Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp Tết

M.Hiển/Báo Chính phủ 07:02 | 28/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 16/CT-BCT về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả dịp Tết

Để thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là vào thời điểm dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao, dự báo tình hình vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Đối với các đơn vị thuộc Bộ, quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Công điện 1097/CĐ-TTg ngày 16/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; Công điện 1284/CĐ-TTg ngày 01/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu; Chỉ thị 29/CT-TTg ngày 06/12/2023 của Thủ tướng về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững bảo đảm nguồn cung thực phẩm; Kế hoạch số 115/KH-BCĐ389 ngày 08/12/2023 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 09/CT-BCT ngày 28/8/2023 về tăng cường, năng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân; Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 30/10/2023 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Thực hiện có hiệu quả đấu tranh, phòng chống buôn lậu tại các khu vực biên giới, cảng biển 

Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước tập trung, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, thương mại điện tử, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại; chú trọng các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, rượu, bia, nước giải khát, gia súc, gia cầm, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, xăng dầu, khí đốt.

Lực lượng Quản lý thị trường phối hợp, trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Thanh tra chuyên ngành để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các khu vực biên giới, cảng biển, cảng hàng không, kho hàng, điểm tập kết hàng hóa và thị trường nội địa.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tăng cường rà soát các mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử, các nhóm mặt hàng và hành vi vi phạm phổ biến để đánh giá đúng tình hình; kịp thời phát hiện, trao đổi thông tin, phối hợp với các lực lượng Quản lý thị trường, Công an, Thuế, Thanh tra chuyên ngành thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử.

Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa gây tăng giá đột biến

Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao hoặc có biến động nhiều về giá trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng về biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung hàng hóa gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Đồng thời, chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phương án chuẩn bị nguồn cung, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật.

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Cục Quản lý thị trường tại địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn.