó khăn trong việc duy trì hợp đồng và thị trường.

Tác động lên dòng vốn FDI: Ngoài ra, dòng vốn FDI cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn toàn cầu và chính sách bảo hộ của Mỹ. Các doanh nghiệp FDI, trong đó điển hình là các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng lo ngại về khả năng áp thuế từ chính quyền Trump mới. Nếu Washington áp thuế lên hàng hóa Việt Nam, các công ty từ Hàn Quốc, Trung Quốc… có thể trì hoãn hoặc giảm đầu tư và sản xuất tại Việt Nam vì lợi thế thuế nhập khẩu thấp cho các mặt hàng “made in Vietnam” không còn. Hàn Quốc và Trung Quốc là hai trong số những quốc gia có dòng vốn FDI lớn nhất vào Việt Nam nên việc suy giảm dòng vốn FDI từ các đối tác này sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất và xuất khẩu. Với việc Việt Nam phụ thuộc lớn vào FDI để phát triển công nghiệp và mở rộng sản xuất, sự suy giảm dòng vốn này có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Lạm phát cao từ Mỹ, Việt Nam cần chủ động ứng phó

Lạm phát tại Mỹ có thể tăng do thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ tăng, cộng với chính sách cứng rắn về nhập cư làm giảm nguồn cung lao động (lao động nhập cư đóng góp gần 19% cho tổng thị trường lao động của Mỹ), đặc biệt cho nhóm lao động yêu cầu trình độ thấp (ví dụ, lao động nhập cư chiếm tới trên 70% tổng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp). Nguồn cung lao động từ lao động nhập cư giảm, dẫn tới chi phí cho lao động tăng và kéo theo tổng chi phí sản xuất tăng, dẫn tới giá tăng.

 Cục dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, điều này có thể gây áp lực lên chính sách tiền tệ Việt Nam (Ảnh: Reuters).

Việc lạm phát tăng cao tại Mỹ có thể lan tỏa tới Việt Nam qua đường thương mại, bởi chi phí hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ tăng sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nguyên liệu hoặc thiết bị từ Mỹ. Đồng thời, chi phí hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ và năng lượng, cũng sẽ bị đẩy lên, làm tăng giá nhập khẩu vào Việt Nam.

Lạm phát cao tại Mỹ cũng có thể dẫn đến việc Cục dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Điều này sẽ làm tăng lãi suất toàn cầu, gây áp lực lên chính sách tiền tệ Việt Nam, đặt ra thách thức trong việc duy trì lãi suất cạnh tranh để giữ dòng vốn FDI. Hệ quả là Việt Nam sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa ổn định lãi suất hoặc tăng tỷ giá để tránh dòng vốn ngoại bị rút ra.

Như vậy, chính sách thuế và tình trạng lạm phát cao tại Mỹ có tác động tiêu cực kép tới Việt Nam: một mặt làm giảm xuất khẩu và gây áp lực lên cán cân thương mại, mặt khác làm gia tăng chi phí nhập khẩu và áp lực lạm phát nội địa.

Các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực gồm đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào Mỹ bằng cách mở rộng xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, ASEAN và tăng cường nội địa hóa sản xuất để nâng cao tự chủ kinh tế. Ngoài ra, cần duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và ổn định kinh tế bằng cách theo dõi tỷ giá, kiểm soát lạm phát, điều chỉnh lãi suất phù hợp để ổn định dòng vốn, hỗ trợ doanh nghiệp.