Tái bùng phát COVID-19 mới, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng âm 1,3% trong quý 1/2021
Lý do là những đợt bùng phát dịch COVID-19 mới đây đã ảnh hưởng nặng nề tới quá trình hồi phục của xứ sở hoa anh đào, sau khi đã có hai quý tăng trưởng liên tiếp.
Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã tăng trưởng trong hai quý cuối năm 2020, hồi phục chậm chạp từ những thiệt hại trước đó do dại dịch. Kinh tế Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng 2,8% trong quý 4/2020 so với quý trước; và tăng trưởng 5,3% trong quý 3/2020.
Trước đó, cuộc khảo sát đối với 37 chuyên gia kinh tế do Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản JCER thực hiện cho thấy, các chuyên gia dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng âm 1,2%, nghĩa là tăng trưởng âm cả năm 4,6%.
Nhật Bản đang thiếu nhân viên y tế cho chiến dịch tiêm chủng
Kết quả ảm đạm này là do chính phủ Nhật Bản đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 2, áp dụng từ ngày 8/1 đến ngày 21/3, kêu gọi người dân không ăn tối ở bên ngoài và không di chuyển giữa các tỉnh, làm việc ở nhà càng nhiều càng tốt. Những hạn chế này được cho là đã kìm hãm chi tiêu cá nhân vào việc ăn uống bên ngoài và du lịch.
Tới ngày 25/4, Nhật Bản tiếp tục ban hành lệnh tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 do các biến thể mới của COVID-19 lan rộng ra khắp cả nước, nhất là khu vực ngoài Tokyo, khiến một số nhà kinh tế dự báo nền kinh tế sẽ tiếp tục suy giảm trong quý 2. Trước đó khảo sát của JCER cho thấy các nhà kinh tế dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng trở lại ở mức 0,5% trong quý 2, tương đương mức tăng cả năm 1,8%.
Sự khác biệt về tình hình đại dịch và thời gian triển khai tiêm vaccine COVID-19 dẫn đến tình hình kinh tế khác nhau giữa các khu vực trong quý 1. Nhật Bản đã rất nỗ lực để có thể tiến hành chương trình tiêm chủng một phần do nguồn cung hạn chế, nhưng cũng do thiếu nhân viên y tế để thực hiện tiêm chủng.
Theo đánh giá của Văn phòng Nội các Nhật Bản, trong quý 1, kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ hàng năm 6,4% so với quý trước, còn kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ 2,4%.
Tại Nhật Bản, sự sụt giảm của nền kinh tế trong quý 1 đã được bù đắp một phần nhờ các hoạt động kinh doanh vững chắc trong bối cảnh sự hồi phục kinh tế tại Mỹ và Trung Quốc làm gia tăng nhu cầu đối với ô tô và linh kiện điện tử và dẫn đến tăng đầu tư kinh doanh.
Yuichi Kodama, nhà kinh tế trưởng của Viện nghiên cứu Meiji Yasuda nhận định: “Khi kinh tế Mỹ vẫn trên đà vững chắc, nền kinh tế Nhật Bản chắc chắn sẽ duy trì được đà tích cực”. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, sự khác biệt trong tốc độ triển khai tiêm vaccine COVID-19 sẽ tiếp tục có tác động không đáng kể đối với tốc độ phục hồi kinh tế.
Năm 2020, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng âm 4,7% và đây là năm đầu tiên tăng trưởng âm sau 11 năm.
Thu Thắm
Xem thêm: Ngành ô tô Nhật Bản trông đợi cực lớn ở thị trường Trung Quốc