Tai nạn giao thông đường sắt – những nguyên nhân chưa cũ
76 vụ TNGT đường sắt làm chết 55 người trong 9 tháng
Gần đây nhất, vào buổi sáng 10/10, một tàu hỏa chở khoảng 200 khách đang di chuyển hướng đi từ ga Sài Gòn ra Bắc, đến địa phận giữa ga Lương Sơn (Nha Trang) và ga Phong Thạnh (TX Ninh Hòa) đã tông vào xe tải đang mắc kẹt trên đường ray.
Cú va chạm không gây thương vong, song khiến ôtô vướng vào thành toa khách, bị kéo lê một đoạn, hư hỏng nặng. Hai toa tàu bị cong bậc lên xuống, đầu máy kéo tàu vỡ kính. Ông Lê Anh Đăng, Trưởng phòng giám sát an toàn chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh (đơn vị quản lý đường sắt ở khu vực), cho biết điểm tai nạn là đường ngang dân sinh, lối đi hẹp, xe tải không được chạy qua.
Trước đó, ngày 22/9, tại Bình Thuận, một người đàn ông lái xe máy đến đoạn giao nhau giữa đường sắt Bắc - Nam và tỉnh lộ 718 (xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam), cách ga Bình Thuận 600 m thì chuông reo báo tàu sắp đến. Nhân viên đường sắt đã đóng gác chắn, nhưng người đàn ông vẫn cố nâng lên, chui xe qua. Hậu quả là người đàn ông bị tàu hỏa số hiệu HH 9T đang chạy theo hướng Bắc - Nam tông vào. Nạn nhân và xe máy bị kéo lê một đoạn khoảng 10 m, văng qua hai bên lề tử vong tại chỗ, xe máy vỡ nát.
Vào chiều 8/8, tại xã Ninh An (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) cũng xảy ra một vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng khiến 2 mẹ con tử vong thương tâm. Nguyên nhân vụ việc là do không chú ý quan sát khi băng qua đoạn đường sắt không có rào chắn lúc đoàn tàu Bắc - Nam đang tới gần, 2 mẹ con đã bị đoàn tàu tông trúng dẫn tới tử vong.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong chín tháng của năm 2022, toàn quốc xảy ra 8.313 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.714 người, bị thương 5.546 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 8.206 vụ, làm chết 4.606 người, bị thương 5.524 người. Đường sắt, xảy ra 76 vụ, làm chết 55 người, bị thương 19 người. Đường thuỷ xảy ra 26 vụ, làm chết 41 người, bị thương 3 người; Hàng hải xảy ra 5 vụ, làm chết và mất tích 12 người. Nếu so sánh, sẽ thấy TNGT đường sắt có số vụ, số người chết và bị thương thấp thấp hơn nhiều lần so với TNGT đường bộ nhưng những con số trên vẫn không khỏi khiến dư luận nhức nhối. Bởi những vụ TNGT này xuất phát bởi những nguyên nhân không mới mà đã rất phổ biến hàng năm nay, tuy nhiên vẫn chưa đủ sức răn đe người tham gia giao thông.
Những nguyên nhân chưa cũ
Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn là do người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông thiếu chú ý quan sát, kỹ năng lái xe kém khi qua các đường ngang đường sắt.
Bên cạnh đó, những vụ tai nạn nêu trên cũng có nguyên nhân từ việc người dân đã vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt trong khi cơ quan chức năng chưa kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn xử lý theo quy định.
Từ những vụ tai nạn trên, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đề nghị bộ GTVT chỉ đạo cục Đường sắt Việt Nam, các cơ quan liên quan phối hợp tổng công ty Đường sắt Việt Nam phân tích đánh giá xác định những nguyên nhân khiến tai nạn đường sắt tăng cao và đề xuất các giải pháp kiềm chế, kéo giảm tai nạn đường sắt trong thời gian tới.
Các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp giữa bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố trong bảo đảm ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Lập kế hoạch nâng cấp toàn bộ các đường ngang cảnh báo bằng biển báo lên đường ngang có cần chắn tự động.
Tập trung xử lý vi phạm như mở đường ngang trái phép, xây dựng lều quán, xây bục bệ, lối đi qua đường sắt. Cấm lắp đặt biển quảng cáo, biển hiệu trong phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Ngoài ra, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng yêu cầu UBND tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua cần tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt. Đồng thời, phối hợp với các đoàn thể chính trị xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về luật Giao thông đường bộ, đường sắt, nhất là các quy tắc giao thông đường bộ khi vượt qua đường sắt đến người dân.