Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam: `Đầu tầu` đảm bảo an ninh năng lượng Quốc Gia
Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (viết tắt: TKV, tiếng Anh: Vietnam National Coal and Mineral Industries Group - Vinacomin) là một tập đoàn công nghiệp quốc gia của Việt Nam, với lĩnh vực chính là khai thác than đá và khoáng sản. Tập đoàn được thành lập năm 2005, trên cơ sở Tổng Công ty Than Việt Nam và Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam. Trụ sở tập đặt tại số 226, phố Lê Duẩn, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam là một trong những trụ cột của nền kinh tế
Hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) được đánh giá là nhà sản xuất than lớn nhất Việt Nam. Vinacomin hiện có khoảng 30 mỏ than lộ thiên và 20 mỏ hầm lò với tổng công suất khai thác khoảng 47-50 triệu tấn/năm. Lợi thế lớn nhất của Vinacomin chính là các mỏ than có trữ lượng lớn như bể than Quảng Ninh, bể than Đồng bằng sông Hồng. Đồng thời nhu cầu sử dụng than ngày càng tăng cũng chính là 1 cơ hội cho Vinacomin tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động và ngày càng phát triển.
Ngành, nghề kinh doanh chính của Tập Đoàn Than Khoáng sản Việt Nam là khảo sát, thăm dò, đầu tư, xây dựng, khai thác, vận tải, sàng tuyển, chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu các sản phẩm than, khí mỏ, nước ngầm ở mỏ và các khoáng sản khác đi cùng với than; khảo sát, thăm dò, đầu tư, xây dựng, khai thác, vận tải, sàng tuyển, làm giàu quặng, luyện kim, gia công, chế tác, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu các sản phẩm khoáng sản; đầu tư, xây dựng, sản xuất điện; mua, bán điện; sản xuất, mua, bán, dự trữ, sử dụng, xuất nhập khẩu các loại vật liệu nổ công nghiệp và nitơrat amôn.
Cơ cấu tổ chức quản lý, Tập Đoàn Than Khoáng sản Việt Nam bao ghòm điều hành của gồm có: Hội đồng thành viên; Tổng giám đốc, các Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng; Ban Kiểm soát; bộ máy giúp việc. Hội đồng thành viên của TKV có không quá 7 thành viên, trong đó có một thành viên là Chủ tịch Hội đồng thành viên. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng thành viên không quá 5 năm. Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên có thể được bổ nhiệm lại, nhưng không quá 2 nhiệm kỳ.
TKV có 27 đơn vị trực thuộc , 7 đơn vị sự nghiệp, nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 17 công ty TNHH MTV, nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại 36 công ty cổ phần, và nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ tại 7 công ty.
Lịch sử hình thành Tập Đoàn Than Khoáng sản Việt Nam
Ngành Than Việt Nam đã có lịch sử khai thác trên 175 năm, với 79 năm truyền thống vẻ vang, từ cuộc tổng bãi công ngày 12/11/1936 của hơn 3 vạn thợ mỏ đã giành thắng lợi rực rỡ. Bước vào công cuộc đổi mới, những năm đầu thập niên 90, ngành Than Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn, thử thách gay gắt: nạn khai thác than trái phép phát triển tràn lan làm tài nguyên và môi trường vùng mỏ bị hủy hoại nghiêm trọng, trật tự và an toàn xã hội diễn biến phức tạp. Do thiếu sự tổ chức và quản lý thống nhất của Nhà nước đã đẩy các công ty than chính thống vào tình thế phải thu hẹp sản xuất, giảm đào lò, giảm bóc đất, niêm cất xe máy, thiết bị, công nhân thiếu việc làm, thu nhập, đời sống khó khăn, ngành Than đã lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng.
Ngày 01/01/1995: Tổng Công ty Than Việt Nam bắt đầu hoạt động theo Điều lệ được ban hành tại Nghị định 13-CP ngày 17/01/1995 của Chính phủ.
Tháng 11/1996: Ngành Than đón nhận Huân chương Sao vàng do có nhiều công lao trong 50 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tháng 12/1997: Than Việt Nam đạt 10,7 triệu tấn than thương phẩm, hoàn thành vượt mức sản lượng của năm 2000 do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII giao cho Ngành Than (10 triệu tấn).
Tháng 5/1999: Điều chỉnh giảm sản xuất than theo nhu cầu thị trường giải quyết thành công quan hệ cung cầu do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực. Cổ phần hoá công ty than đầu tiên.
Tháng 5/2001: Tiếp nhận Tổng công ty cơ khí năng lượng và mỏ sáp nhập vào Tổng Công ty Than Việt Nam.
Tháng 4/2002: Khởi công xây dựng nhà máy điện Na Dương - nhà máy nhiệt điện đầu tiên của Tập đoàn.
Tháng 8/2003: Xuất xưởng lô xe tải KRAZ đầu tiên được lắp ráp tại Việt Nam.
Tháng 12/2003: Đạt 18,8 triệu tấn than thương phẩm, vượt chỉ tiêu sản lượng của năm 2005 do Đại hội Đảng lần thứ IX đề ra cho ngành Than (15 triệu tấn).
Tháng 12/2004: Đạt 24,7 triệu tấn than thương phẩm (trong đó xuất khẩu 10,5 triệu tấn), đạt mục tiêu quy hoạch của năm 2010 (23-24 triệu tấn).
