Tăng trưởng xanh sẽ phát triển khi có chính sách thuế phù hợp
21:10 | 11/03/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Sáng 11/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo “Công bố kết quả nghiên cứu sử dụng công cụ chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam”.
Nghiên cứu này được thực hiện trong khuôn khổ dự án về chính sách thuế do Quỹ Nghiên cứu Tư vấn Việt - Bỉ (SCF) tài trợ cho Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính. Kết quả nghiên cứu được kỳ vọng sẽ góp phần củng cố các luận cứ khoa học về sử dụng chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam phục vụ xây dựng Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2021-2030 và Chiến lược tài chính 2021-2030.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: "Tăng trưởng xanh luôn là vấn đề nóng, theo đó, chính sách thuế sử dụng cần làm sao khuyến khích được xanh hóa, sản xuất sạch. Tuy nhiên, để những chính sách này thực thi có hiệu quả là không dễ. Do vậy, chúng ta cần đặt ra vấn đề để nghiên cứu tiếp và hoàn thiện mục tiêu những chính sách cần thiết để đẩy nhanh tăng trưởng xanh trong thời gian tới”.
Ông Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội CIEM cho rằng, chính sách thuế, phí là công cụ điều tiết vĩ mô của Chính phủ có thể được sử dụng nhằm tác động tới hành vi sản xuất, tiêu dùng của các chủ thể trong nền kinh tế thông qua việc ưu đãi thuế đối với các hoạt động kinh tế thân thiện với môi trường; đồng thời, đánh thuế đối với hoạt động kinh tế làm tổn hại đến môi trường.
Theo kinh nghiệm của một số nước, để thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở các quốc gia có thể khác nhau nhưng đều hướng tới sản xuất và tiêu dùng xanh; giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính; kích thích với biến đổi khí hậu; phát triển công nghệ xanh và các ngành công nghiệp sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch… nhằm buộc các nhà sản xuất chuyển chi phí bảo vệ môi trường vào giá thành sản phẩm; khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư bảo vệ môi trường.
Đưa ra thực trạng chính sách thuế liên quan đến mục tiêu tăng trưởng xanh, ông Nguyễn Mạnh Hải cho biết, hiện, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải; áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện hoạt động xã hội hóa lĩnh vực môi trường…
Chính sách thuế liên quan đến mục tiêu tăng trưởng xanh ở Việt Nam bao gồm cả chính sách ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh; chính sách nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đến môi trường. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi về thuế chưa đủ mạnh để khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh. Bên cạnh đó, chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường chưa phù hợp với thực tiễn, số thu từ các sắc thuế này chưa tương xứng với những tổn hại do hoạt động sản xuất, tiêu dùng gây ra…
Cụ thể, ông Hải cho rằng, thuế có 2 chiều tác động là làm giảm tác động môi trường và tăng chi phí của doanh nghiệp. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải minh bạch, bên cạnh những đánh giá về tác động môi trường thì cũng phải có những điều chỉnh sách thuế nhằm đánh giá tác động lên nền kinh tế. Nếu không chi phí xử lý môi trường còn lớn hơn phát triển kinh tế. Ví dụ hiện nay giá điện đang được nhắc đến rất nhiều. Giá điện tăng sẽ khiến nhiều chi phí tăng. Nhưng nếu không đánh thuế cao thì các doanh nghiệp sẽ vẫn sử dụng công nghệ tác động đến môi trường…
Đồng quan điểm, ông Lê Quang Thuận, Trưởng ban Ban Tài chính quốc tế, Viện Chiến lược và Tài chính cho biết, chính sách thuế được coi là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, việc thực thi các chính sách không dễ dàng nên cần nghiên cứu sâu và tiếp tục hoàn thiện các chính sách một cách cụ thể để tăng cường hiệu quả.
Đưa ra giải pháp hoàn thiện chính sách thuế nhằm điều tiết nền kinh tế thúc đẩy tăng trưởng xanh tại hội thảo, nhóm nghiên cứu của CIEM đã đề xuất chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cần được hoàn thiện cả về mức ưu đãi và thời gian ưu đãi nhằm thu hút có chọn lọc đầu tư vào phát triển ngành, lĩnh vực công nghệ cao, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao; khuyến khích sản xuất năng lượng sạch; khuyến khích phát triển vận tải công cộng... Đặc biệt, cần quy định mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng sinh học bằng 50% của mức thuế suất đối với xăng khoáng nhằm tạo sự chênh lệch đáng kể giữa xăng sinh học và xăng khoáng.
Bên cạnh đó, bà Đặng Thị Thu Hoài, Thư ký Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tăng mức thu, đồng thời áp dụng kết hợp mức thu tuyệt đối và mức thuế suất theo tỉ lệ phần trăm đối với các sản phẩm hoặc chất thải gây tổn hại đến môi trường như phân bón hóa học; khí thải…, đồng thời mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường.