Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Sẽ bán 200.000 xe VinFast, chiếm 40% thị phần ô tô trong nước năm nay

Đông Bắc 13:02 | 24/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 sáng 24/4, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup (mã: VIC) ông Phạm Nhật Vượng hé lộ kế hoạch kinh doanh trong năm này, mục tiêu hướng đến bán 200.000 xe VinFast, chiếm 40% thị phần trong nước.

 

Sáng nay (24/4), Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Trả lời câu hỏi cổ đông, Chủ tịch HĐQT Vingroup Phạm Nhật Vượng hé lộ mục tiêu kinh doanh xe VinFast trong năm nay.

VinFast không ngại cạnh tranh ở thị trường nước ngoài

Về kế hoạch trong năm 2025, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng tiết lộ với các cổ đông: Kế hoạch năm 2025 là rất cao, doanh thu dự kiến khoảng 300.000 tỷ đồng và lợi nhuận tầm 10.000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm trước.

"Chúng tôi hiểu rằng đây là một mục tiêu không hề đơn giản, nhưng quyết tâm là rất lớn. Chúng tôi không chỉ đặt mục tiêu đạt được mà còn là vượt qua kế hoạch. Cơ sở của sự tự tin này đến từ nhiều yếu tố.

Thứ nhất, thị trường bất động sản đang hồi phục rất rõ nét. Doanh thu từ bất động sản vì thế sẽ tăng mạnh.

Thứ hai là VinFast. Với kế hoạch bán ra 200.000 xe trong năm 2025, doanh số chắc chắn sẽ tạo ra một mức tăng trưởng rất khác biệt so với các năm trước".

 

 Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Vingroup. Ảnh VIC.

Cổ đông đặt câu hỏi VinFast sẽ hướng đến thị trường nước ngoài là chủ lực. Vậy lợi thế cạnh tranh cốt lõi của VinFast so với các hãng xe khác, đặc biệt là các thương hiệu đến từ Trung Quốc, là gì?

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chia sẻ: Xe của VinFast có ba yếu tố cốt lõi để cạnh tranh. Thứ nhất là chất lượng xe tốt. Thứ hai là giá cả hợp lý. Và thứ ba là dịch vụ hậu mãi vượt trội. Đây là ba trụ cột chính để VinFast cạnh tranh với các hãng khác.

Về giá thành, chúng tôi liên tục nghiên cứu, cải tiến và tái cấu trúc để giảm mọi loại chi phí - từ chi phí linh kiện, chi phí phát triển, sản xuất đến chi phí kinh doanh. Do đó, chúng tôi hoàn toàn tự tin rằng VinFast có thể cạnh tranh ngang ngửa với các hãng xe quốc tế.

Ngoài ra, có một yếu tố rất quan trọng khác: Chúng tôi không phải là hãng xe Trung Quốc. Điều này ở nhiều thị trường lại là một lợi thế. Ví dụ, Ấn Độ không cho phép xe Trung Quốc sản xuất nội địa. Có thể vì lý do chính sách bảo hộ, hoặc lý do khác mà tôi không rõ, nhưng rõ ràng xe Trung Quốc không được quá ủng hộ ở nhiều nơi. Ít nhất thì cũng bị hạn chế.

Do vậy, chúng tôi sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng - giá nào chơi giá đó. Nhưng điểm mạnh vượt trội nhất chính là dịch vụ hậu mãi. Chúng tôi phục vụ khách hàng với tinh thần tận tâm, điều mà nhiều hãng bỏ quên.

Lấy ví dụ như Tesla ở Mỹ, có xe gặp vấn đề mà đợi sửa hàng tháng, thay linh kiện mất đến 6 tháng là chuyện bình thường. Trong khi đó, VinFast đang hướng đến tiêu chuẩn "sửa xe trong 8 tiếng". Bất cứ xe nào sửa quá 8 tiếng, bộ phận hậu mãi phải báo cáo trực tiếp cho tôi. Mỗi ngày tôi đều nhận được danh sách các xe sửa vượt chuẩn. Dĩ nhiên là trong điều kiện tiêu chuẩn, chứ xe bị tai nạn nặng thì chúng tôi cũng không thể làm phép.

Nói tóm lại, dịch vụ hậu mãi là thứ được VinFast đặt lên hàng đầu. Và chính nhờ điều đó, tôi tin tưởng VinFast không chỉ cạnh tranh được mà còn phát triển tốt trên thị trường quốc tế.

Ông Vượng chia sẻ thêm: "Trung Quốc dù thế nào cũng sẽ chiếm phần lớn thị trường. Chỉ riêng thị trường nội địa của họ đã khổng lồ rồi. Do đó, họ vẫn sẽ phát triển theo cách của họ. Còn VinFast, chúng tôi làm phần của mình. Nếu đạt được vị trí thứ 3, 4 hay 5 toàn cầu thì tôi cho rằng đó đã là thành công lớn rồi".

Ông Phạm Nhật Vượng cũng trả lời cổ đông về việc nhà máy xe VinFast bên Mỹ đang dừng triển khai. Chủ tịch Vingroup cho hay: "Hiện tại nhà máy ở Mỹ chúng tôi đang tạm dừng triển khai. Chúng tôi không vội. "Cắm cờ rồi thì cứ ngắm cờ đã". Tức là chúng tôi đã đặt nền móng, giờ quan sát tình hình và lựa chọn thời điểm thích hợp.

