Tài sản của Bầu Thụy có gì trước khi "gia nhập" vào 10 người giàu nhất sàn chứng khoán?
Cổ phiếu THD của Thaiholdings đã giúp cho Bầu Thụy tiến gần hơn đến top 10 người nhất sàn chứng khoán, khi cổ phiếu này đã tăng gấp 29 lần kể từ thời điểm chào sàn cách đây gần 7 tháng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua một trong những giai đoạn sôi động nhất trong lịch sử với liên tiếp những phiên tăng điểm cùng thanh khoản thường xuyên duy trì ở mức cao, quanh mốc 20.000 tỉ đồng trên cả 3 sàn.
Hàng loạt cổ phiếu thăng hoa bằng lần. Trong đó phải kể đến cổ phiếu Công ty cổ phần Thaiholdings (mã THD) của ông Nguyễn Đức Thụy ('bầu' Thụy).
THD giờ đây là trở thành trọng số có ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội. Chào sàn HNX từ trung tuần tháng 6/2020, cổ phiếu THD ngay lập tức gây chú ý khi liên tục tăng trần 17 phiên liên tiếp. Dù vậy, nó không được quan tâm nhiều, cũng không nhiều nhà đầu tư lựa chọn tân binh này để giải ngân.
Thanh khoản nhỏ giọt với vài vạn, vài nghìn, thậm chí vài trăm đơn vị mỗi phiên, đồng nghĩa rất ít nhà đầu tư được hưởng lợi từ quãng thăng hoa của THD - ngoài nhóm chủ lâu năm của Thaiholdings.
Sau giai đoạn tăng nóng, cổ phiếu THD gần như đi ngang trong phần còn lại của năm 2020, trước khi trở lại “đường đua” vào đầu tháng 12, thời điểm chốt quyền mua ưu đãi ưu đãi cổ phiếu tỷ lệ 539:2.961, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu THD thời điểm đó được điều chỉnh về quanh mức 20.000 đồng/cổ phiếu.
Liên tục thăng hoa, THD làm thị trường 'mắt tròn mắt dẹt' với thanh khoản đột biến đến ngỡ ngàng. Giá trị giao dịch thường xuyên duy trì ở mức cao dù cổ phiếu liên tục tăng nóng là điều chưa từng thấy trước đó, kể từ khi cổ phiếu này chào sàn.
Đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu THD đang dừng ở vùng 125.000 đồng/cổ phiếu (đã điều chỉnh), tăng gấp 6 lần trong chưa đầy 2 tháng. Còn so với thời điểm “chân ướt chân ráo" lên sàn, thị giá THD đã tăng gấp hơn 29 lần. Nhờ vậy, Thaiholdings đã trở thành cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HNX với 43.750 tỉ đồng.
Trong một diễn biến đáng chú ý, 'bầu' Thụy đã đăng ký mua thêm 2,896 triệu quyền mua để nâng số quyền mua lên 13,676 triệu quyền mua. Vị đại gia đất Ninh Bình dự kiến sẽ chi khoảng 751 tỉ đồng để ôm thêm 75,13 triệu cổ phiếu THD.
Nếu giao dịch thành công, 'bầu' Thụy sẽ sở hữu tổng cộng 85,91 triệu cổ phiếu của Thaiholdings.
Tạm tính theo thị giá hiện thời của THD, khối cổ phần của ông Thuỵ có giá tới hơn 10.700 tỉ đồng. 'Bầu' Thụy khi ấy sẽ vào top 10 giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu thị giá của THD không phản ánh giá trị hợp lý của công ty, việc lọt top giàu của ông Nguyễn Đức Thuỵ và vốn hoá của Thaiholdings sẽ chỉ là con số thống kê, mà không có nhiều ý nghĩa thực sự. Câu chuyện của "người từng giàu nhất Việt Nam" Trịnh Văn Quyết sau cơn lên đồng năm nào của cổ phiếu ROS là một ví dụ.
Trong "túi" của bầu Thụy có gì?
Thaiholdings là doanh nghiệp do ông Nguyễn Đức Thuỵ (bầu Thuỵ) sáng lập. Trước khi chốt quyền mua, bầu Thụy trực tiếp sở hữu 10,78 triệu cổ phiếu THD, tương đương 20% vốn tại Thaiholdings. Với số cổ phiếu này, ông Thụy nhận được 10,78 triệu quyền mua cổ phiếu của Thaiholdings.