Ngày 8/8/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 198/2005/QĐ-TTg và Quyết định số 199/2005/QĐ-TTg tổ chức lại Tổng Công ty Than Việt Nam và các đơn vị thành viên, thành lập Tập đoàn Than Việt Nam, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Ngày 26/12/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 345/2005/QĐ-TTg thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở Tập đoàn Than Việt Nam và Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam và hoạt động theo Điều lệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 228/2006/QĐ-TTg ngày 11/10/2006.
Ngày 06/01/2005: Tổng Công ty Than Việt Nam được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới theo hướng đề nghị của Hội đồng thi đua khen thưởng trung ương và Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 09/10/2006: Cổ phiếu của Công ty CP than Cọc Sáu, Đèo Nai, Cao Sơn, Hà Tu tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tập đoàn đã hoàn thành việc chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, chuyển phần lớn các công ty sang hoạt động theo Luật doanh nghiệp.
Tháng 7/2008: Khởi công dự án Bô-xít Tân Rai, Lâm Đồng và triển khai các dự án phát triển công nghiệp Nhôm ở Tây Nguyên.
Năm 2010 đã sản xuất 46,8 triệu tấn than, tiêu thụ 42,8 triệu tấn than (trong đó xuất khẩu 18,7 triệu tấn), doanh thu 69,6 ngàn tỷ VNĐ, đảm bảo đủ việc làm cho trên 132 ngàn công nhân viên chức lao động.
Ngày 21/3/2011: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 418/2005/QĐ-TTg phê duyệt Điều lệ tổ chức hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; theo đó Tập đoàn có: 22 đơn vị trực thuộc Công ty mẹ - Tập đoàn; 23 công ty con TNHH MTV; 4 công ty con ở nước ngoài; 7 đơn vị sự nghiệp có thu hạch toán độc lập; 33 công ty con cổ phần.
Vượt qua mọi khó khăn giữ vững vị thế "đầu tầu" đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Kế thừa và phát huy truyền thống ngành than, trong 27 năm kể từ khi thành lập (1994), nhất là trong 5 năm gần đây, Vinacomin đã đạt được những kết quả, thành tích toàn diện, giữ vững vai trò then chốt, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; bảo toàn và phát triển nguồn vốn; nộp ngân sách, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước; đảm bảo việc làm, thu nhập cho gần 10 vạn công nhân thợ mỏ và người lao động.
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết, ông Đặng Thanh Hải - Tổng giám đốc TKV cho biết, năm 2020, sản lượng than nguyên khai sản xuất đạt 38,5 triệu tấn, bằng 100% kế hoạch; sản lượng than tiêu thụ đạt 42 triệu tấn. Đáng chú ý, sản lượng điện, sản lượng Alumin sản xuất năm 2020 của TKV đạt cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, Alumin sản xuất tổng số 1,42 triệu tấn, bằng 109% kế hoạch. Tiêu thụ đạt 1,40 triệu tấn đạt 109% kế hoạch. Tiêu thụ đồng tấm 13.000 tấn, tăng 7% so với 2019; kẽm thỏi 12.000 tấn, các sản phẩm thiếc thỏi, vàng, bạc... đạt 100% kế hoạch. Đặc biệt, sản xuất điện đạt 10,6 tỷ kWh, bằng 108% thực hiện năm 2019, đây là kết quả cao nhất kể từ khi thành lập Tổng công ty Điện lực TKV.
Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn và diễn biến khó lường của dịch COVID-19 song Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị kịp thời và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thành công mục tiêu kép: “Vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả”.
Đồng thời, Ban lãnh đạo điều hành Tập đoàn đã thực hiện nhiều giải pháp theo diễn biến thị trường để chỉ đạo, điều hành sản xuất tiêu thụ, tăng cường công tác quản lý doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh và thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, quyết liệt chỉ đạo công tác an toàn vệ sinh lao động, an toàn môi trường…
Nhờ đó năm 2020, các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh chính của Tập đoàn đều hoàn thành theo kế hoạch. Tiêu biểu, than nguyên khai sản xuất được hơn 38,4 triệu tấn, đạt 100% kế hoạch điều chỉnh năm 2020. Than tiêu thụ được 42 triệu tấn, đạt 100% kế hoạch điều chỉnh năm 2020. Một số lĩnh vực công nghiệp khoáng sản, sản xuất điện, hóa chất, vật liệu nổ… đều phát triển ổn định đạt, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Doanh thu của toàn Tập đoàn đạt hơn 123,4 nghìn tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch năm, lợi nhuận hơn 2.600 tỷ đồng, đạt 100% so với kế hoạch năm; nộp ngân sách Nhà nước đạt 19.300 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch năm.
Trong công tác xây dựng Đảng, điểm nhấn năm 2020, Đảng ủy Tập đoàn đã phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Than Quảng Ninh và cấp ủy cấp trên cơ sở chỉ đạo thành công đại hội cấp cơ sở và đại hội điểm Đảng bộ TKV. Bên cạnh đó, phối hợp công tác kiện toàn sắp xếp tổ chức đảng, các đoàn thể quần chúng và công tác cán bộ.
Năm 2021, Đảng bộ Tập đoàn sẽ tiếp tục kiên định với mục tiêu: “An toàn - Phát triển - Hiệu quả”, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả; chú trọng phát triển thị trường và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm; không ngừng đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới tiên tiến, hiện đại; đẩy mạnh chế biến sâu tạo chuỗi sản phẩm và chuỗi giá trị gia tăng trên nền sản xuất than, khoáng sản.
Xem thêm: Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản
Nguyễn Dung