Tăng cường quản lý để ngăn chặn nạn phân bón giả
(DNVN) - Sáng 09/11, tại phiên thảo luận toàn thể về Dự thảo Luật Trồng trọt, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần rà soát, quy định chặt chẽ hơn nữa một số nội dung về quản lý phân bón.
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: "Hiện tại thị trường phân bón Việt Nam rất đa dạng, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn còn phổ biến. Do vậy, việc quy định 'một tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký công nhận một tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón' là cần thiết để tránh hiện tượng cùng một công thức phân bón, cùng hàm lượng, chỉ tiêu nhưng lại được doanh nghiệp đăng ký dưới nhiều tên thương mại, gây cho người tiêu dùng hiểu lầm là có nhiều loại phân bón khác nhau".
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khẳng định, quy định nêu trên không hạn chế việc doanh nghiệp đứng tên nhiều loại sản phẩm phân bón khác nhau với các công thức, thành phần, hàm lượng dinh dưỡng khác nhau.
Đối với quy định về thời hạn công nhận phân bón được lưu hành tại Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, phân bón là vật tư nông nghiệp quan trọng nên phải quản lý chặt chẽ. Việc quy định thời hạn quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam là 5 năm và được gia hạn là phù hợp với tình hình sản xuất phân bón hiện nay và tương đồng với thời hạn các loại giấy phép được quy định trong các luật hiện hành.
Đồng tình với quan điểm phải quản lý chặt chẽ chất lượng phân bón, đại biểu Trần Thị Hằng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đề nghị: Về quy định khảo nghiệm phân bón, sẽ giải quyết được bài toán quản lý chất lượng phân bón, tuy nhiên cần tính toán quy định này sao cho phù hợp với sản xuất trong nước và xu hướng phát triển chung của thế giới. Nhanh chóng hoàn thiện hành lang quy chuẩn phân bón làm cơ sở quản lý vì thực tế chúng ta chưa có hàng rào kỹ thuật này. Đồng thời thực hiện giảm tiền kiểm tăng hậu kiểm kèm theo chế tài phạt nghiêm khắc tạo sân chơi bình đẳng và điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội và giải quyết vấn đề môi trường.
Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Nội dung các quy định về nhập khẩu, mua bán phân bón còn khá sơ sài, chưa có cơ sở để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra được dư luận quan tâm như thực trạng nhập khẩu phân bón kém chất lượng, phân bón không đảm bảo về vệ sinh môi trường, nhập khẩu phân bón tràn lan phụ thuộc vào nguồn cung của nước ngoài ảnh hưởng lớn đến nền nông nghiệp nước ta.
“Tôi đề nghị cần nghiên cứu bổ sung các quy định về nguyên tắc xuất khẩu nhập khẩu phân bón như kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phân bón; đảm vảo về chất lượng vệ sinh môi trường; ưu tiên sử dụng phân bón trong nước; chỉ nhập khẩu phân bón khi nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ; ưu tiên việc sự dụng phân bón hữu cơ”, bà Thúy bày tỏ.