Chúng tôi đang chờ thêm tín hiệu rõ ràng từ thị trường, chính sách, xu hướng toàn cầu. Nếu Mỹ đánh thuế cao, thậm chí nếu xu hướng chung là các nước đều có động thái phòng vệ thương mại, thì không thể cứ lao vào như trước được.

Thị trường Mỹ hiện nay vẫn còn lỗ khá nặng với chúng tôi, nên chưa có lý do gì phải quá nóng vội. Cần thêm vài ba tháng để có bức tranh rõ ràng hơn, từ đó mới đưa ra quyết định triển khai tiếp theo. Mọi thứ cần được cân nhắc kỹ về hiệu quả kinh tế, không chỉ riêng về việc đầu tư vốn.

Mục tiêu bán hơn 200.000 xe VinFast tại Việt Nam năm nay

Khi được hỏi về tình hình và định hướng doanh số VinFast tại thị trường quốc tế hiện nay, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết: Hiện tại, doanh số quốc tế của VinFast vẫn còn rất nhỏ. Chúng tôi chia thị trường thành hai nhóm:

Một là các thị trường “cắm cờ” - như Mỹ, châu Âu, Canada – để chứng minh xe VinFast đạt chuẩn quốc tế, có thể vào được những thị trường khó tính.

Hai là các thị trường trọng điểm về doanh số, như Ấn Độ, Indonesia, Philippines. Những nước này sẽ mang lại doanh số vượt trội.

Dự kiến từ ngày 30/6 năm nay, chúng tôi sẽ khánh thành nhà máy tại Ấn Độ, và tháng 10 là nhà máy Indonesia. Sau đó sẽ đẩy mạnh hoạt động bán hàng ở các thị trường này. Tôi tin rằng đến năm 2026, doanh số quốc tế sẽ khác biệt hẳn. Trong tương lai, thị trường quốc tế sẽ là trọng tâm, vì dung lượng thị trường xe Việt Nam chỉ khoảng 450.000-500.000 xe/năm, trong khi thế giới tiêu thụ 70-80 triệu xe mỗi năm.

Còn về mục tiêu thị phần và doanh số ra sao tại thị trường Việt Nam năm 2025, ông Phạm Nhật Vượng cho biết: "Kế hoạch năm nay của VinFast tại thị trường Việt Nam là bán hơn 200,000 xe, chiếm khoảng 40% thị phần. Đây là mức thị phần cao nhất từ trước đến nay mà một hãng xe từng đạt được tại Việt Nam, chứ không chỉ riêng các hãng trong nước. Nếu đạt được mức thị phần này thì ở thị trường Việt Nam, VinFast cũng sẽ đạt điểm hòa vốn. Định hướng của chúng tôi là như vậy".

Đặt mục tiêu tăng trưởng cao nhất lịch sử

Năm 2025, Vingroup đặt mục tiêu doanh thu thuần 300,000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 10,000 tỷ đồng, tăng lần lượt 59% và 90% so với năm 2024, đều là các mốc cao nhất trong lịch sử nếu hoàn thành.

Trong mảng công nghiệp, thông qua VinFast, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đặt mục tiêu sản lượng bàn giao xe năm 2025 tối thiểu gấp đôi năm trước. Tại thị trường nội địa, doanh nghiệp tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu phân khúc xe điện, mở rộng mạng lưới phân phối, dịch vụ hậu mãi và đẩy mạnh chuyển đổi từ xe động cơ đốt trong sang xe điện.

Năm nay, VinFast dự kiến bàn giao các dòng xe dịch vụ (Green) nhằm khai thác mảng vận tải và taxi. Trên thị trường quốc tế, công ty tập trung vào Indonesia, Philippines và Ấn Độ, đồng thời đưa vào vận hành hai nhà máy mới tại 2 quốc gia này.

Ở mảng công nghệ, hệ sinh thái Vingroup đặt mục tiêu dẫn đầu thị trường Việt Nam về trí tuệ nhân tạo (AI) và phát triển người máy đa năng "made in Vietnam", do công ty thành viên VinMotion triển khai.

Trong lĩnh vực bất động sản, Vinhomes tiếp tục giữ vai trò trụ cột với định hướng phát triển các khu đô thị quy mô lớn tại vị trí chiến lược, có kết nối hạ tầng thuận lợi. Ngày 19/4, Vingroup đã khởi công dự án Vinhomes Green Paradise - khu đô thị du lịch lấn biển tại huyện Cần Giờ (TPHCM) với tổng diện tích hơn 2.870 ha.

Trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, Vinpearl xác định 3 trọng tâm chiến lược gồm mở rộng ra các thị trường như Ấn Độ, Trung Đông, Đông Nam Á; củng cố thị phần nội địa; và phát triển mạnh phân khúc MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện) - hướng tới nguồn thu chủ lực. Doanh nghiệp cũng thúc đẩy bán hàng trực tiếp thông qua hợp tác với các đại lý trực tuyến.