Tạo 'sân chơi' bình đẳng cho doanh nghiệp
Mục tiêu của Luật Cạnh tranh (sửa đổi) nhằm bảo vệ môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp
Hình thành văn hóa cạnh tranh
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, từ năm 2005 - 2017, trung bình mỗi năm, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (trước đây là Cục Quản lý cạnh tranh) đã thực hiện điều tra tiền tố tụng từ 10-12 vụ việc liên quan đến các hành vi hạn chế cạnh tranh. Đồng thời, thông qua quá trình điều tra, xử lý 8 vụ việc hạn chế cạnh tranh, các cơ quan chức năng đã ra quyết định xử lý, thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền phạt và phí xử lý vụ việc cạnh tranh gần 5,5 tỷ đồng. Trong các vụ việc này, ngoài hình thức xử phạt tiền, không có hình thức xử phạt bổ sung và/hoặc biện pháp khắc phục hậu quả nào được áp dụng, nhưng Cục và Hội đồng Cạnh tranh cũng đã đưa ra một số khuyến nghị đối với các doanh nghiệp (DN), hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước về việc tuân thủ pháp luật cạnh tranh, tránh thực hiện các hành vi vi phạm tương tự trong tương lai.
Nhìn lại 12 năm thi hành, Luật Cạnh tranh bước đầu đã giúp nâng cao nhận thức của toàn cộng đồng xã hội về vai trò và tầm quan trọng của cạnh tranh, giúp định hình văn hóa cạnh tranh trong kinh doanh, điều chỉnh hành vi ứng xử phù hợp với cộng đồng DN và cơ quan quản lý nhà nước cũng như toàn thể cộng đồng xã hội.
Động lực cho kinh tế tư nhân
Bối cảnh kinh tế-xã hội của Việt Nam những năm qua đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là khi Việt Nam hội nhập sâu, rộng hơn với nền kinh tế thế giới đã làm cho một số nội dung của Luật Cạnh tranh không còn phù hợp. Việc thực thi pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh đang có nhiều vấn đề liên quan đến tính thống nhất của pháp luật và cơ chế thực thi… Trên thực tế, hiện nay, tình trạng một hành vi được quy định trong nhiều văn bản pháp luật được ban hành ở nhiều thời điểm khác nhau, thực thi bởi các cơ quan quản lý khác nhau, gây nên nhiều bất cập trong khâu xử lý…
Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam - nhận định, số lượng vụ việc vi phạm cạnh tranh lành mạnh được giải quyết còn khá khiêm tốn. Theo luật sư Huỳnh, một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là do người dân hầu như không khiếu nại, DN "tự thỏa thuận" giải quyết.
Trước thực trạng đó, PGS-TS. Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, cần phải xác định đối tượng điều chỉnh chính của Luật Cạnh tranh là DN. Luật Cạnh tranh phải "cởi trói" cho thương nhân, kích thích sự sáng tạo. Mặt khác, phải trừng trị nghiêm những hành động không hợp pháp của DN.
Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) 10 năm và gần đây còn tham gia vào các FTA thế hệ mới, cam kết hợp tác với các cường quốc, khu vực thị trường thuộc đẳng cấp cao trên thế giới. Như vậy, thị trường đang được mở rộng tuyệt đối, đồng nghĩa với việc DN Việt Nam đang phải tiếp xúc với hệ thống rào cản phi thuế quan ngày càng dày đặc. Môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt đòi hỏi phải có một chiến lược mới trong cạnh tranh quốc tế, tạo sự khác biệt và sáng tạo trong kinh doanh; cùng với đó là hệ thống pháp luật và chính sách khích lệ doanh nhân, coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế.
Hoàn thiện thể chế
Mục tiêu của Luật Cạnh tranh (sửa đổi) là bảo vệ môi trường cạnh tranh, hoạt động cạnh tranh bình đẳng giữa các DN trên thị trường. Thông qua đó, tăng cường hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của DN và người tiêu dùng Việt Nam. Luật Cạnh tranh cần được coi là bộ luật hướng tới các lợi ích công, là phương tiện giúp phân bổ hiệu quả các nguồn lực, tăng cường hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế, từ đó mang lại cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn về sản phẩm, dịch vụ với chất lượng tốt và giá hợp lý.
Theo đó, Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) gồm có 121 điều, được bố cục thành 9 chương. So với Luật Cạnh tranh năm 2004, dự thảo giữ nguyên 6 điều, sửa đổi 66 điều, bổ sung 49 điều và bãi bỏ 49 điều. Những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng trong dự án Luật bao gồm: Mở rộng phạm vi điều chỉnh; mở rộng đối tượng áp dụng, ngoài tổ chức, cá nhân kinh doanh và hiệp hội ngành nghề, Dự thảo Luật còn áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan; thay đổi cách tiếp cận kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, độc quyền, tương tự như kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, các quy định về kiểm soát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền trong Dự thảo Luật cũng được thay đổi theo hướng kết hợp tư duy kinh tế và tư duy pháp lý.
Dự thảo Luật cũng đã bổ sung các quy định để hoàn thiện mô hình Cơ quan Cạnh tranh quốc gia. Theo đó, Cơ quan Cạnh tranh quốc gia là đơn vị duy nhất thực thi Luật Cạnh tranh (sửa đổi), trực thuộc Bộ Công Thương trên cơ sở hợp nhất 2 cơ quan hiện hành, gồm Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Hội đồng Cạnh tranh./.
theo Báo Công Thương