Nhìn vào kết quả kinh doanh quá khứ và các tài sản đang nắm giữ thì sẽ khó trong việc lý giải chuỗi tăng giá vừa qua của cổ phiếu THD. Tuy nhiên, động lực của công ty này có thể lý giải qua Thaigroup - công ty con của Thaiholdings, cũng do bầu Thuỵ sáng lập nhưng không đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán. Cơ cấu tài sản cũng như hoạt động kinh doanh chính của Thaigroup sẽ phần nào đã phản ánh bức tranh tài sản của Thaiholdings cũng như bầu Thuỵ.
Thaigroup hiện gián tiếp sở hữu nhiều bất động sản có giá trị lớn, đặc biệt là 98% cổ phần Công ty cổ phần Enclave Phú Quốc, đơn vị triển khai dự án khu phức hợp quy mô 350ha tại Bãi Thơm, Phú Quốc với 50ha đất sổ đỏ vĩnh viễn và chiều dài gần 8km mặt biển. Đây sẽ là ẩn số lớn mang lại hiệu quả đầu tư cho công ty và các cổ đông. Tuy nhiên, cho đến nay, việc triển khai dự nàyhiện vẫn trong giai đoạn xin cấp phép.
Bên cạnh đó, tập đoàn còn gián tiếp sở hữu 80,45% cổ phần tại Công ty cổ phần Tôn Đản Hà Nội, đơn vị sở hữu tòa nhà Thaiholdings Tower tại trung tâm Hà Nội cung cấp cho thị trường hơn 25.300 m2 văn phòng cho thuê.
Nhắc đến Thaigroup không thể không kể đến thương vụ đình đám chi hơn 1.000 tỷ đồng để mua lại 52,43% cổ phần Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên - đơn vị sở hữu mảnh đất đắc địa có quy mô 3,5 ha tại số 5-7 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.
Ngoài ra, tập đoàn này còn triển khai dự án đất nhà ở với diện tích 2,7ha tại trung tâm Thành phố Ninh Bình được định giá gần 810 tỷ đồng và Cảng Ninh Phúc được định giá hơn 400 tỷ đồng.
Bên cạnh những tài sản chiến lược nắm giữ lâu dài, thời gian tới, Thaigroup đang có kế hoạch thoái vốn khỏi một số khoản đầu tư như Nhà máy xi măng Quảng Nam; 2,7 ha đất đô thị tại Khu đô thị Xuân Thành, Ninh Bình thu về 810 tỷ đồng hay 18,7 ha đất tại Cảng Ninh Phúc với kỳ vọng doanh thu từ giao dịch này đạt 400 tỷ đồng.
Các thương vụ chuyển nhượng có thể mang lại lợi nhuận ngắn hạn cho Thaigroup và phần nào giảm bớt áp lực về mặt tài chính để thực hiện các dự án bất động sản tiềm năng nhưng đang “đắp chiếu” nhiều năm.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Thaigroup lại không thực sự tích cực. Năm 2019, tập đoàn ghi nhận doanh thu hợp nhất 3.580 tỷ đồng, nhưng lỗ ròng đến 389 tỷ. Khoản lỗ này đã đẩy lỗ lũy kế Thaigroup tính đến hết ngày 31/12/2019 lên đến 641 tỷ đồng, chiếm 24% vốn chủ sở hữu. Thêm vào đó, với việc nợ ngắn hạn trên BCTC 2019 lớn hơn tài sản ngắn hạn 1.957 tỷ, ThaiGroup bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020, doanh thu và lợi nhuận của Thaiholding đều tăng so với cùng kỳ, lần lượt đạt 686 tỷ đồng và gần 58 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 1.672 tỷ đồng, tăng gấp gần 2 lần so với thời điểm đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng hơn 4 lần, đạt 688,5 tỷ đồng; hàng tồn kho cũng ghi nhận hơn 45 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thaiholdings cũng chỉ hoàn thành được 33% kế hoạch doanh thu và 20% chỉ tiêu lợi nhuận của cả năm.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả của Thaiholdings ở mức 993 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với thời điểm đầu năm, chiếm gần 60% tổng nguồn vốn. Trong đó nợ ngắn hạn tăng gấp 3,5 lần lên mức 683 tỷ đồng, chủ yếu là phải trả người bán.
Theo doanhnghieptiepthi