Tham vọng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khi tham gia cuộc đua sản xuất vắc xin phòng Covid-19

19:33 | 02/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tập đoàn Vingroup vừa ký kết với Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19.

Nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin

Với năng lực sản xuất lên tới 200 triệu liều/năm, dự kiến Vingroup sẽ xuất xưởng những lô vắc xin đầu tiên vào đầu năm 2022.

Arcturus Therapeutics (Mỹ) là đơn vị nghiên cứu phát triển vắc xin phòng Covid-19 theo công nghệ mRNA – một trong những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Theo thoả thuận Arcturus sẽ cấp giấy phép độc quyền và Công ty CP Công nghệ Sinh học VinBioCare (công ty thành viên của Vingroup) sẽ tiến hành sản xuất vắc xin phòng Covid-19 có tên VBC-COV19-154 (dựa trên sáng chế vắc xin ARCT-154 của Arcturus). Vắc xin này có khả năng chống lại các biến chủng mới nguy hiểm như Delta (Ấn Độ), Alpha (Anh), Beta (Nam Phi), Gamma (Brazil)…

Tham vọng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khi tham gia cuộc đua sản xuất vắc xin phòng Covid-19 - ảnh 1

Đồng thời, Arcturus sẽ tiến hành chuyển giao cho VinBioCare quy trình sản xuất, bao gồm: Bí quyết công nghệ; Đào tạo, chuyển giao, thực hành và kiểm định sản phẩm; cung cấp nguyên liệu đầu vào theo công nghệ độc quyền của Arcturus. Tiến độ chuyển giao dự kiến từ đầu tháng 8/2021.

VinBioCare cũng được Arcturus cấp quyền sản xuất tất cả vắc xin phòng Covid-19 khác của hãng như ARCT-021 (1 mũi) và các vắc xin trong tương lai để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam.

Nhà máy sản xuất vắc xin của VinBioCare sẽ đặt tại Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart tại KCN Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD; công suất 200 triệu liều mỗi năm. Hiện nay VinBiocare đã ký kết xong các hợp đồng mua sắm máy móc thiết bị, dự kiến trong tháng 9/2021 ngay khi nhận máy sẽ dùng chuyên cơ chuyển về Việt Nam để tiết kiệm thời gian vận chuyển. Công tác xây dựng nhà xưởng cũng đã cơ bản hoàn thành, việc lắp đặt thiết bị dự kiến sẽ kết thúc trong tháng 11/2021. 

Nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất cao nhất, VinBioCare đã hợp tác với đơn vị tư vấn Rieckermann (Đức) – một trong những đơn vị tư vấn lớn và uy tín nhất thế giới trong cung cấp giải pháp lĩnh vực dược – để gấp rút triển khai công tác thiết kế thi công nhà máy sản xuất có diện tích 8,807m2 theo tiêu chuẩn cGMP và GMP – WHO.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ: “Hưởng ứng chỉ đạo của Chính phủ về việc tìm mua và tự chủ sản xuất vắc xin phòng COVID-19 cho Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, dịch bệnh bùng phát, Vingroup đã nỗ lực hết sức để tìm kiếm các đối tác quốc tế uy tín và triển khai khẩn cấp việc mua sắm thiết bị, xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin. Chúng tôi hy vọng có thể góp một phần nhỏ bé vào công cuộc chống dịch của nước nhà, để tất cả chúng ta sớm lại được sinh sống bình thường.”  

VBC-COV19-154 được phát triển theo công nghệ tân tiến nhất hiện nay là saRNA (self-amplifying mRNA – mRNA tự nhân bản). Đây là công nghệ mới, cho phép sử dụng liều vắc xin thấp hơn, trong khi kích thích miễn dịch kéo dài hơn. Công nghệ vắc xin mRNA thích hợp để đáp ứng nhanh với các biến thể nCoV nhờ đặc tính hóa học, vật lý của mRNA vẫn giữ nguyên, ngay cả với những thay đổi trình tự nhỏ cần thiết để phù hợp với các đột biến của virus. Nhờ vậy, việc phát triển vắc xin mRNA cho hiệu quả phòng ngừa biến thể nCoV nhanh chóng và đơn giản, có khả năng chống lại các biến chủng mới nguy hiểm như Alpha, Beta, Delta, Gamma…

Đặc biệt, VBC-COV19-154 có dạng đông khô, vận chuyển thuận tiện ở nhiệt độ từ 2 – 8oC, mang đến ưu thế vượt trội về khả năng phổ cập và tối ưu chi phí.

Hiện, kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 của VBC-COV19-154 tại Singapore và Mỹ cho kết quả rất khả quan, tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt trên 90%, đạt yêu cầu về độ an toàn và khả năng dung nạp.

Theo lộ trình, tháng 8/2021, VinBioCare sẽ phối hợp với Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo của Bộ Y Tế Việt Nam đưa vắc xin VCB-COV19-154 vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam trên quy mô 20.000 người. Tháng 12/2021, VinBioCare dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ và gửi Bộ Y tế xin cấp phép khẩn cấp có điều kiện để sử dụng VCB-COV19-154 tại Việt Nam. Dự kiến, lô vắc xin đầu tiên sẽ được xuất xưởng vào đầu năm 2022. 

