Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục biến động mạnh sau 3 phiên VinFast niêm yết trên sàn Nasdaq
Trước đó, kết phiên giao dịch 17/8 trên sàn chứng khoán Mỹ, cổ phiếu VFS của VinFast Auto Ltd. đã chứng kiến phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp, về mức giá 20 USD/cổ phiếu, tương đương giảm 10,11 USD trong phiên, tức giảm 33,58% so với phiên liền trước.
Giá trị vốn hóa của VFS trên thị trường theo đó cũng giảm mạnh từ hơn 69 tỷ USD ở phiên liền trước xuống còn hơn 46 tỷ USD; lưu lượng sang tay trong phiên ước khoảng 1,8 triệu cổ phiếu.
Theo đà giảm của cổ phiếu VFS, khối tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng biến động lớn khi giảm xuống 26,4 tỷ USD tại thời điểm kết thúc phiên giao dịch từ mức 37,4 tỷ USD trong phiên trước đó. Con số này cũng giảm tới 45% so với mức tổng tài sản ròng 44,5 tỷ USD của ông Vượng sau phiên giao dịch đầu tiên của VFS trên sàn Nasdaq.
Biến động của cổ phiếu VFS trong những giờ sau khi chốt phiên giao dịch 17/8 tiếp tục làm tài sản ròng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm nhẹ. Tại thời điểm 10 giờ sáng 18/8 (giờ Việt Nam), tổng tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng theo BXH Forbes Real time hiện ở mức 26,2 tỷ USD, xếp ở vị trí thứ 58 thế giới. So với vị trí 27 thế giới có được sau ngày chào sàn Nasdaq thành công của VFS, đến nay, thứ hạng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trên BXH của Forbes đã tụt 31 bậc.
Xếp vị trí liền trước vị trí thứ 58 của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là ông trùm bất động sản Hong Kong Lee Shau Kee, người được mệnh danh là “Warren Buffett của Hong Kong”, đồng thời là nhà sáng lập tập đoàn Henderson Land Development; và bà trùm khai thác mỏ, nữ doanh nhân người Úc Gina Rinehart, Chủ tịch công ty thăm dò và khai thác khoáng sản Hancock Prospecting.
Dù vậy, với khối tài sản ròng 26,2 tỷ USD theo Forbes Real time, tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện vẫn vượt qua ông chủ Softbank Masayoshi Son (24,4 tỷ USD, thứ hạng 63) và nhà sáng lập Alibaba Jack Ma (24,3 tỷ USD, thứ hạng 65).
Cũng theo Forbes, với việc tổng tài sản 'bốc hơi' 11,2 tỷ USD do biến động của cổ phiếu VFS trong phiên giao dịch gần nhất, ông Phạm Nhật Vượng cũng lọt top các tỷ phú có biến động tài sản giảm mạnh nhất trong ngày cùng với các tỷ phú Mukesh Ambani (-1,3 tỷ USD), Mark Zuckerberg (-3,4 tỷ USD), Elon Musk (-4,6 tỷ USD), Bernard Arnault (-4,7 tỷ USD).
Liên quan đến biến động của cổ phiếu VFS chỉ sau 3 phiên giao dịch trên sàn Nasdaq dẫn đến tổng tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sụt giảm, tờ Barron's mới đây đã có một số phân tích liên quan, trong đó nhận định mức giảm của cổ phiếu VFS không phải do VinFast, mà do thị trường.
Theo đó, tờ Barron’s nhận định VinFast đã có một màn chào sàn Nasdaq ‘rầm rộ’ khi cổ phiếu VFS đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên ở mức 37,06 USD/cp, tăng 255% tương đương vốn hóa thị trường 86 tỷ USD, vượt qua cả những ông lớn ngành xe như Ford Motor, General Motors hay Volkswagen. Với mức định giá 86 tỷ USD, theo tính toán trên Barron’s, giá trị thị trường của VinFast ngay sau ngày đầu tiên chào sàn Nasdaq còn cao hơn cả định giá của tất cả các công ty khởi nghiệp ô tô điện tại Mỹ cộng lại.
Phân tích về những điểm khiến nhà đầu tư có thể ưa thích cổ phiếu VFS, Barron’s chỉ ra một số yếu tố. Đầu tiên, VinFast được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi tập đoàn Vingroup. Và không giống như nhiều công ty mới thành lập, VinFast ghi nhận doanh số thực tế khá tốt khi bán ra khoảng 11.300 chiếc ô tô điện trong nửa đầu năm 2023 và khả năng sản xuất khoảng 300.000 chiếc xe mỗi năm. Với chiến lược lấn sân thị trường Mỹ, hãng cũng bán được 850 chiếc xe điện SUV VF8 ở California trong 6 tháng đầu năm 2023 và dự kiến sẽ sớm cung cấp những mẫu xe mới sang thị trường khó tính này.
Nhận xét về mẫu VF8 đã bán ra tại Mỹ, Barron’s cho rằng đây là chiếc ô tô điện với mẫu mã đẹp, có khả năng tăng tốc từ 0 đến 60 dặm/ giờ chỉ trong khoảng 5,5 giây. Theo các thử nghiệm và tiêu chuẩn của EPA, dòng xe này di chuyển được khoảng 264 dặm sau mỗi lần sạc, và có giá khởi điểm khoảng 46.000 USD. Để so sánh, mẫu Tesla Y của Tesla với kích thước, phạm vi hoạt động và thông số kỹ thuật tăng tốc tương tự, có giá khởi điểm khoảng 48.000 USD.
Dù vậy, Barron’s vẫn đánh giá rằng định giá cổ phiếu VFS ở thời điểm chào sàn là mức khá cao so với các đối thủ sản xuất xe điện khác. Barron’s chỉ ra rằng giá trị thị trường 86 tỷ USD mà VinFast đạt được sau phiên giao dịch đầu tiên trên sàn Nasdaq là mức giá trị cao gấp 46 lần dự báo doanh thu cả năm 2023 của hãng xe này (1,9 tỷ USD). Để so sánh, giá trị thị trường của Tesla chỉ cao gấp khoảng 7,3 lần doanh thu dự báo của hãng trong năm nay.
“Để chứng minh cho mức định giá này, VinFast sẽ phải nỗ lực đạt hiệu suất giống như hãng xe điện BYD (Trung Quốc) với doanh số hàng triệu xe điện mỗi năm, doanh thu hàng chục tỷ USD và tạo ra tỷ suất lợi nhuận hoạt động ít nhất 5%”, Barron’s nhận định.
Về phía doanh nghiệp, chia sẻ tại cuộc họp báo trực tuyến ngay sau phiên chào sàn, CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy cũng cho hay bà "bất ngờ" khi cổ phiếu VFS tăng vượt 37 USD/cp trong phiên chào sàn và không chuẩn bị cho kịch bản cổ phiếu VFS lên mức giá này. Tờ Vietnamnet dẫn lời bà Thủy cho hay khi đi hỏi các ngân hàng đầu tư, hầu hết đều nói là cổ phiếu sẽ đỏ, tức là VFS sẽ giảm xuống dưới 10 USD/cp trong phiên đầu tiên. Lãnh đạo VinFast và các cộng sự ban đầu chỉ tin sẽ đạt vốn hóa trên 23 tỷ USD, “nhưng không ngờ tới 85 tỷ USD”.