Tại sao không nên điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà?

22:02 | 09/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Khi điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà nguy cơ lây nhiễm virus cho người thân trong gia đình tăng cao. Ở Việt Nam mô hình gia đình chủ yếu chung sống từ 3 đến 4 thế hệ nên việc lây nhiễm sẽ rất nguy hiểm.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lý giải rằng: khi điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà dẫn đến nguy cơ lây nhiễm virus cho người thân trong gia đình tăng cao. Hơn nữa, ở Việt Nam mô hình gia đình chủ yếu chung sống từ 3 đến 4 thế hệ (người già, trẻ nhỏ, người có bệnh nền) rất nhiều, dẫn đến việc lây nhiễm sẽ rất nguy hiểm.

Khi điều trị tại nhà, các bệnh nhân Covid-19 khó theo dõi được sự thay đổi bệnh lý từ sớm để có phương án xử lý, kiểm soát kịp thời. Việc các bệnh nhân nhập viện khi đã có diễn biến nặng sẽ giảm hiệu quả điều trị. Hiện, số bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam chưa vượt quá khả năng điều trị, do đó, vẫn kiểm soát được tình hình.

Tại sao không nên điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà? - ảnh 1Khi điều trị tại nhà, các bệnh nhân Covid-19 khó theo dõi được sự thay đổi bệnh lý từ sớm

Theo thống kê từ Bộ Y tế, Việt Nam hiện có tổng cộng 139 bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng phải thở oxy, 29 trường hợp thở máy không xâm nhập và 25 ca nguy kịch. Trong khi đó, 3.080 bệnh nhân chỉ có biểu hiện lâm sàng nhẹ, 1.703 người khác chưa có triệu chứng.

Chia sẻ về khác biệt của đợt dịch thứ tư so với các đợt dịch trước đó theo bác sĩ Cấp, các bệnh nhân nhiễm biến chủng Ấn Độ xuất hiện diễn biến lâm sàng nhanh hơn so với những biến chủng trước đó của SARS-CoV-2.

 Tỉ lệ bệnh nhân có phản ứng viêm quá mức cũng cao hơn. Tình trạng này yêu cầu các y bác sĩ phải can thiệp nhiều biện pháp kỹ thuật hơn. “Đây cũng chính là gánh nặng lớn với hệ thống hồi sức cấp cứu trong điều trị bệnh nhân Covid-19", chuyên gia giải thích.

 Để sớm khắc phục được tình trạng này, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng Việt Nam cần chú trọng vào việc nâng cao năng lực điều trị của các tuyến, cơ sở tiếp nhận ban đầu.

“Khi các tuyến điều trị ban đầu như bệnh viện dã chiến làm tốt, tỷ lệ bệnh nhân có diễn biến nặng và nguy kịch sẽ giảm xuống. Từ đó, chúng ta cũng giảm được gánh nặng với khoa hồi sức cấp cứu tại bệnh viện tỉnh và tuyến trung ương”, Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chohay.

Với sự tiến bộ của các bác sĩ cũng như điều dưỡng hiện nay, theo Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chúng ta có thể tin tưởng ngành Y tế Việt Nam sẽ kiểm soát tốt được số lượng bệnh nhân này.

Theo bản tin tối 9/6, Bộ Y tế công bố thêm 57 ca mắc Covid-19 ghi nhận tại TP.HCM (20), Bắc Giang (19), Bắc Ninh (12), Hà Nội (4), Lạng Sơn (1), Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (1).

Huy Hùng

Xem thêm: Diễn biến dịch COVID-19 ngày 9/6: Việt Nam ghi nhận thêm 407 ca mắc mới