Với việc tự chủ được sản xuất trong nước, giá vắc xin do VinBioCare sản xuất dự kiến sẽ rẻ hơn so với sản phẩm cùng phân khúc đang được chào bán trên thị trường. Đặc biệt, VinBioCare sẽ cung cấp vắc xin phòng Covid -19 cho Việt Nam với giá chỉ có chi phí, không tính lợi nhuận trong suốt thời gian chống dịch.

Được biết, Arcturus Therapeutics Inc thành lập vào năm 2013 tại San Diego, California, Mỹ. Lĩnh vực hoạt động: Nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa các phương pháp điều trị các bệnh hiểm nghèo và truyền nhiễm bằng thuốc mRNA (mRNA medicines); Công nghệ phân phối hạt nano lipid (lipid nanoparticle-mediated delivery system) độc quyền dùng trong vận chuyển thuốc mRNA hoặc DNA vào các tế bào đích.

Trong khi đó Công ty CP Công nghệ Sinh học VinBiocare thuộc Tập đoàn Vingroup, mới được thành lập để hoạt động trong lĩnh vực vắc xin. Theo Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp, Công ty cổ phần Công nghệ Sinh học Vinbiocare vừa được thành lập ngày 3/6 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trụ sở chính tại Tòa văn phòng Techno Park, Vinhomes Ocean Park, Gia Lâm, Hà Nội.

Hoạt động phi lợi nhuận

Cổ đông lớn nhất của Vinbiocare là Tập đoàn Vingroup (VIC), với sở hữu 69% cổ phần, tương ứng góp 138 tỷ đồng. Hai cổ đông còn lại là ông Phan Quốc Việt nắm 30% và bà Phan Thu Hương nắm 1% vốn.

Tham vọng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khi tham gia cuộc đua sản xuất vắc xin phòng Covid-19 - ảnh 2

Người đại diện theo pháp luật của Vinbiocare là bà Mai Hương Nội, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty. Bà Mai Hương Nội là Phó tổng giám đốc Vingroup.

Theo đăng ký thành lập, Vinbiocare đăng ký 12 ngành nghề kinh doanh, trong đó lĩnh vực chính của là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu.

Vinbiocare được lập trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh việc sản xuất vaccine Covid-19 khi dịch diễn biến phức tạp. Theo dự thảo quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án nghiên cứu, phát triển vaccine Covid-19, một điểm nghẽn rất lớn trong quá trình phát triển vaccine là chuyển từ giai đoạn nghiên cứu sang phát triển thương mại "do thiếu nguồn lực đầu tư, khó tiếp cận các công nghệ hoặc nguyên liệu cần thiết để hoàn thiện sản phẩm".

Trước đó, cuối tháng 2, Quỹ Đổi mới sáng tạo (VINIF) thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn – VINBDI (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã ký tài trợ 3 dự án nghiên cứu vaccine, đặc điểm dịch tễ học và phát triển hệ thống cảnh báo quốc gia về Covid-19.

Vinbiocare cũng không phải công ty đầu tiên của Vingroup tham gia trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm.

Đầu năm 2018, Vingroup tham gia lĩnh vực sản xuất dược phẩm khi thành lập Công ty cổ phần Vinfa và đầu tư xây dựng dự án "Trung tâm nghiên cứu sản xuất thuốc Vinfa" tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Các nhà phân phối thuốc VinFa cũng được thành lập đi cùng với chuỗi Vinmart. Tuy nhiên, mảng kinh doanh này dần thu hẹp từ cuối năm 2019.

Mới đây UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt danh mục các dự án trọng điểm cấp bách được hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Trong đó có Dự án Nhà máy sản xuất vaccine được xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội, do Công ty cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất Vinsmart làm chủ đầu tư.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đã có những chia sẻ về dự án Vinbiocare.

Theo đó, Vinbiocare có định hướng phát triển các sản phẩm công nghệ sinh học chứ không chỉ riêng vaccine. "Công ty này sẽ bắt đầu từng hoạt động với nhiều công đoạn như xét nghiệm, vaccine, thực phẩm thức năng, thuốc chữa", ông Phạm Nhật Vượng cho hay.

Đồng thời, Chủ tịch Vingroup cũng nhấn mạnh đây là hoạt động phi lợi nhuận.

"Hiện tại đất nước đang cần, chúng tôi làm vaccine. Nhưng dự án đó là phi lợi nhuận, tất cả chi phí chúng tôi sẽ cố gắng thu về, cần thiết sẽ tài trợ, thậm chí chấp nhận rủi ro ban đầu là thử nghiệm vaccine với các dự án chưa chắc đã thành công, đồng hành cùng dự án đó. Vì đơn giản nếu đợi đến khi thành công thì chưa chắc chúng ta đã mua được vaccine chứ đừng nói là chuyển giao công nghệ”, ông Vượng nói.

Ngoài sản xuất vaccine, Vingroup cũng tài trợ cho nhiều hoạt động phòng chống dịch Covid-19 thông qua việc sản xuất và tài trợ máy thở, tài trợ nghiên cứu vaccine, tài trợ các chuyến bay nhân đạo.

Vingroup đã triển khai sản xuất máy thở các loại (xâm nhập, không xâm nhập) và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam. Trong tháng 8/2020, tập đoàn đã tặng 3.000 máy thở Vsmart VFS - 410 và 200 máy thở xâm nhập VFS - 510 cho Bộ Y tế.

Đầu năm 2021, Vingroup đã tài trợ 20 tỉ đồng cho Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC, thuộc Bộ Y tế) để nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivac phòng Covid-19.

Lã Bất Vi