Tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia vẫn chưa hết “nóng”

Minh Thư 09:30 | 19/11/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mặc dù Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã siết chặt và xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, tuy nhiên tình trạng vi phạm vẫn ở mức cao và những vụ tai nạn giao thông (TNGT) do sử dụng rượu bia vẫn gây nhức nhối trong toàn xã hội, đòi hỏi các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường tuyên truyền, cũng như tranh tra, xử lý.

Lực lượng Cảnh sát giao thông thực hiện kiểm tra vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. 

Gần 5% vụ TNGT do sử dụng rượu bia

Mới đây, ngày 15/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã tạm giữ Hà Việt Hùng, 43 tuổi, quê Cà Mau để điều tra, xử lý hành vi say xỉn gây TNGT, vi phạm quy về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trước đó, rạng sáng 15/11, đối tượng này điều khiển xe ô tô 5 chỗ trên đường 5B hướng từ đường Võ Văn Kiệt đến hướng đường số 16. Khi qua địa phận phường Hoà Phú, TP Thủ Dầu Một, do không chú ý quan sát nên đã va chạm với xe máy do một phụ nữ điều khiển đang dừng xe ở lòng đường và một phụ nữ khác đang đứng phía sau xe máy trên. Sau khi va chạm, tài xế Hùng không dừng xe mà tiếp tục điều khiển xe ô tô chạy rồi tiếp tục va chạm với một xe ô tô lưu thông cùng chiều phía trước. Chỉ đến khi chiếc xe "điên" chạy lên vỉa hè tông vào xe máy của một phụ nữ 24 tuổi, quê Nghệ An đang đỗ rồi mới dừng lại. Vụ tai nạn làm một phụ nữ, một người bị thương nhẹ, các phương tiện hư hỏng nằm trải dài trên một đoạn đường dài nhiều cây số. Sau tai nạn, Hà Việt Hùng bị người dân giữ lại ở hiện trường đợi Công an tới đưa về trụ sở làm việc. Qua test nhanh, tài xế có nồng độ cồn trong hơi thở là 0.987 mg/L.

Cũng trong ngày 15/11/2024, Công an TP Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định tạm giữ đối với Vũ Huy Hoàng (sinh năm 1989, ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) để điều tra, làm rõ hành vi chống người thi hành công vụ. Trước đó, khoảng 00h25 ngày 13/11/2024, Tổ công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP Thanh Hóa đang làm nhiệm vụ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự trên tuyến đại lộ Lê Lợi thì phát hiện xe ô tô do Vũ Huy Hoàng điều khiển có dấu hiệu vi phạm nên đã tiến hành kiểm tra hành chính. Tuy nhiên Hoàng không dừng xe mà điều khiển xe bỏ chạy đâm vào xe mô tô của tổ công tác, sau đó liên tục tiến, lùi trên đường gây nguy hiểm và va chạm với hàng loạt phương tiện khác đang đậu, đỗ ven đường.

Theo số liệu của Văn phòng Bộ Công an, 9 tháng đầu năm 2024 (tính từ ngày 15/12/2023 đến 14/9/2024), toàn quốc xảy ra 17.836 vụ, làm chết 8.114 người, bị thương 13.385 người. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ TNGT tăng 1.506 vụ (+9,22%), giảm 829 người chết (-9,27%), tăng 2.413 người bị thương (+21,99%). Nguyên nhân tai nạn được cơ quan Công an xác định có tới 11,79% số vụ là do người điều khiển phương tiện đi sai làn đường, phần đường; 7,86% số vụ do chuyển hướng không chú ý; 4,89% do sử dụng rượu bia, chất kích thích có cồn; 0,18% do sử dụng ma túy, chất gây nghiện; 3,62% do vượt xe sai quy định; 3,07% do vi phạm tốc độ; 35,81% số vụ do nguyên nhân khác...

Thông qua tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý 3.183.775 trường hợp vi phạm TTATGT trên đường bộ, đường sắt và đường thủy, phạt tiền 5.922 tỷ 982 triệu đồng; tước 604.154 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ 1.037.225 phương tiện các loại. So với cùng kỳ năm 2023, xử lý tăng 652.163 trường hợp (+25,76%), tiền phạt tăng 1.121 tỷ 843 triệu đồng (+23,37%). Trong đó, có 722.409 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 19,14% các hành vi vi phạm); 4.127 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy (chiếm 0,11% các hành vi vi phạm); 752.670 trường hợp chạy quá tốc độ cho phép (chiếm 19,94% các hành vi vi phạm).

Những con số trên cho thấy, mặc dù thời gian qua, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã được triển khai quyết liệt, trong đó siết chặt và xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, tuy nhiên tình trạng vi phạm còn diễn ra khá phổ biến và những vụ TNGT do sử dụng rượu bia vẫn gây nhức nhối trong toàn xã hội.

 

Cần mạnh tay xử lý vi phạm, xây dựng văn hóa giao thông

Nhằm thực hiện có hiệu quả chủ đề "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn", thời gian qua cả hệ thống chính trị đã vào cuộc đặc biệt là ngành Công an đã ra quân thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại các địa phương với tinh thần "không có ngoại lệ, không có vùng cấm", qua đó đã kéo giảm số người chết và số vụ tai nạn giao thông xuống rõ rệt.

Ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao lên, từ những kết quả tích cực đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, văn hóa giao thông cũng từ đó được nâng cao.

Theo đại diện của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở Việt Nam. Ước tính có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia. Tức là trung bình mỗi ngày, cả nước có khoảng 700 người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe với các mức độ khác nhau.

Theo Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) đánh giá: “Số vụ tai nạn giao thông và số người chết được kéo giảm trong thời gian gần đây là điều đáng khích lệ. Điều này cho thấy công tác đấu tranh, xử lý vi phạm nói chung, đặc biệt là liên quan đến nồng độ cồn đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến tai nạn giao thông. Qua đó cũng cho thấy những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của đông đảo người dân bước đầu đã có kết quả tích cực. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta vội mừng, vì vẫn còn đó một số vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn còn xảy ra…”.

Để tiếp tục kéo giảm số người chết do TNGT, Cục CSGT quyết liệt chỉ đạo, tiếp tục thực hiện với tinh thần tăng cường tuyên truyền đi đôi với quyết liệt xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Không có vùng cấm không có ngoại lệ, làm việc xuyên đêm xuyên tết, tập trung ngăn chặn những hành vi dẫn đến TNGT, nhất là vi phạm nồng độ cồn, chất kích thích.

Cũng theo Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Cục CSGT luôn xác định mục tiêu là làm sao để kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông xuống thấp nhất. Một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra tai nạn giao thông, mất trật tự an toàn giao thông là tài xế vi phạm nồng độ cồn và chất kích thích. Vì vậy ngay từ đầu năm 2024 Cục CSGT tiếp tục chỉ đạo công an các địa phương, tập trung xử lý với tinh thần “không có vùng cấm không có ngoại lệ, làm việc xuyên đêm xuyên tết”, tập trung ngăn chặn những hành vi dẫn đến TNGT. Quyết tâm hình thành bằng được thói quen văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe”.